Nhiệm vụ đặc biệt quan trọng trong bảo vệ an ninh quốc gia

05/06/2017
Hướng tới kỷ niệm 15 năm Ngày truyền thống Cục Bảo vệ chính trị V (12/6/2002 – 12/6/2017), Thượng tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Đảng ủy Công an Trung ương, Bộ trưởng Bộ Công an có bài viết quan trọng: "Nhiệm vụ đặc biệt quan trọng trong bảo vệ an ninh quốc gia". Cổng Thông tin điện tử Bộ Công an trân trọng giới thiệu toàn văn bài viết của đồng chí Bộ trưởng.

Đấu tranh chống phản động, phòng, chống khủng bố là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng trong bảo đảm an ninh quốc gia gắn liền với sự nghiệp đấu tranh giành độc lập dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của nhân dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Trong đó, lực lượng Công an nhân dân (CAND) được giao nhiệm vụ nòng cốt gánh vác trách nhiệm hết sức nặng nề nhưng cũng thật vẻ vang này.

Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, chính quyền cách mạng non trẻ phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, vừa giải quyết “giặc đói”, “giặc dốt”, vừa đương đầu với các thế lực “thù trong - giặc ngoài”; đặc biệt là âm mưu, “Kế hoạch đảo chính Chính phủ Hồ Chí Minh” của các phần tử phản cách mạng, Quốc dân đảng liên minh, câu kết với thực dân Pháp tiến hành.

Ngày 12/7/1946, những thế hệ đầu tiên của lực lượng Công an đã mưu trí, dũng cảm, kịp thời phát hiện, phá thành công vụ án số 7, phố Ôn Như Hầu (thành phố Hà Nội), bắt, trừng trị nhiều đối tượng phản động, tay sai nguy hiểm, làm thất bại kế hoạch đảo chính của địch, giữ vững nền độc lập, tự do, bảo đảm tuyệt đối an toàn cho nhân dân và lãnh tụ trong tình thế “sống còn” của cách mạng.

Đây không chỉ là mốc son chói lọi trong lịch sử xây dựng, chiến đấu, trưởng thành của lực lượng CAND nói chung, lực lượng An ninh nhân dân nói riêng, mà còn chính thức xác lập nhiệm vụ đặc biệt quan trọng có ý nghĩa quyết định đến sự thành bại của cách mạng, sự tồn vong của nhà nước, chế độ, đó là đấu tranh chống phản động và phòng, chống khủng bố.

Trong máu lửa cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, Hội nghị Công an toàn quốc lần thứ 5 (tháng 1/1950) đã xác định rõ: “Công an phải dựa vào nhân dân để chống phản động, tay sai, đế quốc, giữ gìn trật tự, trị an, đảm bảo tự do cho mọi người”. Công an các đơn vị, địa phương đã chú trọng vận động quần chúng nhân dân tích cực tham gia các phong trào “Bảo mật, phòng gian”, “Ngũ gia liên bảo”; xây dựng lực lượng cơ sở bí mật thâm nhập sâu vào các cơ quan đầu não của địch, thu được nhiều tin tình báo giá trị.

Tổ chức nhiều chiến dịch phá tề, trừ gian, phá chính quyền cơ sở của địch, tiêu diệt nhiều tên phản động, cầm đầu gian ác, khám phá, trấn áp hàng trăm nhen nhóm, tổ chức phản động, ổ nhóm gián điệp, chỉ điểm, góp phần bảo vệ tuyệt đối an toàn các đồng chí lãnh đạo, căn cứ địa và các cơ quan đầu não, từng bước tạo thế, tạo lực, tạo đà cho cách mạng tiến tới kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.

Xây dựng lực lượng CAND cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại là nhiệm vụ xuyên suốt.


Hiệp định Giơnevơ về Đông Dương được ký kết (tháng 7/1954), đất nước ta tạm thời chia cắt làm hai miền với hai chế độ chính trị, xã hội khác nhau. Trước những thay đổi của tình hình thực tiễn, nhiệm vụ công tác Công an được xác định: “trấn áp mọi hành động phá hoại của bọn phản cách mạng trong nước và bọn phản động cách mạng ngoài nước xâm nhập, phá hoại nước ta, luôn sẵn sàng chiến đấu để bảo vệ an ninh biên giới, bờ biển, giới tuyến và nội địa, bảo vệ an toàn các cơ sở kinh tế, văn hóa quan trọng”.

Theo đó, ở miền Bắc, lực lượng Công an đã phát động rộng khắp phong trào “bảo vệ trị an” trong nhân dân, “bảo mật, phòng gian” trong các cơ quan, xí nghiệp; chủ động phòng ngừa, phát hiện, đấu tranh bóc gỡ, tiêu diệt nhiều toán phỉ, đập tan nhiều nhen nhóm phản động, gián điệp biệt kích xâm nhập bằng đường biển, đường không, làm thất bại hoàn toàn cuộc chiến tranh gián điệp biệt kích của Mỹ.

Ở miền Nam, các Ban địch tình đã thành lập lực lượng vũ trang tuyên truyền, đội vũ trang bí mật, xây dựng căn cứ ở miền núi, tập hợp lực lượng để diệt ác ôn, chống chiến dịch “tố cộng”, “diệt cộng”, hỗ trợ phong trào chính trị của quần chúng.

Lực lượng An ninh miền Nam đã phối hợp, hiệp đồng chặt chẽ với các lực lượng vũ trang, dựa vào quần chúng nhân dân liên tục tấn công, truy quét làm thất bại nhiều kế hoạch, chiến dịch tình báo, phá hoại của các cơ quan đặc biệt Mỹ, ngụy quyền Sài Gòn và bọn phản cách mạng; trấn áp kịp thời nhiều tổ chức phản động, tiêu diệt nhiều tên ác ôn, đầu sỏ... đóng góp to lớn vào thắng lợi của cách mạng miền nam, đặc biệt là trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Mùa xuân năm 1975, đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.

Đất nước hòa bình, non sông thu về một mối song các thế lực thù địch, phản động bên ngoài “ôm hận” càng ráo riết móc nối với số tàn quân, phản cách mạng, số FULRO trong nội địa thực hiện “kế hoạch hậu chiến”, “chiến tranh phá hoại nhiều mặt” kết hợp với bao vây, cấm vận, kìm hãm, phá hoại về kinh tế… hòng “quay trở lại Việt Nam” lật đổ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Ngày 20/9/1975, Hội nghị lần thứ 24 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng ra Nghị quyết về nhiệm vụ cách mạng Việt Nam giai đoạn mới, trong đó nhấn mạnh nhiệm vụ quốc phòng, an ninh: “tiếp tục truy quét tàn quân địch, các lực lượng phản cách mạng hiện hành, sẵn sàng đập tan mọi hành động bạo loạn, phá hoại, chống đối của chúng, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội, bảo vệ chính quyền cách mạng”.

Công an các đơn vị, địa phương đã tổ chức cho số ngụy quân, ngụy quyền, tình báo, cảnh sát, cốt cán đảng phái phản động đăng ký trình diện và quản lý chặt chẽ, không để móc nối với các phần tử xấu hoạt động chống đối. Tập trung lực lượng, phương tiện, biện pháp đấu tranh làm thất bại nhiều kế hoạch, chiến dịch xâm nhập vào trong nước, phá hoại quy mô lớn của các cá nhân, tổ chức phản động người Việt lưu vong như: “Mặt trận quốc gia giải phóng Việt Nam”, “Chí nguyện đoàn hải ngoại phục quốc”, “Mặt trận thống nhất các lực lượng yêu nước giải phóng Việt Nam” (Chuyên án CM12)… và nhiều nhen nhóm, tổ chức phản động hoạt động manh động, ráo riết ở trong nước như: “Ân đàn đại đạo” (8/1975); “Lực lượng dân quân phục quốc” (2/1976); “Phong trào cách mạng Tây Nguyên” (1/1977)…

Giữa những năm 80 của thế kỷ XX, đất nước ta tiến hành công cuộc đổi mới, mở cửa, hội nhập quốc tế. Các thế lực thù địch, phản động lợi dụng sự khủng hoảng, sụp đổ của hệ thống xã hội chủ nghĩa ở Liên Xô và các nước Đông Âu, coi đây là “thời cơ” để tiến hành lật đổ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản, xóa bỏ hoàn toàn chế độ xã hội chủ nghĩa ở nước ta.

Chúng ráo riết đẩy mạnh thực hiện chiến lược “Diễn biến hòa bình”, bạo loạn, lật đổ; thâm nhập, tác động chuyển hóa nội bộ, chuyển hóa thể chế, chính sách và phát triển các lực lượng, tổ chức chính trị đối lập với Đảng; lợi dụng khó khăn của ta về kinh tế và các vấn đề “dân chủ”, “nhân quyền”, “dân tộc”, “tôn giáo”… để kích động, chia rẽ khối đoàn kết dân tộc, bạo loạn, khủng bố gây hậu quả tác hại nghiêm trọng về nhiều mặt của đời sống xã hội.

Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI (tháng 12/1986), Đảng ta đã chỉ rõ: “Toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta phát huy sức mạnh tổng hợp của đất nước, của xã hội, quyết đánh thắng kiểu chiến tranh phá hoại nhiều mặt của địch, đồng thời có kế hoạch đối phó với mọi tình huống do kẻ thù gây ra”. Theo đó, nhiệm vụ chống phản động và phòng, chống khủng bố nhằm góp phần đấu tranh làm thất bại “kiểu chiến tranh phá hoại nhiều mặt” của địch, phục vụ đắc lực công cuộc đổi mới đất nước.

Các đơn vị, lực lượng Công an đã chủ động phối hợp với các ngành chức năng xây dựng phòng tuyến chống xâm nhập vững chắc; tổ chức có hiệu quả các “trò chơi nghiệp vụ”, đấu tranh thành công nhiều chuyên án, xoá sổ, phá rã nhiều tổ chức phản động người Việt lưu vong có thực lực, hoạt động manh động và liều lĩnh; vô hiệu hóa nhiều kế hoạch, chiến dịch xâm nhập, tuyên truyền phá hoại tư tưởng của địch như: “Chuyển lửa về quê nhà”, “Góp gió thành bão”, “Đông Xuân” của tổ chức “Liên Đảng cách mạng Việt Nam”; các chiến dịch “Đông tiến” của tổ chức “Mặt trận quốc gia thống nhất giải phóng Việt Nam”…

Cùng với đó, tổ chức đấu tranh, trấn áp, bắt, xử lý hàng trăm đối tượng, nhen nhóm tổ chức phản động trong nước, ngăn chặn hoạt động liên kết trong - ngoài chống phá cách mạng.

Bước sang thế kỷ XXI, cuộc đấu mưu, đấu trí, đấu lực giữa một bên là toàn Đảng, toàn dân, toàn quân do lực lượng Công an làm nòng cốt với một bên là các các thế lực thù địch, phản động, khủng bố ngày càng cam go, quyết liệt hơn. Sự bùng nổ, lây lan của các cuộc “cách mạng sắc màu”, “cách mạng cam”, “cách mạng đường phố”, “cách mạng nhung”, “mùa xuân Ả rập”… ở hàng loạt quốc gia như: Xec-bi (2000), Gru-di-a (2003), U-crai-na (2004), Cư-rơ-gư-xtan (2005)... tác động, ảnh hưởng mạnh mẽ đến an ninh quốc gia Việt Nam.

Hoạt động khủng bố quốc tế diễn biến phức tạp đe dọa đến an ninh toàn cầu và trở thành nỗi lo sợ, ám ảnh kinh hoàng đối với mỗi người dân, đặc biệt là từ sau vụ khủng bố ngày 11/9/2001 tại Mỹ. Ở trong nước, các đối tượng phản động tăng cường câu kết với các thế lực thù địch bên ngoài tuyên truyền phá hoại tư tưởng, lôi kéo, tập hợp lực lượng tạo dựng ngọn cờ “chính trị đối lập”, công khai hóa tổ chức, âm mưu tập dượt, thực hiện các kịch bản bạo loạn, lật đổ ở nước ta khi có thời cơ.

Trước tình hình đó, ngày 12/6/2002, Bộ Công an thành lập đơn vị chuyên trách - Cục Bảo vệ chính trị V thực hiện nhiệm vụ chủ trì, phối hợp với các lực lượng chức năng kịp thời phát hiện, đấu tranh vô hiệu hóa nhiều âm mưu, kế hoạch kích động tập trung đông người, gây rối an ninh, trật tự; nhen nhóm bạo loạn, lật đổ của các cá nhân, tổ chức phản động trong và ngoài nước; làm tốt công tác phòng, chống khủng bố, không để xảy ra tình huống đột xuất, bất ngờ.

Ngày nay, công cuộc đổi mới đất nước do Đảng ta khởi xướng, lãnh đạo bên cạnh những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử vẫn phải đối mặt nhiều khó khăn, thách thức. Bốn nguy cơ đe dọa đến sự phát triển ổn định, bền vững của chế độ mà Đảng ta đã nhận diện từ Hội nghị đại biểu toàn quốc giữa nhiệm kỳ khóa VII (năm 1994) đến nay vẫn hiện hữu.

Các thế lực thù địch, phản động, khủng bố luôn tìm mọi cách triệt để lợi dụng mọi sơ hở, mất cảnh giác của ta để hoạt động chống phá. Tuy nhiên, những  âm mưu, ý đồ xấu đó sẽ bị thất bại bởi tinh thần đoàn kết và ý thức cảnh giác cách mạng, quyết tâm chính trị cao trong công tác phòng ngừa, đấu tranh ngăn chặn của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, trong đó có vai trò nòng cốt của lực lượng CAND...


Thượng tướng, GS.TS Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an
Tìm kiếm