Hội thảo trực tuyến về bình đẳng giới và tăng cường vai trò lãnh đạo của phụ nữ trong thực thi pháp luật khu vực ASEAN

02/06/2020
Ngày 28/5/2020, Ban Tổng thư ký INTERPOL đã tổ chức Hội thảo trực tuyến lần đầu tiên với chủ đề bình đẳng giới và tăng cường vai trò lãnh đạo của phụ nữ trong lĩnh vực thực thi pháp luật khu vực ASEAN.

Hội thảo có sự tham gia của hơn 250 đại biểu là các nữ cán bộ tiêu biểu đến từ các cơ quan thực thi pháp luật khu vực ASEAN. Đoàn Bộ Công an Việt Nam gồm 09 đại biểu đến từ Văn phòng Cơ quan Cảnh sát điều tra; Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma tuý; Cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường; Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội và Cục Đối ngoại.

Tại Hội thảo, vấn đề bình đẳng giới và công tác lãnh đạo nữ được phân tích dưới nhiều góc nhìn và nhấn mạnh xu thế về cân bằng giới trong tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội. Các chuyên gia về giới của INTERPOL đã giới thiệu khái quát về các khái niệm và cấu trúc ngành nghề liên quan đến giới; các khuôn khổ pháp lý và chính sách khu vực và quốc tế về bình đẳng giới, hòa bình và an ninh, trọng tâm là các văn kiện của Liên Hợp quốc; tầm quan trọng của yếu tố về giới trong các cơ quan thực thi pháp luật; các yếu tố hình thành và ảnh hưởng đến công tác và phong cách lãnh đạo. Các chuyên gia cũng giới thiệu một số phương pháp tiếp cận mới về tăng cường vai trò lãnh đạo của nữ giới, đặc biệt trong lĩnh vực thực thi pháp luật. Theo đó, từng cá nhân có thể tự đánh giá và hoạch định kế hoạch cá nhân để hoàn thành các mục tiêu trong công việc và phát triển bản thân.

Đoàn đại biểu Bộ Công an Việt Nam tham dự Hội thảo trực tuyến về bình đẳng giới và tăng cường vai trò lãnh đạo của phụ nữ trong thực thi pháp luật khu vực ASEAN.

Bên cạnh đó, Báo cáo nghiên cứu “Sự tham gia của phụ nữ trong lĩnh vực thực thi pháp luật khu vực ASEAN” cũng được triển khai xây dựng và dự kiến được chính thức phát hành trong tháng 6/2020. Báo cáo nghiên cứu này là sáng kiến chung giữa INTERPOL, Cơ quan Liên Hợp quốc về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ (UN Women) và Cơ quan phòng chống ma túy và tội phạm Liên Hợp quốc (UNODC) nhằm đánh giá tổng quan về sự tham gia của phụ nữ trong lĩnh vực thực thi pháp luật tại 10 nước ASEAN, khó khăn, thuận lợi đối với cán bộ nữ tham gia công tác thực thi pháp luật, thực tiễn áp dụng tại các quốc gia về xu thế bình đẳng giới và tăng cường vai trò lãnh dạo của nữ giới tại các nước trong khu vực, qua đó nhằm nhân rộng mô hình và đưa ra các khuyến nghị đối với các nước thành viên ASEAN xem xét, áp dụng nhằm nâng cao vai trò của cán bộ nữ trong các hoạt động thực thi pháp luật quốc gia và khu vực.

Bản quyền: INTERPOL
Tìm kiếm