Quốc hội thảo luận về một số nội dung của Dự án Luật Thi hành án hình sự (sửa đổi)

22/05/2019
Chiều 22/5/2019, tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XIV, các đại biểu Quốc hội đã tiến hành thảo luận tại hội trường về mội số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Thi hành án hình sự (sửa đổi). Đồng chí Uông Chu Lưu, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội điều hành nội dung làm việc. Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an dự và phát biểu tại phiên thảo luận.
Bộ trưởng Tô Lâm phát biểu tại phiên thảo luận.


Thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH), Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga trình bày Báo cáo tóm tắt giải trình, tiếp thu một số vấn đề còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật cho biết: Về tổ chức cho phạm nhân lao động (Điều 33), đa số ý kiến tán thành việc dự thảo luật bổ sung quy định cho phép trại giam phối hợp với doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân để tổ chức cho phạm nhân lao động và có thể tổ chức khu sản xuất, điểm lao động ngoài trại giam, đồng thời cần quy định chặt chẽ các điều kiện để đưa phạm nhân ra lao động ngoài trại giam. Một số ý kiến cho rằng, việc tổ chức khu sản xuất, điểm lao động ngoài trại giam sẽ phát sinh nhiều vấn đề phức tạp, chưa bảo đảm tính nghiêm minh của bản án, gây tâm lý lo lắng cho nhân dân ở khu vực phạm nhân lao động, dễ xảy ra tình trạng phạm nhân mang vật cấm vào trại giam và nguy cơ phạm nhân trốn.

Về vấn đề này, UBTVQH nhận thấy, đối với người bị phạt tù thì lao động, học tập là nghĩa vụ và là một trong những yêu cầu quan trọng của công tác giáo dục người chấp hành án phạt tù. Việc giam giữ tập trung phạm nhân với số lượng lớn trong một thời gian dài, nếu không tổ chức cho họ lao động thì sẽ phát sinh nhiều vấn đề phức tạp, nguy cơ mất an ninh, an toàn tại các trại giam. Vì vậy, công tác tổ chức lao động cho phạm nhân vừa nhằm giáo dục cải tạo, dạy nghề, cải thiện chế độ ăn, tạo thêm khoản thu nhập, chuẩn bị cho phạm nhân tái hòa nhập cộng đồng, đồng thời cũng là biện pháp quản lý hiệu quả.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga nhấn mạnh, từ thực tiễn việc thí điểm đưa phạm nhân ra lao động ngoài trại giam, UBTVQH nhận thấy, việc đổi mới công tác tổ chức lao động tại các trại giam theo đề nghị của Chính phủ, tạo điều kiện để phạm nhân có thể tham gia lao động phù hợp với điều kiện thực tế và khả năng cho phép của các trại giam là cần thiết. Tiếp thu ý kiến đa số đại biểu Quốc hội, UBTVQH đề nghị Quốc hội cho giữ quy định tại Điều 33 dự thảo Luật theo hướng cho phép trại giam phối hợp với doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân để tổ chức khu sản xuất, điểm lao động ngoài trại giam cho phạm nhân.

Qua thảo luận tại hội trường, đa số các đại biểu Quốc hội bày tỏ sự tán thành với nhiều nội dung trong Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Thi hành án hình sự (sửa đổi) và thống nhất cho rằng dự thảo Luật đã được tiếp thu, chỉnh sửa khá toàn diện, khắc phục được nhiều bất cập, hạn chế; dự thảo Luật đã có những bổ sung về nội dung và bố cục hợp lý hơn.

Qua thảo luận tại hội trường, đa số các đại biểu Quốc hội bày tỏ sự tán thành
với nhiều nội dung trong Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý
dự án Luật Thi hành án hình sự (sửa đổi).


Bày tỏ tán thành cao với quy định của dự thảo Luật Thi hành án hình sự (sửa đổi), đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Thuỷ (tỉnh Bắc Kạn) nhấn mạnh, tổ chức cho phạm nhân lao động không chỉ nhằm cải tạo họ mà còn nhằm mục đích giúp họ tái hoà nhập cộng đồng sau này. Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Thuỷ đánh giá, bản chất và mục tiêu của việc kết hợp với doanh nghiệp để tổ chức cho phạm nhân lao động ở ngoài trại giam không phải là hoạt động kinh tế mà ở đây là tổ chức dạy nghề hướng nghiệp cho phạm nhân. Qua tham khảo kinh nghiệm quốc tế thì các quốc gia phát triển trên thế giới như Anh, Thuỵ Sỹ cũng cho phép trại giam kết hợp với doanh nghiệp cho phạm nhân lao động ngoài trại giam. Thậm chí có nước còn tiếp cận đây là biện pháp giúp phạm nhân tái hoà nhập cộng đồng và là trách nhiệm của các trại giam.

Đại biểu Quốc hội Trần Văn Mão (tỉnh Nghệ An) cũng bày tỏ đồng tình nhất trí với quy định của Điều 33 dự thảo Luật bởi 03 lý do, như: Để đảm bảo quyền và nghĩa vụ lao động theo Hiến pháp, phù hợp với điều ước quốc tế về nhân quyền và các bộ luật liên quan; thể hiện quan điểm đổi mới trong tổ chức cải tạo phạm nhân tại các trại giam; bảo đảm tăng thu nhập, giảm bớt gánh nặng chi phí ngân sách, cải tạo nâng cấp cơ sở giam giữ phạm nhân, cải thiện đời sống phạm nhân, giúp phạm nhân hoà nhập và hướng thiện, cải tạo tốt, sớm về với gia đình… 

Phát biểu tại phiên họp, Bộ trưởng Tô Lâm cho rằng, căn cứ pháp lý mấu chốt nhất của việc tổ chức cho phạm nhân ra lao động ngoài trại giam là quy định về điểm lao động, dạy nghề của phạm nhân ngoài trại giam. Tức là phạm vi, cơ sở lao động, dạy nghề chứ không phải ra ngoài xã hội lao động. Bộ trưởng Tô Lâm nhấn mạnh, thực chất của việc này là thực hiện ngoài trại giam nhưng vẫn trong phạm vi quản lý của trại giam.

Bộ trưởng Tô Lâm nêu rõ, khi xây dựng Luật Thi hành án hình sự (sửa đổi) đều có sự thống nhất giữa trại giam và chính quyền địa phương. Phạm vi hoạt động của các cơ sở lao động, dạy nghề có thiết kế theo mẫu của các trại giam, nằm trong phạm vi quản lý của trại giam chứ không phải tổ chức trong xã hội như bình thường... Điểm lao động, có phân công cán bộ quản lý; phạm nhân lao động được lựa chọn với những điều kiện nhất định, có cơ chế quản lý như trong trại giam; có điểm danh, điểm diện, không đi lại, gặp gỡ tiếp xúc, thăm thân...

Bộ trưởng Tô Lâm cho biết, cũng đã có những quy định về tiêu chí, điều kiện về việc thành lập các khu sản xuất, các điểm lao động ngoài trại giam. Báo cáo của Ban soạn thảo cũng nêu rõ, việc này có sự giám sát, đồng tình của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao - cơ quan giám sát việc thi hành pháp luật. Đồng thời, những quy định đó phù hợp với xu hướng xã hội hoá công việc thi hành án, được nêu trong Nghị quyết số 09-NQ/TW, ngày 06-9-2005 của Bộ Chính trị về chiến lược cải cách tư pháp. 

Thay mặt Cơ quan chủ trì soạn thảo, Bộ trưởng Tô Lâm trân trọng cảm ơn các đại biểu Quốc hội đã quan tâm, có nhiều ý kiến đóng góp sâu sắc. Về các nội dung khác mà đại biểu Quốc hội có đề cập, Bộ trưởng Tô Lâm cho biết, Ban soạn thảo sẽ nghiêm túc tiếp thu các ý kiến góp ý xác đáng, chi tiết, rõ ràng; phối hợp với các cơ quan có liên quan để nghiên cứu, chỉnh sửa, hoàn thiện dự thảo Luật.

Kết luận nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nêu rõ, các ý kiến thảo luận của đại biểu Quốc hội đã được ghi chép tổng hợp đầy đủ. Trên cơ sở đó, UBTVQH sẽ nghiêm túc tiếp thu, giải trình, đồng thời chỉ đạo các cơ quan hữu quan chỉnh lý hoàn thiện dự thảo Luật trước khi trình Quốc hội xem xét thông qua.

 

Trần Xuân
Tìm kiếm