Tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác đặc xá và thi hành án hình sự

21/11/2016
Ngày 21/11/2016, tại Hà Nội, Bộ Công an tổ chức Hội nghị tổng kết 8 năm thi hành Luật Đặc xá (2008-2015) và 5 năm thi hành Luật Thi hành án hình sự (2011-2015) trong Công an nhân dân (CAND). Thượng tướng, GS.TS Tô Lâm, Uỷ viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an đến dự và phát biểu chỉ đạo.

Cùng dự có Thượng tướng, PGS.TS Nguyễn Văn Thành, Uỷ viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an; đồng chí Doãn Mậu Diệp, Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội; đại diện lãnh đạo các bộ, ban, ngành Trung ương…

Luật Đặc xá và Luật Thi hành án hình sự được xây dựng trên cơ sở thể chế hoá đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước về công tác thi hành án hình sự, khẳng định chính sách nhân đạo, khoan hồng của Đảng, Nhà nước Việt Nam đối với người phạm tội; là sự kế thừa kinh nghiệm trong lĩnh vực tư pháp hình sự của Nhà nước ta từ sau Cách mạng tháng Tám đến nay và tiếp thu có chọn lọc kinh nghiệm của các nước trên thế giới. 02 bộ luật đã quy định có hệ thống và toàn diện về nguyên tắc xử lý, chế định chung của chính sách hình sự đối với người phạm tội, góp phần nâng cao vai trò giáo dục, cảm hoá đối với người phạm tội của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, tạo tiền đề quan trọng cho việc thực hiện có hiệu quả chủ trương của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước về tăng cường hợp tác quốc tế trong lĩnh vực tư pháp hình sự.

Bộ trưởng Tô Lâm phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị.


Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Tô Lâm nhấn mạnh, Hội nghị này có ý nghĩa rất quan trọng, góp phần nâng cao nhận thức về vị trí, tầm quan trọng của công tác thi hành án hình sự và đặc xá; đồng thời là cơ sở để nghiên cứu, báo cáo, đề xuất Chính phủ trình Quốc hội sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện hệ thống pháp luật về thi hành án hình sự và đặc xá cho phù hợp với Hiến pháp năm 2013 và một số đạo luật mà Quốc hội mới thông qua có liên quan.

Bộ trưởng yêu cầu, các đại biểu tập trung, thẳng thắn thảo luận, trao đổi những ưu điểm, cách làm hay để phổ biến, tiếp tục phát huy, những bài học kinh nghiệm, vấn đề còn tồn tại, vướng mắc, khó khăn để lựa chọn những giải pháp hiệu quả, nâng cao chất lượng công tác thi hành án hình sự trong thời gian tới, đồng thời phục vụ Bộ ban hành Chỉ thị tăng cường chỉ đạo thực hiện công tác thi hành án hình sự trong CAND.

Trong 8 năm thi hành Luật Đặc xá, Chủ tịch nước đã 07 lần ban hành Quyết định về đặc xá nhân các ngày lễ lớn, sự kiện trọng đại của đất nước (6 lần đã thực hiện xong); đã đặc xá cho 81.795 phạm nhân và 919 người đang được hoãn, tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù. Thực hiện hình phạt bổ sung là phạt tiền, bồi thường dân sự, án phí và nghĩa vụ dân sự khác, tổng số tiền mà những phạm nhân được đề nghị đặc xá và thân nhân của họ đã nộp là hơn 1.002 tỷ đồng và 157.036 USD. Đã tổ chức 573 lớp chuẩn bị tái hoà nhập cộng đồng cho số phạm nhân được đề nghị đặc xá. Theo báo cáo của Công an các địa phương, có gần 50.000 người được đặc xá có việc làm và thu nhập, tạm ổn định cuộc sống; chỉ có 1.007 người có hành vi vi phạm pháp luật, tái phạm tội, chiếm tỷ lệ 1,21%.


 
Thứ trưởng Nguyễn Văn Thành tặng Bằng khen của Bộ Công an cho các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong 8 năm thực hiện Luật Đặc xá và 5 năm thực hiện Luật Thi hành án hình sự.


Đối với Luật Thi hành án hình sự, qua 5 năm thi hành, kết quả lớn nhất là đã thi hành nghiêm minh các bản án, quyết định của Toà án các cấp xét xử, nhất là các bản án phạt tù, tử hình, trục xuất; bảo đảm an toàn các trại giam, trại tạm giam, nhà tạm giữ; thực hiện tốt chính sách khoan hồng, nhân đạo của Đảng, Nhà nước đối với người phạm tội. Công tác giáo dục, cải tạo phạm nhân và công tác quản lý, giám sát, giáo dục người chấp hành án tại xã, phường, thị trấn, thi hành các biện pháp tư pháp ngày càng có hiệu quả. Sau 5 năm, đã trả tự do cho 449.668 người chấp hành xong hình phạt tù, trong đó, tha hết án gồm 280.739 người; đặc xá 44.397 người và 124.532 người đã chấp hành xong hình phạt tại xã, phường, thị trấn. Cơ sở vật chất phục vụ công tác thi hành án ngày càng được tăng cường, tổ chức, bộ máy và đội ngũ làm nhiệm vụ quản lý và thi hành án hình sự được triển khai, kiện toàn từ Bộ đến Công an các địa phương theo hướng tập trung, thống nhất, từng bước chuyên môn hoá.

Tuy nhiên, đến nay, việc thi hành Luật Đặc xá cũng phát hiện nhiều bất cập, như diện được đặc xá, tha tù trước thời hạn với số lượng lớn, đối tượng rộng nên phần nào mất đi ý nghĩa đặc ân của Nhà nước đối với người phạm tội; số lượng người được hoãn, tạm đình chỉ được đặc xá không nhỏ cũng làm giảm đi ý nghĩa của việc đặc xá trong trường hợp đặc biệt. Một số nội dung của Luật Đặc xá không phù hợp với các luật mới được ban hành gần đây; quá trình xây dựng các văn bản về đặc xá mất nhiều thời gian xin ý kiến của các bộ, ngành, thành viên Chính phủ nên khi có quyết định về đặc xá thì thời gian triển khai còn lại rất ít, gây khó khăn, áp lực trong việc thực hiện.


Luật Thi hành án hình sự cũng chưa quy định cụ thể, rõ ràng quyền công dân bị tước bỏ, quyền bị hạn chế và quyền được pháp luật bảo vệ đối với phạm nhân, dẫn đến việc tổ chức thực hiện chưa thống nhất, tuỳ tiện trong vận dụng; trình tự, thủ tục, kinh phí giám định pháp y, giám định y khoa còn nhiều vướng mắc trong thực hiện. Về thi hành án hình sự tại xã, phường, thị trấn, quy định chế tài xử phạt các trường hợp vi phạm nghĩa vụ chấp hành án còn nhẹ, chưa đủ để răn đe và giáo dục các trường hợp cố tình không chấp hành bản án…

Các đại biểu dự Hội nghị.


Phát biểu kết luận Hội nghị, Thứ trưởng Nguyễn Văn Thành biểu dương những kết quả, thành tích của cán bộ, chiến sỹ lực lượng thi hành án hình sự đã đạt được trong 8 năm thực hiện Luật Đặc xá và 5 năm thực hiện Luật Thi hành án hình sự. Thời gian tới, để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác đặc xá và thi hành án hình sự, Thứ trưởng Nguyễn Văn Thành yêu cầu lực lượng Cảnh sát thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp nghiên cứu, tham mưu Chính phủ đề xuất Quốc hội bổ sung, sửa đổi một số điều của Luật Đặc xá, Luật Thi hành án hình sự cho phù hợp với các quy định của Luật Hình sự, Luật Tố tụng hình sự, Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự năm 2015. Trước mắt, tập trung thực hiện tốt Quyết định của Chủ tịch nước về đặc xá năm 2016.

Ngoài ra, cần tăng cường, củng cố, kiện toàn tổ chức bộ máy cơ quan thi hành án hình sự từ Trung ương đến cơ sở, đáp ứng nhu cầu thực tiễn; tăng cường công tác giáo dục chính trị, tư tưởng cho cán bộ, chiến sỹ, thực hiện đúng các quy trình, quy chế công tác, siết chặt kỷ cương, kỷ luật, đề cao trách nhiệm người đứng đầu. Công an các địa phương chủ động tham mưu giúp UBND địa phương tổ chức thực hiện tốt nhiệm vụ quản lý, theo dõi, giám sát, giáo dục người bị kết án tù còn ở ngoài xã hội, người được hoãn, tạm đình chỉ, tha tù trước thời hạn có điều kiện, người chấp hành án treo, cải tạo không giam giữ, cấm cư trú, quản chế. Nghiên cứu, thiết kế mô hình nhà giam, buồng giam và các công trình xây dựng khác cho phù hợp với các loại đối tượng khác nhau…/.

An Thi
Tìm kiếm