Đấu tranh chống khủng bố quốc tế tại Đông Nam Á

12/04/2019
Từ ngày 20 – 21/02/2019, tại Singapore đã diễn ra cuộc họp tổng kết giai đoạn 1 của Dự án Riptide về hỗ trợ đảm bảo an ninh biên giới và chống khủng bố quốc tế của INTERPOL tại 3 nước thành viên Indonesia, Malaysia và Philippines.

26 đại biểu đến từ Indonesia, Malaysia và Philippines đã đánh giá những thách thức đang nóng lên về việc chống khủng bố quốc tế và tính hiệu quả của những hỗ trợ từ INTERPOL cho cuộc chiến chống khủng bố tại khu vực Đông Nam Á.


 

Toàn cảnh buổi họp.


Bên cạnh đó, cuộc họp đã đánh giá tổng quan về những thành công đạt được trong giai đoạn 1 của Dự án kể từ khi bắt đầu triển khai vào tháng 4/2017, bao gồm các khóa đào tạo, hoạt động tại các điểm biên giới để xác định và ngăn chặn các đối tượng nghi ngờ khủng bố. Ngoài ra, việc sử dụng máy bay không người lái trong việc hỗ trợ an ninh biên giới trên biển cũng được thảo luận trong cuộc họp.

Cụ thể, tổng kết giai đoạn 1 của Dự án, đã có 15 chiến dịch được triển khai với 6,1 triệu lượt yêu cầu truy cập cơ sở dữ liệu tội phạm của INTERPOL, hỗ trợ triệt phá 66 vụ và bắt giữ 61 đối tượng. Hơn 820 cán bộ đã được tập huấn về sử dụng hệ thống cơ sở dữ liệu tội phạm của INTERPOL, dữ liệu về 448 đối tượng truy nã bao gồm 105 đối tượng khủng bố quốc tế đã được đưa vào cơ sở dữ liệu của INTERPOL.

 

 

Một số hoạt động trong Dự án Riptide.

Giai đoạn 2 của Dự án sẽ tiếp tục hỗ trợ lực lượng thực thi pháp luật tại Indonesia, Malaysia và Philippines xác định và ngăn chặn các đối tượng khủng bố qua các cửa khẩu, biên giới đất liền, hàng không và trên biển trong khu vực.

Dựa trên những kết quả của giai đoạn 1, INTERPOL sẽ tiếp tục hỗ trợ các chiến dịch đảm bảo an ninh biên giới tại 3 nước thành viên trong việc đối chiếu, kiểm tra những khách du lịch với cơ sở dữ liệu tội phạm của INTERPOL. Các điểm biên giới không được kết nối với cơ sở dữ liệu tội phạm của INTERPOL sẽ được cung cấp bộ công cụ đặc biệt để cho phép đối chiếu, kiểm tra trong quá trình hoạt động. Bên cạnh đó, INTERPOL cũng sẽ tiếp tục tổ chức các khóa tập huấn về sử dụng hệ thống cơ sở dữ liệu tội phạm của INTERPOL; đồng thời, kêu gọi, khuyến khích các nước thành viên trao đổi dữ liệu về những đối tượng khủng bố đã biết và đối tượng nghi ngờ khủng bố mới trên toàn cầu thông qua kênh INTERPOL.
 

Bản quyền: INTERPOL
Tìm kiếm