Bộ trưởng Tô Lâm trình bày Tờ trình trước Quốc hội về 02 Dự án Luật sửa đổi, bổ sung

29/10/2019
Thực hiện Chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội Khóa XIV, chiều 29/10/2019, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Đại tướng Tô Lâm, Uỷ viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an đã trình bày trước Quốc hội 02 Tờ trình, gồm Tờ trình về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung Điều 3 Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ và Tờ trình về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam.

Bộ trưởng Tô Lâm cho biết, tại Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khoá XIV đã thông qua Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2018. Việc ban hành Luật này là bước tiến quan trọng trong công tác lập pháp của nhà nước, tạo cơ sở pháp lý thuận lợi cho các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong công tác quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ; đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu của lực lượng vũ trang và các lực lượng khác, góp phần bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội (TTATXH). Đồng thời cũng là một trong những cam kết của Việt Nam trong việc kiểm soát vũ khí, chống buôn bán bất hợp pháp vũ khí với các nước trong khu vực và Liên Hợp Quốc.

Bộ trưởng Tô Lâm trình bày Tờ trình về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung Điều 3
Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ.


Tuy nhiên quá trình tổ chức thực hiện Luật Quản lý sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ và Bộ luật Hình sự (BLHS) năm 2015, được sửa đổi, bổ sung năm 2017 đã bộc lộ một số bất cập, khoảng trống trong việc xử lý hình sự đối với hành vi chế tạo, mua bán, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng trái phép hoặc chiếm đoạt vũ khí có tính năng, tác dụng tương tự vũ khí quân dụng. Trong khi đây là loại tội phạm nghiêm trọng, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng. Bộ trưởng Tô Lâm khẳng định, việc sửa đổi, bổ sung Điều 3 của Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ là rất quan trọng và cần thiết. Dự thảo Luật sửa đổi gồm 2 điều, trong đó Điều 1 sửa đổi, bổ sung khoản 2 và khoản 6 Điều 3 Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ; Điều 2 là Hiệu lực thi hành.

Thảo luận tại tổ về dự án Luật này, các đại biểu Quốc hội bày tỏ đồng tình với Tờ trình, phương án của Chính phủ; đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục tính toán bổ sung các quy định trong Dự thảo Luật nhằm tạo cơ sở pháp lý cho việc ngăn chặn, xử lý nghiêm hành vi chế tạo vũ khí ngay từ bước đầu…

* Về Tờ trình Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam, Bộ trưởng Tô Lâm nêu rõ: Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam được Quốc hội khoá XIII thông qua ngày 16/6/2014, có hiệu lực từ ngày 1/1/2015. Sau hơn 4 năm triển khai, Luật đã góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật về xuất nhập cảnh; đáp ứng yêu cầu cải cách và đơn giản hóa thủ tục hành chính, góp phần phát triển kinh tế - xã hội gắn với nhiệm vụ đảm bảo quốc phòng, an ninh, phù hợp với chủ trương của Đảng và Nhà nước về đổi mới và hội nhập quốc tế. 

Bộ trưởng Tô Lâm trình bày Tờ trình về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú
của người nước ngoài tại Việt Nam.


Tuy nhiên, trên thực tế đã phát sinh một số vấn đề cần được điều chỉnh trong Luật; một số quy định của Luật chưa đồng bộ với các văn bản pháp luật khác có liên quan mới được ban hành nên cần phải nghiên cứu để sửa đổi, bổ sung cho phù hợp. Theo đó, Dự thảo Luật lần này sửa đổi 18 Điều, bổ sung 3 Điều. Các nội dung đáng chú ý trong Dự thảo Luật là việc luật hóa việc cấp thị thực điện tử và việc áp dụng giao dịch điện tử trong mời, bảo lãnh người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam; bỏ quy định người nước ngoài nhập cảnh theo diện đơn phương miễn thị thực thì phải cách thời điểm xuất cảnh Việt Nam lần trước ít nhất 30 ngày; nâng thời hạn tối đa của thẻ tạm trú của nhà đầu tư nước ngoài lên 10 năm để khuyến khích nhà đầu tư chiến lược hoặc đầu tư vào lĩnh vực, địa bàn được ưu tiên và phân loại các nhà đầu tư theo 04 mức khác nhau để cấp thị thực, thẻ tạm trú có thời hạn và ký hiệu phù hợp...

Thảo luận tại tổ về các nội dung này, một số đại biểu Quốc hội đánh giá việc luật hoá cấp thị thực điện tử và áp dụng giao dịch điện tử trong việc mời, bảo lãnh người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam là hết sức cần thiết trong thời đại công nghệ thông tin như hiện nay; góp phần tạo thuận lợi cho hoạt động của các doanh nghiệp, cá nhân nước ngoài tại Việt Nam…
 

 

Cảnh Toàn
Tìm kiếm