Công tác Công an góp phần thúc đẩy doanh nghiệp phát triển

29/04/2016
Ngày 29/4/2016, Thượng tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an đã có bài phát biểu quan trọng tại Hội nghị Doanh nghiệp Việt Nam - Động lực phát triển kinh tế của đất nước. Cổng Thông tin điện tử Bộ Công an xin trân trọng giới thiệu toàn văn bài phát biểu của đồng chí Bộ trưởng.
 

Thời gian qua, dưới sự lãnh đạo của Chính phủ, sự phối hợp của các ngành, các cấp, sự giúp đỡ của nhân dân, của các doanh nhân, doanh nghiệp, lực lượng Công an đã phát huy vai trò nòng cốt, làm tốt chức năng tham mưu, tăng cường đấu tranh, ngăn chặn âm mưu, hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, phòng chống khủng bố, phá hoại, đấu tranh trấn áp các loại tội phạm, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội. Vì vậy, trong điều kiện có nhiều khó khăn, thách thức rất lớn, nhưng an ninh, trật tự đã được giữ vững, góp phần tạo môi trường hòa bình, ổn định của đất nước, môi trường cạnh tranh lành mạnh, an ninh, an toàn và thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển. Trong điều kiện thực hiện kinh tế thị trường có sự quản lý của Nhà nước và hội nhập quốc tế sâu rộng, mục tiêu xây dựng một xã hội an toàn, có kỷ cương, trật tự để phát triển ổn định và bền vững, bảo đảm lợi ích quốc gia, lợi ích của từng người dân, từng doanh nghiệp là một nội dung của an ninh quốc gia.

Bộ Công an đã chủ động tham mưu cho Chính phủ trong hoàn thiện quy định của pháp luật, ban hành các chủ trương, giải pháp phù hợp để vừa bảo đảm an ninh, trật tự, vừa tạo môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển. Tham mưu đẩy mạnh thu hút đầu tư nước ngoài, đồng thời bảo đảm lợi ích, an ninh quốc gia của Việt Nam trong đàm phán, ký kết các Hiệp định thương mại; chủ động phát hiện những sơ hở, yếu kém của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước, ngân hàng thương mại, từ đó kiến nghị với Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành liên quan rà soát, thực hiện tái cơ cấu các doanh nghiệp nhà nước, cơ cấu lại các ngân hàng, góp phần lành mạnh hóa hoạt động của hệ thống tài chính, ngân hàng. Kiến nghị Chính phủ chỉ đạo sửa đổi, bổ sung nhiều nghị định, thông tư theo hướng tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước về an ninh, trật tự, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi hơn cho doanh nghiệp phát triển.

Bộ Công an đã chỉ đạo tăng cường công tác bảo đảm an ninh trên lĩnh vực kinh tế. Tập trung phát hiện, đấu tranh, ngăn chặn các hoạt động tác động thông qua kinh tế để chuyển hóa chính trị. Chú trọng nắm tình hình, thu thập thông tin hỗ trợ doanh nghiệp trong lựa chọn đối tác nước ngoài; hằng năm đã cung cấp thông tin theo hàng nghìn yêu cầu của doanh nghiệp, trong đó nhiều thông tin có giá trị phục vụ doanh nghiệp lựa chọn chính xác đối tác, lĩnh vực, ngành hàng đầu tư kinh doanh có hiệu quả.

Đẩy mạnh cải cách hành chính theo chỉ đạo của Chính phủ trên lĩnh vực quản lý nhà nước về an ninh, trật tự, nhất là cải cách thủ tục hành chính, qua đó tạo điều kiện thuận lợi hơn, giảm chi phí, tiết kiệm thời gian cho doanh nghiệp. Nổi bật là, niêm yết công khai, rõ ràng, đầy đủ, chính xác Bộ thủ tục hành chính trên Cổng Thông tin điện tử Bộ Công an và tại 100% địa điểm tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính của Công an các cấp; giảm thời gian cấp hộ chiếu từ 15 ngày xuống 08 ngày, thị thực và thời hạn tạm trú đối với nhà đầu tư nước ngoài tăng từ 12 tháng lên 05 năm; thực hiện Chính phủ điện tử: thị thực điện tử, hộ chiếu điện tử...

Lực lượng Công an đã liên tục mở các đợt cao điểm tấn công trấn áp tội phạm, tập trung đấu tranh phòng, chống tội phạm hình sự, triệt xóa các băng, nhóm tội phạm “núp bóng” doanh nghiệp, tạo môi trường an ninh, an toàn, lành mạnh cho hoạt động doanh nghiệp. Trung bình mỗi năm, Bộ Công an triệt phá hàng nghìn băng, ổ, nhóm tội phạm; riêng năm 2015 triệt phá hơn 2.000 băng, ổ, nhóm, trong đó có hàng trăm băng, nhóm tội phạm nguy hiểm “núp bóng” công ty, doanh nghiệp để hoạt động phạm tội, ảnh hưởng xấu đến môi trường cạnh tranh, hoạt động bình thường của các doanh nghiệp. Sự xâm nhập, can thiệp của tội phạm hình sự vào các lĩnh vực kinh tế thông qua thành lập các doanh nghiệp để tạo vỏ bọc, tụ tập, thu nạp các đối tượng có tiền án, tiền sự, hình thành các băng, ổ, nhóm tội phạm có tổ chức hoạt động đâm thuê chém mướn, cưỡng đoạt tài sản, “tín dụng đen”, siết nợ, đòi nợ thuê, can thiệp vào hoạt động đấu thầu, hợp đồng hợp tác kinh tế... đang đe dọa đến an ninh, an toàn, lợi ích của doanh nghiệp.

Để góp phần tạo môi trường kinh doanh bình đẳng, lành mạnh, lực lượng Công an đã triển khai quyết liệt công tác đấu tranh, chống tội phạm kinh tế, tham nhũng, tội phạm và vi phạm pháp luật về môi trường, tội phạm sử dụng công nghệ cao. Chỉ tính riêng năm 2015, đã phát hiện, khởi tố điều tra hàng nghìn vụ với hàng nghìn bị can phạm tội kinh tế; hàng trăm vụ với hàng trăm bị can phạm tội tham nhũng, thu hồi cho nhà nước hàng chục nghìn tỷ đồng. Trong đó điều tra, xử lý nhiều vụ án kinh tế, tham nhũng lớn, tính chất phức tạp.

Đã phát hiện hàng trăm doanh nghiệp lợi dụng chính sách khấu trừ thuế, hoàn thuế VAT, góp phần ổn định thị trường, chống thất thu thuế. Điều tra, xử lý hàng chục nghìn vụ buôn lậu, gian lận thương mại, buôn bán hàng cấm, hàng giả, góp phần kiềm chế, làm giảm hoạt động buôn lậu trên các tuyến, địa bàn trọng điểm. Xử lý hàng chục nghìn vi phạm pháp luật về môi trường, qua đó góp phần bảo vệ môi trường. Tình trạng sản xuất kinh doanh phân bón giả, kém chất lượng, vật tư nông nghiệp giả, sử dụng chất cấm trong chăn nuôi, gây dư luận xấu trong xã hội, gây khó khăn cho nông nghiệp phát triển; việc sử dụng chất cấm trong nuôi trồng thủy sản ảnh hưởng xấu đến xuất khẩu và uy tín của ngành thủy sản Việt Nam, làm méo mó hoạt động kinh doanh, xuất nhập khẩu, ảnh hưởng xấu đến môi trường kinh doanh sản xuất. Điều tra, xử lý hàng chục vụ vi phạm hoạt động kinh doanh đa cấp, góp phần chấn chỉnh hoạt động kinh doanh đa cấp theo đúng pháp luật. Những hoạt động này làm xấu hình ảnh doanh nghiệp.

Lực lượng Công an đã tập trung tham mưu, phối hợp giải quyết ổn định các vụ khiếu kiện, đình công, lãn công; tăng cường các biện pháp phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ tại các khu công nghiệp, khu kinh tế, khu chế xuất, qua đó tạo môi trường ổn định, an toàn cho hoạt động của các doanh nghiệp. Đã tham mưu, phối hợp giải quyết hàng nghìn vụ, với hàng chục nghìn lượt người khiếu kiện liên quan đến đất đai, chính sách; hàng trăm vụ, với hàng trăm nghìn lượt công nhân đình công, lãn công. Tăng cường phòng cháy, chữa cháy, góp phần ngăn ngừa, làm giảm thiệt hại về người, tài sản của các doanh nghiệp.

Để góp phần tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển, Bộ Công an sẽ chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương tập trung thực hiện các nội dung sau:

Tiếp tục tham mưu với Chính phủ bổ sung, sửa đổi các quy định của pháp luật theo hướng tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước về ANTT, đồng thời tạo thuận lợi hơn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh. Trước mắt, đề nghị sửa đổi Nghị định số 52, ngày 22/4/2008 “về quản lý kinh doanh dịch vụ bảo vệ”, sửa đổi Nghị định số 72, ngày 03/9/2009 “quy định điều kiện về ANTT đối với một số ngành, nghề kinh doanh có điều kiện”... theo hướng quy định cụ thể hơn các điều kiện, thời điểm thẩm định giấy chứng nhận, các hình thức nộp hồ sơ... để thuận lợi hơn cho các doanh nghiệp đăng ký kinh doanh. Tiếp tục cải cách hành chính trên các lĩnh vực quản lý nhà nước về ANTT theo hướng tạo thuận lợi hơn nữa cho doanh nghiệp, người dân.

Xây dựng, triển khai thực hiện các Đề án về công tác Công an đảm bảo an ninh kinh tế trong điều kiện hội nhập quốc tế sâu rộng. Đẩy mạnh nắm tình hình, cung cấp thông tin phục vụ doanh nghiệp lựa chọn đối tác đầu tư. Tham mưu cấp ủy, chính quyền và phối hợp triển khai các biện pháp bảo đảm an ninh, trật tự các khu công nghiệp, khu kinh tế, khu chế xuất.

Tiếp tục đấu tranh có hiệu quả với tội phạm kinh tế, tham nhũng, nhất là buôn lậu, gian lận thương mại, trốn thuế…, góp phần tạo môi trường kinh doanh lành mạnh cho doanh nghiệp.

Tập trung đấu tranh quyết liệt với tội phạm hình sự, nhất là băng, nhóm tội phạm “núp bóng” doanh nghiệp hoạt động bảo kê, siết nợ, đòi nợ thuê, “tín dụng đen”, cưỡng đoạt tài sản… gây mất an toàn môi trường kinh doanh của các doanh nghiệp.

Thường xuyên kiểm tra việc chấp hành pháp luật trong điều tra, khởi tố các vụ án, nhất là các vụ án có liên quan đến doanh nghiệp, kịp thời phát hiện, chấn chỉnh và xử lý nghiêm minh các sai phạm; tập trung biện pháp thúc đẩy tiến độ điều tra, kết luận, xử lý các vụ án liên quan đến doanh nghiệp. Hàng năm, lực lượng Công an đã khởi tố, điều tra, xử lý hàng nghìn vụ án, hàng chục nghìn bị can phạm tội theo đúng quy định của pháp luật. Tuy nhiên, cá biệt còn xảy ra một vài vụ oan, sai do cán bộ Công an chưa chấp hành nghiêm pháp luật. Trong Công an nhân dân không có khái niệm và không có chủ trương “hình sự hóa”. Còn tình trạng một bộ phận cán bộ, chiến sĩ trong khi thực hiện nhiệm vụ, do thoái hóa, biến chất, không nắm rõ pháp luật, không thực hiện đúng quy trình nghiệp vụ, do tiêu cực tác động lôi kéo nên đã có vi phạm pháp luật, nhũng nhiễu doanh nghiệp, người dân. Đối với những trường hợp này, quan điểm nhất quán của Ngành Công an là xử lý nghiêm minh những sai phạm theo quy định. Bộ Công an đề nghị các doanh nghiệp tiếp tục phát hiện, cung cấp thông tin, phối hợp với ngành Công an để ngăn ngừa, xử lý kịp thời các trường hợp sai phạm của cán bộ, chiến sĩ Công an.

Bộ Công an trân trọng cảm ơn sự đồng hành, sự tham gia tích cực của doanh nghiệp, doanh nhân với sự nghiệp bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội; tiếp thu đầy đủ những kiến nghị của các doanh nghiệp, tiếp tục chỉ đạo các cơ quan chức năng trong Công an nhân dân và phối hợp chặt chẽ với các bộ, ban, ngành, địa phương thực hiện hiệu quả chủ trương của Chính phủ về tạo thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển./.

 

Thượng tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị
Tìm kiếm