Thảo luận tại Hội trường về Dự án Luật Công an nhân dân (sửa đổi)

14/06/2018
Tiếp tục Chương trình kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV, sáng 14/6/2018, Quốc hội tiến hành thảo luận về Dự án Luật Công an nhân dân (sửa đổi). Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ điều hành nội dung thảo luận.

Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Nguyễn Hữu Cầu (tỉnh Nghệ An) cho biết, hiện nay Đảng, Nhà nước đang giao cho Bộ Công an được bố trí 205 tướng, Bộ Quốc phòng là 415 tướng. Quan điểm lãnh đạo của Bộ Công an là không làm tăng thêm cấp Tướng so với số lượng được giao. Theo quy định hiện hành, Giám đốc Công an tỉnh có chức vụ tương đương Cục trưởng, được đề bạt trực tiếp lên Thứ trưởng, ngược lại các Cục trưởng muốn lên Thứ trưởng phải luân chuyển về các địa phương trọng điểm để đào tạo theo quy định của Đảng ít nhất 03 năm. Thế nên, nếu 02 cấp bậc hàm này vênh nhau quá lớn thì rất khó thực hiện việc luân chuyển và không hợp lý về mặt chính sách. Hơn nữa, công việc của Công an các tỉnh, thành rất nhiều, quân số cũng rất lớn, tới đây sẽ tiếp tục tăng lên khi thực hiện chủ trương cải cách bộ máy của ngành Công an theo hướng “Bộ tinh, tỉnh mạnh”. Mặt khác, ngành Công an không có cấp trung gian như quân chủng, binh chủng, quân khu như Quân đội. 

ĐBQH Nguyễn Hữu Cầu nhấn mạnh, đây là một đặc điểm khác biệt giữa Công an nhân dân (CAND) và Quân đội nhân dân trong tổ chức lực lượng chiến đấu nên cần lưu ý để thực hiện chế độ, chính sách, còn khi chiến tranh xảy ra ai là người được giao nhiệm vụ chỉ huy thì người đấy là thủ trưởng, cấp trên, tất cả mọi người phải chấp hành mệnh lệnh.

Theo đại biểu, quân hàm không chỉ mang tính chất phân biệt cấp trên với cấp dưới trong lực lượng vũ trang mà bản chất là tiền lương. Đã là tiền lương thì nguyên tắc là phải phân phối theo lao động. Với những lý lẽ như trên, ĐBQH Nguyễn Hữu Cầu ủng hộ chính sách Giám đốc Công an các tỉnh, thành phố loại 1 được trần cấp hàm Thiếu tướng. Chính sách này không chỉ đúng về bản chất của tiền lương mà còn tạo thuận lợi cho việc luân chuyển, đào tạo lãnh đạo trong CAND theo chủ trương của Đảng, Nhà nước.

Toàn cảnh phiên thảo luận.

Đồng tình với quan điểm này, ĐBQH Tô Văn Tám (tỉnh Kon Tum) cho rằng, quan điểm của Nghị quyết Trung ương 6 xác định cơ chế, chính sách phù hợp đối với những người chịu tác động trực tiếp bởi quá trình sắp xếp lại tổ chức bộ máy, Nghị quyết 22 của Bộ Chính trị có chủ trương đặc biệt quan tâm đề xuất và thực hiện áp dụng cơ chế, chính sách phù hợp với người chịu tác động trực tiếp từ quá trình sắp xếp. Do đó quy định về vị trí chức vụ có bậc hàm cao nhất là cấp Tướng tại khoản 1 Điều 26 như dự thảo là phù hợp.

ĐBQH Nguyễn Thị Phúc (tỉnh Hưng Yên) nêu ý kiến, Giám đốc Công an cấp tỉnh phải chịu trách nhiệm cao, phạm vi hoạt động rộng và điều quan trọng là cần có cấp tướng để lãnh đạo, chỉ đạo những địa bàn có diễn biến phức tạp, cần xử lý nhanh, kịp thời để giải quyết công việc, đảm bảo an ninh, trật tự, an toàn xã hội cho nhân dân. 

Các ĐBQH Nguyễn Ngọc Bảo (tỉnh Bắc Ninh), Bùi Mậu Quân (tỉnh Hải Dương), Trương Minh Hoàng (tỉnh Cà Mau)... cùng chung ý kiến này.

Theo ĐBQH Trần Văn Mão (tỉnh Nghệ An), Công an cấp tỉnh thuộc lực lượng vũ trang vừa là cơ quan tư pháp, vừa là cơ quan hành pháp, khối lượng công việc rất nặng nề, nhiệm vụ liên quan đến hầu hết đời sống kinh tế - xã hội, xử lý nhiều vấn đề phức tạp, nhạy cảm, liên quan đến quyền tự do dân chủ, lợi ích của nhân dân. Do đó, việc bố trí cấp hàm Thiếu tướng đối với Giám đốc Công an tỉnh là hoàn toàn phù hợp. Tuy nhiên dự thảo luật cần quy định cụ thể quy trình, tiêu chí rõ ràng để không vượt quá số lượng cấp tướng trong toàn Ngành.

Bên cạnh đó, một số ĐBQH đề nghị quy định cấp bậc hàm cao nhất là Thiếu tướng đối với tất cả Công an các địa phương, tức đồng ý với loại ý kiến thứ 2 trong Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội.

ĐBQH Ngàn Phương Loan (tỉnh Lạng Sơn) phân tích, Giám đốc Công an tỉnh là cấp dưới trực tiếp của chức danh Thứ trưởng, là nguồn cho công tác quy hoạch, luân chuyển, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ cấp chiến lược của Đảng, Nhà nước và lực lượng CAND. Hơn nữa, Bộ Công an đang xây dựng mô hình tổ chức mới, giảm mô hình Tổng cục và các Cục. Việc đề xuất này sẽ không làm tăng số lượng cấp Tướng trong lực lượng Công an. Giám đốc Công an cấp tỉnh có vị trí việc làm quan trọng trong lực lượng CAND và trong hệ thống chính trị ở địa phương, nhất là trong bối cảnh sự chống phá của các thế lực thù địch, phản động ngày càng tinh vi, nguy hiểm hơn. ĐBQH Ngàn Phương Loan đề nghị nghiên cứu quy định lại điểm d, khoản 1, Điều 26 cho phù hợp với thực tế.

Bộ trưởng Tô Lâm phát biểu tại phiên thảo luận.

ĐBQH Lê Tấn Tới (tỉnh Bạc Liêu) viện dẫn Nghị quyết 22 của Bộ Chính trị về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức, bộ máy Bộ Công an tinh gọn, hoạt động hiệu lực hiệu quả, theo đó, chủ trương của Bộ Công an là 85% quân số sẽ được bố trí ở Công an địa phương. Hiện nay, quân số Công an một tỉnh thấp nhất khoảng 3.000 quân. Theo quy định của dự thảo luật thì chức danh Cục trưởng và Giám đốc Công an tỉnh là hàm ngang nhau, điều được quy hoạch, luân chuyển, bổ nhiệm chức vụ cao hơn. Điều này sẽ mâu thuẫn khi thực hiện công tác luân chuyển cán bộ theo chủ trương của ngành Công an vì cấp Tướng mà luân chuyển về địa phương thì sai luật, ngược lại Giám đốc Công an tỉnh mà luân chuyển làm Cục trưởng thì bất hợp lý ở chỗ từ Đại tá lên ngay quân hàm Trung tướng, như vậy cũng không ổn. ĐBQH Lê Tấn Tới đề nghị sửa lại quy định tại điểm d, Điều 26 dự thảo luật theo hướng Giám đốc Công an tỉnh được phong cấp hàm cao nhất là Thiếu tướng.

Thay mặt Ban soạn thảo phát biểu giải trình thêm tại phiên thảo luận, Thượng tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an cho biết, thực hiện Nghị quyết số 18 ngày 25/10/2017 của Hội nghị Trung ương 6 (khoá XII) và Nghị quyết số 22 ngày 15/3/2018 của Bộ Chính trị, đến nay Bộ Công an đã tiến hành triển khai tổ chức bộ máy mới theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Vì vậy, việc xây dựng Luật CAND (sửa đổi) là rất cần thiết để hoàn thiện cơ sở pháp lý, chức năng nhiệm vụ quyền hạn và tổ chức bộ máy của lực lượng CAND, thực hiện công tác bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, đấu tranh phòng, chống các loại tội phạm và xây dựng lực lượng CAND.

Dự án Luật CAND (sửa đổi) được xây dựng theo đúng quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật, trên cơ sở tổng kết thực tiễn, tiếp thu ý kiến tham gia của các cơ quan bộ, ban, ngành, địa phương, các cơ quan chuyên môn của Quốc hội, các ý kiến đóng góp của các ĐBQH, và xin ý kiến của nhân dân.

Thay mặt Ban soạn thảo, Bộ trưởng Tô Lâm xin trân trọng cảm ơn các ĐBQH đã quan tâm thảo luận và có nhiều ý kiến đối với dự án Luật trong thời gian thảo luận tại các Tổ và thảo luận tại Hội trường. Các ý kiến của ĐBQH đều thể hiện sự tâm huyết, trách nhiệm cao, sự chia sẻ, động viên đối với lực lượng CAND. Bộ trưởng Tô Lâm khẳng định, Cơ quan chủ trì soạn thảo sẽ phối hợp chặt chẽ với các Cơ quan thẩm tra của Quốc hội nghiên cứu, tiếp thu để chỉnh lý, hoàn thiện các quy định trong dự thảo Luật về những nội dung mà các ĐBQH đã có ý kiến, như: Vị trí, chức năng, nhiệm vụ quyền hạn của lực lượng CAND; truyền thống CAND; trần cấp bậc hàm và chế độ chính sách trong CAND; thẩm quyền bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức, giáng chức trong CAND; về xây dựng lực lượng Công an xã chính quy, Công an xã không chính quy trong hệ thống tổ chức CAND; về xây dựng, phát triển công nghiệp an ninh… và các quy định khác có liên quan bảo đảm phù hợp thực tiễn và có tính khả thi.

Bộ trưởng Tô Lâm bày tỏ mong muốn các ĐBQH, các cơ quan, tổ chức có liên quan và nhân dân tiếp tục quan tâm, cho ý kiến đối với dự thảo Luật CAND (sửa đổi); khẳng định Ban soạn thảo dự án Luật sẽ phối hợp chặt chẽ với Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội, các cơ quan hữu quan tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo Luật, trình kỳ Quốc hội tại Kỳ họp thứ 6 theo đúng chương trình đã đề ra.

 

PV
Tìm kiếm