Bộ trưởng Tô Lâm giải trình trước Quốc hội về một số nội dung của dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở

17/11/2020
Thực hiện Chương trình Kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XIV, ngày 17/11/2020, Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an đã giải trình, làm rõ một số nội dung mà các đại biểu Quốc hội quan tâm về dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở. Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ điều hành nội dung làm việc.
Toàn cảnh phiên họp.


Thay mặt cơ quan soạn thảo Luật giải trình một số nội dung mà các đại biểu Quốc hội quan tâm, Bộ trưởng Tô Lâm cho biết, về cơ bản, có nhiều ý kiến phát biểu nhất trí về sự cần thiết xây dựng và ban hành luật và đề nghị chỉnh lý, hoàn thiện hơn nữa dự án Luật. Trong đó, có ý kiến phát biểu về vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tiêu chuẩn tuyển chọn, xây dựng, bố trí, sử dụng lực lượng, phạm vi, giới hạn, phương thức, trách nhiệm trong việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở, việc đảm bảo các điều kiện hoạt động của lực lượng này, đảm bảo tính khả thi và phù hợp với yêu cầu thực tiễn. Bộ trưởng Tô Lâm nhấn mạnh, cơ quan chủ trì soạn thảo nghiêm túc tiếp thu các ý kiến của đại biểu Quốc hội để tiếp tục nghiên cứu, chỉnh lý, hoàn thiện dự án Luật.

Về một số nội dung cụ thể, Bộ trưởng Tô Lâm cho biết, khái niệm lực lượng tham gia bảo đảm an ninh, trật tự trong dự thảo luật đã tồn tại ngay từ những ngày đầu Cách mạng Tháng Tám thành công. Cho đến nay, lực lượng này ngày càng phát huy hiệu quả và ngày càng phát triển, đặc biệt trong giai đoạn hiện nay, khi chủ trương phân cấp nhiều công việc và thực hiện nhiệm vụ "4 tại chỗ", thì đây chính là một trong lực lượng rất quan trọng để thực hiện "4 tại chỗ" theo các quy định.

Bộ trưởng Tô Lâm giải trình về một số nội dung trong dự án luật mà Quốc hội quan tâm.


Bộ trưởng Tô Lâm cũng cho biết, đối với lực lượng quần chúng tự nguyện, tự quản khác được thành lập, tổ chức hoạt động dưới nhiều các mô hình khác nhau và mang tính đơn lẻ, đặc thù ở các địa phương, không mang tính phổ biến trong toàn quốc và cũng có nhiều ý kiến khác nhau về tổ chức hoạt động của các lực lượng này. Chính phủ cũng thấy rằng, cần phải tiếp tục nghiên cứu, đánh giá một cách thận trọng, toàn diện cả về quy định cũng như về thực tiễn, để có đủ cơ sở để quy định trong luật. Do đó, những tổ chức khác, những hoạt động khác cũng chưa được đưa vào trong luật này, mà chỉ tính lực lượng trên thực tế đã tồn tại và vẫn đang hoạt động để xác định địa vị pháp lý cũng như quy định bằng luật. Nếu luật này được ra đời thì sẽ không hạn chế trách nhiệm của tổ chức, cá nhân khác tham gia trong phong trào Toàn dân bảo vệ Tổ quốc.

Bộ trưởng Tô Lâm nêu rõ, Bộ Công an sẽ cùng phối hợp với các cơ quan thẩm tra của Quốc hội tiếp tục tiếp thu để giải trình những nội dung mà đại biểu Quốc hội đã có ý kiến góp ý về dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở để trình Quốc hội xem xét, quyết định...

 

Quỳnh Vinh
Tìm kiếm