Bộ trưởng Tô Lâm trình bày trước Quốc hội Tờ trình về dự án Luật Đặc xá (sửa đổi)

21/05/2018
Chiều 21/5/2018, Thượng tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an đã thừa uỷ quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày trước Quốc hội Tờ trình về dự án Luật Đặc xá (sửa đổi).

 

Tờ trình cho biết, đặc xá là sự khoan hồng đặc biệt của Nhà nước đối với người phạm tội bị kết án phạt tù có thời hạn, tù chung thân đã được giảm xuống tù có thời hạn, đồng thời khuyến khích họ ăn năn hối cải, tích cực học tập, lao động cải tạo để được hưởng sự khoan hồng của Nhà nước, trở thành người có ích cho xã hội.

Ngày 21/11/2007, tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội Khóa XII đã thông qua Luật Đặc xá, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/3/2008. Trong 10 năm thi hành Luật Đặc xá, Chủ tịch nước đã 07 lần ban hành quyết định về đặc xá nhân các ngày lễ lớn, sự kiện trọng đại của đất nước.

Từ năm 2009 đến năm 2016, Chủ tịch nước đã quyết định đặc xá cho 85.897 phạm nhân và 1.123 người đang được hoãn, tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù. Bên cạnh đó, để phục vụ yêu cầu đối ngoại của Đảng và Nhà nước, trong các năm: 2014, 2015 và 2016, Chủ tịch nước đã quyết định đặc xá thuộc trường hợp đặc biệt cho 13 phạm nhân và 01 người đang được tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù.
 

Bộ trưởng Tô Lâm trình bày trước Quốc hội Tờ trình về dự án Luật Đặc xá (sửa đổi).


Theo báo cáo của Công an các đơn vị, địa phương, trong tổng số hơn 87.000 người được đặc xá, đa số đã về đúng địa chỉ cư trú và đều được Công an địa phương hướng dẫn, đăng ký cư trú, cấp giấy tờ tùy thân; trong đó, gần 50.000 người được đặc xá đã có việc làm và thu nhập ổn định; công tác hòa nhập cộng đồng đã được các cấp ủy, chính quyền địa phương quan tâm và huy động sự tham gia của các ngành, các cấp, các tổ chức đoàn thể, cộng đồng dân cư vào công tác cảm hóa, giúp đỡ người được đặc xá. Tỷ lệ người có hành vi vi phạm pháp luật, tái phạm tội thấp (1.007 người, chiếm tỉ lệ 1,16%).

Bộ trưởng Tô Lâm khẳng định, việc Chủ tịch nước quyết định đặc xá có tác động xã hội to lớn, là động lực để người bị kết án phạt tù nỗ lực học tập, rèn luyện, lao động, phấn đấu cải tạo tốt hơn; đồng thời, tạo sự đồng thuận, ủng hộ từ gia đình người bị kết án cũng như mọi tầng lớp nhân dân.

Trong tình hình hiện nay, việc sửa đổi, bổ sung Luật Đặc xá năm 2007 được đặt ra rất cần thiết, nhằm cụ thể hóa thẩm quyền của Chủ tịch nước về đặc xá quy định trong Hiến pháp năm 2013; bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật; khắc phục những khó khăn, bất cập trong 10 năm thi hành Luật Đặc xá năm 2007.

Dự thảo Luật Đặc xá (sửa đổi) bao gồm 06 chương, 39 điều. So với Luật Đặc xá năm 2007 thì dự thảo Luật Đặc xá (sửa đổi) giữ nguyên số chương, tăng 03 điều quy định về trách nhiệm của Tổ thẩm định liên ngành, Bộ Tư pháp và Bộ Ngoại giao trong thực hiện công tác đặc xá.

 

Bảo Quân
Tìm kiếm