Phụ nữ Công an nhân dân trong đấu tranh giải phóng dân tộc và xây dựng, bảo vệ Tổ quốc

08/03/2018
Nhân kỷ niệm 108 năm Ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3 (8/3/1910 - 8/3/2018); 1978 năm Khởi nghĩa Hai Bà Trưng; 35 năm Ngày thành lập Hội Phụ nữ Bộ Công an (8/3/1983 - 8/3/2018); Thượng tướng, GS.TS Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Đảng ủy Công an Trung ương, Bộ trưởng Bộ Công an có bài viết quan trọng: “Phụ nữ Công an nhân dân trong đấu tranh giải phóng dân tộc và xây dựng, bảo vệ Tổ quốc”. Cổng Thông tin điện tử Bộ Công an trân trọng giới thiệu toàn văn bài viết của đồng chí Bộ trưởng.
 

Trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc ta hàng mấy nghìn năm qua, phụ nữ là một lực lượng không thể thiếu và đóng vai trò quan trọng. Từ thuở đầu dựng nước, hình ảnh Bà Trưng - Bà Triệu phất cờ khởi nghĩa, lãnh đạo nhân dân đứng lên đánh giặc ngoại xâm đã trở thành biểu tượng đẹp đẽ về chủ nghĩa anh hùng cách mạng. Tiếp nối truyền thống ấy, các thế hệ phụ nữ Việt Nam đã vươn lên khẳng định vai trò và vị trí của mình trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc. Ðặc biệt là từ khi có Ðảng lãnh đạo, phụ nữ Việt Nam ngày càng trưởng thành, ngày càng khẳng định được địa vị và có những đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Trong hơn 70 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành của lực lượng Công an nhân dân (CAND), phụ nữ CAND đã cống hiến sức mình cho sự nghiệp bảo vệ an ninh, trật tự (ANTT), góp phần xứng đáng trong các cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc. Nhiều tấm gương phụ nữ kiên trung, sẵn sàng hy sinh thân mình vì sự nghiệp của Ðảng, của cách mạng đã được tạc ghi vào lịch sử.

Ðó là: Liệt sĩ Võ Thị Sáu, người đội viên Công an xung phong Ðất Ðỏ, kiên cường, bất khuất trước kẻ thù, được Nhà nước truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. Liệt sĩ Bùi Thị Cúc, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân đã nêu gương sáng về tinh thần quả cảm hy sinh, được Chủ tịch Hồ Chí Minh tặng Sáu chữ vàng "Sống anh dũng, chết vẻ vang". Liệt sĩ Nguyễn Thị Lợi, nữ điệp báo đã dũng cảm hy sinh thân mình cùng đồng đội đánh chìm tàu Thông báo hạm A-mi-ô-đanh-vin, được truy tặng Huân chương Quân công hạng Ba và danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. Chị Nguyễn Thị Minh Hiền - trinh sát vũ trang tỉnh Bến Tre hoạt động trong vùng địch, đấu trí, đấu lực với Tình báo, Gián điệp, Cảnh sát của địch, lập nhiều chiến công xuất sắc, được tuyên dương danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân... Những tấm gương tiêu biểu đó cùng với hàng trăm, hàng nghìn phụ nữ đã và đang ngày đêm cống hiến sức mình cho sự nghiệp bảo vệ ANTT đã góp phần xây đắp nên truyền thống anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang của phụ nữ Việt Nam.

Ðất nước thống nhất, các thế hệ phụ nữ CAND tiếp tục bước vào cuộc chiến đấu mới, khắc phục hậu quả chiến tranh, bảo vệ ANTT, giữ gìn hòa bình, an ninh để phục vụ công cuộc khôi phục, phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội. Có mặt ở khắp các lĩnh vực công tác công an, phụ nữ CAND đã cùng toàn lực lượng đấu tranh thắng lợi với các tổ chức phản động, gián điệp; các thế lực thù địch âm mưu diễn biến hòa bình, bạo loạn lật đổ; các loại tội phạm, góp phần bảo vệ vững chắc an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, tạo môi trường hòa bình, ổn định để xây dựng và phát triển kinh tế, xã hội của đất nước; đóng góp hết sức hiệu quả trong công tác tham mưu cho cấp ủy, lãnh đạo các cấp triển khai thực hiện Chiến lược An ninh quốc gia, Chiến lược Bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Tích cực tham gia nghiên cứu, đề xuất nhiều vấn đề giúp lãnh đạo các cấp triển khai thực hiện có hiệu quả Chương trình quốc gia phòng, chống tội phạm; Chương trình hành động phòng, chống ma túy, phòng, chống buôn bán phụ nữ, trẻ em…

Phụ nữ khối Cảnh sát Thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp làm việc trong điều kiện môi trường độc hại đã khắc phục khó khăn để làm tốt công tác quản lý, giáo dục, cảm hóa người lầm lỗi chấp hành cải tạo tốt để sớm hoàn lương về với gia đình, cộng đồng, xã hội. Phụ nữ công tác trên lĩnh vực xây dựng lực lượng, tham mưu tổng hợp, đối ngoại cũng tích cực nghiên cứu lý luận, khảo sát thực tiễn, tổng hợp, tham mưu giúp đảng ủy, lãnh đạo các cấp chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện tốt các mặt công tác chính trị tư tưởng, giáo dục, đào tạo, tổ chức cán bộ, xây dựng Ðảng, công tác quần chúng, bảo vệ nội bộ, công tác đối ngoại,...

 

Bộ trưởng Tô Lâm tặng bức trướng tại Đại hội đại biểu Phụ nữ Bộ Công an lần thứ VIII, nhiệm kỳ 2016 – 2021.


Ở các học viện, trường CAND, các nữ giảng viên đã tích cực nghiên cứu, cải tiến phương pháp giảng dạy, biên soạn giáo trình, giáo án nâng cao chất lượng dạy học. Phụ nữ làm công tác hậu cần, y tế, cơ yếu, kỹ thuật, nghiên cứu khoa học, lễ tân, phục vụ chiến đấu đã tham mưu, hướng dẫn thực hiện tốt việc quản lý ngân sách, vật tư, trang thiết bị, phương tiện phục vụ chiến đấu, xây dựng cơ bản, khám, chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe cho cán bộ, chiến sĩ trong toàn lực lượng. Phụ nữ làm công tác cơ yếu, thông tin liên lạc, công nghệ tin học nghiệp vụ, nghiên cứu khoa học, nghiên cứu xây dựng thẩm định văn bản quy phạm pháp luật, quản lý khoa học công nghệ và môi trường… luôn nhạy bén tiếp cận, áp dụng các tri thức khoa học hiện đại, tiên tiến trong và ngoài nước, để nâng cao chất lượng công tác chuyên môn.

Cùng với việc rèn luyện phẩm chất, đạo đức, phụ nữ CAND đã tích cực học tập để nâng cao trình độ, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của nhiệm vụ. Trong 10 năm qua, chỉ tính ở khối cơ quan Bộ Công an đã có 6.908 lượt cán bộ nữ được đào tạo các bậc học trong và ngoài Ngành, trong và ngoài nước, nâng tỷ lệ phụ nữ có trình độ cao đẳng, đại học trở lên đạt 71,6% tổng số cán bộ nữ, trong đó có 6 Phó Giáo sư, 135 Tiến sĩ, hàng trăm Thạc sĩ.

Phụ nữ có trình độ trung cấp, cao cấp Lý luận chính trị chiếm 42,11% trong tổng số cán bộ nữ. Nhiều đồng chí đã tham gia nghiên cứu khoa học, góp phần tổng kết thực tiễn, xây dựng và hoàn thiện lý luận CAND. Nhiều đề tài đã nghiệm thu, được đánh giá loại xuất sắc, ứng dụng vào công tác chiến đấu và phục vụ chiến đấu của lực lượng CAND. Số lượng cán bộ nữ được bổ nhiệm lãnh đạo chỉ huy các cấp ngày càng tăng, được rèn luyện qua thực tiễn công tác, chiến đấu; có bản lĩnh chính trị vững vàng, phẩm chất đạo đức tốt, có ý thức tổ chức kỷ luật, gương mẫu, đi đầu trong công tác cũng như trong các phong trào thi đua.

Bên cạnh việc thực hiện nhiệm vụ chuyên môn, phụ nữ CAND còn tích cực tham gia các hoạt động xã hội, tình nghĩa thông qua các phong trào "Chung sức vì biển đảo quê hương", "Tiếp bước trẻ em nghèo đến trường", "Áo ấm mùa đông", "Ðỡ đầu phụ nữ nghèo", "Ðỡ đầu lớp học chất độc da cam"; tổ chức các đoàn công tác, thăm, khám bệnh, phát thuốc miễn phí cho nhân dân các vùng khó khăn; chăm sóc, giúp đỡ các gia đình thương binh, liệt sĩ, phụng dưỡng Bà mẹ Việt Nam Anh hùng; phối hợp Ðoàn Thanh niên giúp dân làm đường nông thôn, thực hiện công trình "Chung sức xây dựng nông thôn mới", "Thắp sáng đường quê", "Tiết kiệm vì địa phương thân yêu"… với số tiền hàng chục tỷ đồng, thể hiện tình đoàn kết, gắn bó giữa lực lượng Công an và nhân dân trên các địa bàn.

Những đóng góp của phụ nữ CAND thời gian qua đã được cấp ủy và lãnh đạo các cấp ghi nhận bằng nhiều phần thưởng cao quý. Từ năm 2007 đến nay, có 01 tập thể được Chủ tịch nước tặng Huân chương Quân công hạng Nhất, 02 tập thể được tặng Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Nhì; 11 tập thể được tặng Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Ba; 04 tập thể, 46 cá nhân được tặng Giải thưởng Phụ nữ Việt Nam, Giải thưởng Phụ nữ Công an tiêu biểu...

 

Bộ trưởng Tô Lâm chụp ảnh lưu niệm với các đại biểu tham dự Đại hội đại biểu Phụ nữ Bộ Công an lần thứ VIII, nhiệm kỳ 2016 – 2021.


Để tiếp tục phát huy truyền thống của phụ nữ CAND trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc nói chung, sự nghiệp bảo vệ ANTT nói riêng, thời gian tới, các cấp Hội Phụ nữ và hội viên cần thực hiện tốt những vấn đề sau đây:

1. Phát huy vai trò tham mưu với cấp ủy đảng, thực hiện tốt công tác phụ nữ thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế; phối hợp nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung chế độ, chính sách đối với phụ nữ trong CAND; quan tâm đề xuất việc đào tạo, sử dụng, bồi dưỡng, quy hoạch, bổ nhiệm, sử dụng cán bộ lãnh đạo nữ ở đơn vị. Ðặc biệt là, cần tiếp tục triển khai thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TW ngày 27/4/2007 của Bộ Chính trị về "Công tác phụ nữ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước", Chỉ thị số 21-CT/TW ngày 20/1/2018 của Ban Bí thư về tiếp tục đẩy mạnh công tác phụ nữ trong tình hình mới và Chương trình hành động số 12/CTHÐ-ÐU(X16) ngày 16/11/2007 của Ðảng ủy Công an Trung ương về "Công tác phụ nữ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước trong CAND".

2. Ðẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, góp phần xây dựng người phụ nữ Công an có bản lĩnh chính trị vững vàng, phẩm chất đạo đức tốt, có sức khỏe, tri thức, kỹ năng nghề nghiệp, tự tin, tự trọng, trách nhiệm, kỷ cương, sáng tạo, có nếp sống văn hóa vì nhân dân phục vụ, xây dựng gia đình hạnh phúc; không có biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, không có biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII. Chủ động tuyên truyền về tư tưởng, đạo đức Hồ Chí Minh; chủ trương, đường lối của Ðảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; phẩm chất chính trị, đạo đức tốt đẹp của phụ nữ Việt Nam; các quy định của Ngành; truyền thống lịch sử vẻ vang của dân tộc, của lực lượng CAND, phụ nữ CAND; kiến thức về công tác phụ nữ, bình đẳng giới và hoạt động vì sự tiến bộ phụ nữ...; gắn việc thực hiện tốt Sáu điều Bác Hồ dạy CAND với việc rèn luyện phẩm chất "Tự tin, Tự trọng, Trung hậu, Ðảm đang" của phụ nữ Việt Nam.

Tổ chức tốt phong trào thi đua "Phụ nữ CAND học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; chủ động, trách nhiệm, kỷ cương, sáng tạo Vì an ninh Tổ quốc; xây dựng gia đình hạnh phúc, bền vững" gắn với các phong trào thi đua, cuộc vận động của Ngành, của đơn vị. Chú trọng đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ trí thức nữ CAND trở thành những chuyên gia hàng đầu về các lĩnh vực công tác công an, nhất là khoa học và công nghệ, phục vụ tốt cho công tác nghiên cứu, triển khai, ứng dụng công nghệ vào công tác công an, nâng cao hiệu quả đấu tranh phòng, chống tội phạm, bảo vệ ANTT.

3. Chăm lo xây dựng tổ chức Hội vững mạnh, xứng đáng là người đại diện cho quyền và lợi ích chính đáng của phụ nữ; thường xuyên đổi mới nội dung, hình thức sinh hoạt và hoạt động của Hội Phụ nữ phù hợp nhu cầu, nguyện vọng của hội viên, đặc thù của từng đơn vị, phù hợp tính chất công tác và đặc điểm của giới; đẩy mạnh công tác bình đẳng giới, vì sự tiến bộ phụ nữ, công tác phụ nữ, công tác gia đình, trẻ em của đơn vị. Chú ý công tác quy hoạch cán bộ Hội, giới thiệu cán bộ Hội, cán bộ nữ có tiềm năng để tạo nguồn cán bộ lãnh đạo nữ. Mỗi cán bộ Hội phải tự giác nêu gương trong tu dưỡng, rèn luyện về phẩm chất đạo đức, văn hóa để hội viên học tập noi theo.

4. Tự thân mỗi cán bộ nữ trong CAND cần tự giác học tập, rèn luyện, phấn đấu vươn lên về mọi mặt để đạt được bốn phẩm chất tốt đẹp của người phụ nữ trong thời đại mới: Tự tin - Tự trọng - Trung hậu - Ðảm đang, khẳng định vai trò, trách nhiệm của mình trên từng cương vị công tác. Mỗi cán bộ nữ CAND phải xác định rõ trách nhiệm của mình; chủ động, tích cực thực hiện hiệu quả Cuộc vận động "Xây dựng phong cách người CAND bản lĩnh, nhân văn, vì nhân dân phục vụ"; đóng góp tích cực hơn vì sự nghiệp bảo vệ ANTT, vì cuộc sống bình yên và hạnh phúc của nhân dân.


 

Thượng tướng, GS.TS Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị,
Tìm kiếm