Quốc hội cho ý kiến về Luật Cư trú (sửa đổi)

21/10/2020
Thực hiện Chương trình Kỳ họp thứ 10 Quốc hội Khóa XIV, sáng 21/10/2020, Quốc hội thảo luận trực tuyến về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Cư trú (sửa đổi). Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu điều hành nội dung làm việc.
Toàn cảnh phiên họp.


Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Cư trú (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cho biết, so với dự thảo Luật đã trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 9 (5/2020), dự thảo Luật Cư trú (sửa đổi) đã được tiếp thu, chỉnh lý tại 42 điều, trong đó tập trung: Làm rõ phạm vi điều chỉnh của Luật; chỉnh lý, bổ sung nội dung giải thích một số từ ngữ liên quan đến cư trú; quy định nguyên tắc thực hiện quyền tự do cư trú của công dân, nguyên tắc về quản lý cư trú; rà soát các trường hợp quyền tự do cư trú cần bị hạn chế, việc bảo đảm thực hiện quyền tự do cư trú và hoạt động quản lý cư trú, các hành vi bị nghiêm cấm về cư trú; quy định cụ thể hơn quyền, nghĩa vụ của công dân về cư trú, nghĩa vụ của chủ hộ và thành viên hộ gia đình về cư trú; xác định rõ nơi cư trú của công dân, bổ sung, làm rõ nơi cư trú của một số đối tượng cụ thể, nơi cư trú của người không có nơi thường trú, nơi tạm trú; rà soát, chỉnh lý quy định về điều kiện đăng ký thường trú, quy định rõ từng loại hồ sơ tương ứng với từng nhóm đối tượng, điều kiện đăng ký thường trú; rút ngắn thời gian thụ lý và giải quyết thủ tục hành chính; đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ cho tổ chức và công dân, áp dụng công nghệ thông tin trong việc cung cấp, cập nhật thông tin về cư trú của công dân; rà soát lại các trường hợp không được đăng ký thường trú mới, bổ sung địa điểm không được đăng ký thường trú mới, đăng ký tạm trú mới, tách hộ; rà soát quy định về các trường hợp xóa đăng ký thường trú, xóa đăng ký tạm trú; quy định rõ các trường hợp điều chỉnh thông tin về cư trú của công dân trong Cơ sở dữ liệu về cư trú; chỉnh lý quy định về hồ sơ, thủ tục đăng ký tạm trú, thông báo lưu trú, các trường hợp cần khai báo, nội dung, thủ tục khai báo tạm vắng; xác định rõ hơn trách nhiệm quản lý nhà nước về cư trú của các cơ quan quản lý nhà nước, trách nhiệm của cơ quan đăng ký cư trú, trách nhiệm của người làm công tác đăng ký, quản lý cư trú; trách nhiệm quy định chi tiết về Cơ sở dữ liệu về cư trú và việc cung cấp, trao đổi thông tin, tài liệu giữa Cơ sở dữ liệu về cư trú với các cơ quan, tổ chức, cá nhân; bổ sung trách nhiệm của Chính phủ, bộ, cơ quan ngang bộ và cơ quan khác có liên quan trong việc rà soát, sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật cho phù hợp với quy định của Luật này, hạn chế việc sử dụng thông tin về nơi cư trú làm điều kiện để thực hiện các thủ tục hành chính.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Cư trú (sửa đổi).


Thảo luận về Dự thảo Luật Cư trú (sửa đổi), đa số đại biểu đánh giá cao Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Cư trú (sửa đổi) đã tiếp thu, chỉnh lý nhiều nội dung đại biểu góp ý từ Kỳ họp thứ 9 đến nay. Các đại biểu cũng tập trung cho ý kiến về các quy định liên quan đến khái niệm thường trú, tạm trú, nơi cư trú, nơi tạm trú; điều kiện đăng ký thường trú, tạm trú; xóa đăng ký thường trú; điều khoản thi hành của Luật.

Cũng tại phiên thảo luận, các đại biểu cũng góp ý về các quy định liên quan đến điều kiện đăng ký thường trú, điều kiện đăng ký tạm trú. Trong đó, nhiều ý kiến tán thành với việc không quy định điều kiện riêng về đăng ký thường trú tại thành phố trực thuộc Trung ương; có ý kiến tán thành nhưng đề nghị cần có lộ trình cụ thể cho việc thực hiện tại Thủ đô Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh để bảo đảm phù hợp với khả năng đáp ứng của cơ sở hạ tầng và việc cung cấp các dịch vụ thiết yếu tại đô thị lớn.

Góp ý về điều khoản thi hành, quy định tại Điều 38 của dự thảo Luật, đa số ý kiến đều cho rằng việc đổi mới phương thức quản lý cư trú của công dân từ cách thức thủ công, truyền thống bằng sổ hộ khẩu, sổ tạm trú và các tàng thư văn bản sang quản lý bằng số hóa, có kết nối thông suốt giữa các cơ quan đăng ký, quản lý cư trú trên cả nước thông qua Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu về cư trú và số định danh cá nhân là hoàn toàn phù hợp với xu thế tất yếu của việc hiện đại hóa phương thức quản lý nhà nước, ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng Chính phủ điện tử, chính quyền điện tử hiện nay. Việc chuyển đổi này vừa bảo đảm thuận lợi cho công dân trong việc thực hiện tốt hơn quyền tự do cư trú, vừa nâng cao hiệu quả của công tác quản lý nhà nước.

Báo cáo giải trình tại phiên họp, Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an khẳng định, cơ quan soạn thảo sẽ tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội, phối hợp với Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội tiếp tục hoàn thiện dự án Luật để trình Quốc hội xem xét thông qua tại kỳ họp này.

Bộ trưởng Tô Lâm giải trình, làm rõ một số vấn đề các đại biểu Quốc hội quan tâm. 


Làm rõ thêm một số nội dung của dự án Luật, Bộ trưởng Tô Lâm nhấn mạnh 3 mục tiêu cơ bản của việc sửa đổi Luật Cư trú đó là: Bảo đảm yêu cầu không để cản trở, ngăn trở quyền tự do cư trú của công dân; xác định vị trí pháp lý của công dân trên lãnh thổ Việt Nam; việc đăng ký nơi thường trú, tạm trú là để các cơ quan Nhà nước quản lý các hoạt động của công dân, việc đăng ký này không được làm phiền hà cho công dân, không tạo cơ hội cho cán bộ nhũng nhiễu. 

Về thời gian chuyển tiếp sổ hộ khẩu, sổ tạm trú giấy sau khi dự án Luật có hiệu lực, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đề xuất hai phương án: Một là là sổ hộ khẩu, sổ tạm trú có thời gian chuyển tiếp đến 31/12/2022; hai là sổ hộ khẩu, sổ tạm trú hết giá trị kể từ thời điểm Luật có hiệu lực thi hành là từ ngày 01/7/2021. Bộ Công an kiến nghị thực hiện phương án hai.

Bộ trưởng Tô Lâm cũng cho biết thêm, hiện nay, dự án Cơ sở dữ liệu Quốc gia về dân cư đã thu thập được 90% thông tin, chỉ còn công việc chỉnh lý, sửa đổi, phúc tra là có thể vận hành được. Bộ Công an đề nghị Quốc hội giới hạn thời gian để các cơ quan có liên quan phải có lộ trình thực hiện tích cực, khẩn trương hơn nữa trong việc hoàn thành sớm các chỉ tiêu, nhiệm vụ về xây dựng Chính phủ điện tử.

"Luật Cư trú (sửa đổi) là cải cách rất lớn. Nếu chúng ta quản lý công dân, quản lý cư trú tốt thì không phải tổng điều tra dân số vì việc đó đã được quản lý theo hệ thống, rất chính xác, góp phần giảm rất nhiều thủ tục hành chính liên quan đến cư trú" – Bộ trưởng Tô Lâm nêu rõ.

 

Bùi Hùng
Tìm kiếm