Trình Quốc hội Luật CAND (sửa đổi) với nhiều nội dung mới

07/06/2018
Sáng 07/6/2018, Thượng tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an thừa uỷ quyền của Thủ tướng Chính phủ đọc Tờ trình về Dự án Luật Công an nhân dân (CAND) (sửa đổi).

Bộ trưởng Tô Lâm cho biết, việc sửa đổi Luật CAND nhằm thể chế hóa các quan điểm, chủ trương, chính sách của Đảng về “tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả” của Hội nghị Trung ương 6 (Khóa XII) đặc biệt là Nghị quyết số 22-NQ/TW ngày 15/3/2018 của Bộ Chính trị “về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy Bộ Công an tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”.

Trong đó, xác định: Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm an ninh, trật tự; đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy Bộ Công an, không tổ chức cấp tổng cục, nâng cao chất lượng cấp Cục trực thuộc Bộ Công an, sáp nhập Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy với Công an tỉnh, xây dựng Công an xã, thị trấn chính quy; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về an ninh, trật tự, đấu tranh phòng, chống tội phạm.

Bộ trưởng Tô Lâm.


Bên cạnh đó, trong thời gian qua Quốc hội đã thông qua nhiều luật, bộ luật có những quy định liên quan đến chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của CAND như: Bộ luật hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017), Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015, Luật tổ chức cơ quan điều tra hình sự năm 2015, Luật thi hành tạm giữ, tạm giam năm 2015, Luật quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ năm 2017, Luật Cảnh vệ năm 2017… đòi hỏi phải sửa đổi, bổ sung Luật CAND 2014 bảo đảm đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật của Nhà nước ta.

Ngoài ra, trong thực tiễn thi hành Luật CAND năm 2014 cho thấy, bên cạnh những kết quả tích cực đã bộc lộ một số khó khăn, vướng mắc, bất cập như: Chưa có quy định cụ thể về trách nhiệm của các cơ quan hữu quan đối với hoạt động bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội và xây dựng lực lượng CAND nên việc triển khai thi hành còn lúng túng; thời hạn thực hiện nghĩa vụ tham gia CAND chưa phù hợp; chưa quy định rõ, đầy đủ về phát triển công nghiệp an ninh theo tinh thần Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc của Đảng lần thứ XII, Hiến pháp năm 2013 và để đáp ứng yêu cầu bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, đấu tranh phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật trong tình hình mới...

“Từ những căn cứ nêu trên cho thấy, việc ban hành Luật CAND (sửa đổi) là cần thiết, cấp bách” - Bộ trưởng Tô Lâm nhấn mạnh. Dự thảo Luật gồm 7 chương, 48 điều. So với Luật CAND năm 2014, dự thảo Luật đã bổ sung 4 điều, sửa đổi, bổ sung 31 điều, bỏ 1 điều.

Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh (UBQPAN) Võ Trọng Việt trình bày báo cáo thẩm tra dự án Luật cho biết: UBQPAN tán thành sự cần thiết sửa đổi Luật CAND với những lý do đã nêu trong Tờ trình của Chính phủ. Đồng thời, UBQPAN đánh giá cao việc Bộ Công an đã đi đầu và nghiêm túc trong triển khai thực hiện chủ trương của Đảng về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị. “Theo đó, việc sửa đổi Luật CAND trong thời điểm hiện nay là cấp bách, cần thiết, nhằm kịp thời thể chế hóa các quan điểm chỉ đạo của Đảng về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy Bộ Công an tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; đáp ứng yêu cầu bảo vệ an ninh quốc gia và giữ gìn trật tự, an toàn xã hội trong tình hình mới” - Ông Võ Trọng Việt khẳng định.
 

Chủ nhiệm UBQPAN Võ Trọng Việt.


Về việc chính quy hoá lực lượng Công an xã, dự thảo Luật CAND (sửa đổi) quy định tổ chức bộ máy sẽ được bố trí phù hợp với đặc điểm tình hình an ninh, trật tự tại địa bàn xã, thị trấn. Hiện nay, số đơn vị Công an xã, thị trấn đã được bố trí Công an chính quy là 1.065; số đơn vị Công an xã, thị trấn chưa được bố trí Công an chính quy còn 8.516.

“Như vậy, để xây dựng Công an xã, thị trấn chính quy thì Bộ Công an sẽ điều động khoảng 25.000 Công an chính quy trong biên chế hiện có (không tăng thêm biên chế) xuống đảm nhận các chức danh Công an xã. Chính phủ chỉ đạo việc sắp xếp, bố trí lại đội ngũ công chức đang làm Trưởng Công an xã, thị trấn” – Bộ trưởng Tô Lâm cho hay.

Cơ bản tán thành với nội dung này, UBQPAN đề nghị quy định bảo đảm lộ trình thực hiện theo chỉ đạo của cấp có thẩm quyền; phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ và mối quan hệ với cấp ủy, chính quyền địa phương, với lực lượng Quân sự địa phương. Đồng thời, nghiên cứu sửa Luật Tổ chức chính quyền địa phương để bảo đảm sự đồng bộ giữa 2 Luật.

Ngoài ra, cũng có ý kiến cho rằng, chủ trương xây dựng Công an xã, thị trấn chính quy không chỉ là bố trí lực lượng, mà cần quan tâm đầu tư xây dựng chính quy về nhiều mặt như tổ chức, chức năng, nhiệm vụ, cơ sở vật chất, trang bị và chế độ, chính sách… Đây là nội dung mới, có sự thay đổi căn bản so với quy định của pháp luật hiện hành, do đó, cần bổ sung quy định mang tính nguyên tắc về chức năng, nhiệm vụ, mối quan hệ phối hợp làm căn cứ để giao Chính phủ quy định việc xây dựng Công an xã, thị trấn chính quy.

Về cấp bậc hàm cao nhất đối với chức vụ của sĩ quan CAND, dự thảo Luật quy định theo hướng: Không quy định cứng số lượng các vị trí có cấp bậc hàm cao nhất là cấp Tướng mà chỉ xác định các chức vụ, chức danh có cấp bậc hàm cao nhất là cấp Tướng để bảo đảm linh hoạt và phù hợp với tổ chức bộ máy mới của Bộ Công an (khoản 1 Điều 26 dự thảo Luật).

Toàn cảnh phiên họp 


UBQPAN nhận thấy, đây là vấn đề hệ trọng đã được cấp có thẩm quyền quyết định khi xây dựng Luật CAND năm 2014. Nay Chính phủ đề nghị sửa đổi, bổ sung nội dung như dự thảo Luật, cần phải nghiên cứu và đánh giá kỹ. Tuy nhiên, thời điểm sửa Luật CAND năm 2014 được nghiên cứu sửa đổi cùng Luật Sĩ quan QĐND Việt Nam theo mô hình tổ chức cũ; nay mô hình tổ chức mới của Bộ Công an đã xây dựng theo hướng sắp xếp, thu gọn đầu mối, không có cấp trung gian.

“Do vậy, đề nghị Quốc hội nghiên cứu, thảo luận cho ý kiến và báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định” - Chủ nhiệm UBQPAN Võ Trọng Việt nêu rõ.

 

Quỳnh Vinh
Tìm kiếm