Ý và INTERPOL triển khai chiến dịch toàn cầu chống mafia

30/01/2020
Tháng 1/2020, tại thành phố Reggio Calabria của Ý, INTERPOL và Ý đã phối hợp triển khai một dự án mang tên I-CAN chống lại mối đe dọa của mafia, trong đó có băng đảng mafia khét tiếng của Ý “Ndrangheta”.
Chiến dịch này do Tổng cục Công an, Bộ Nội vụ Ý tài trợ, tập trung đấu tranh chống lại tổ chức tội phạm quy mô và quyền lực nhất thế giới “Ndrangheta”.
 
Hoạt động ở 32 quốc gia, trong đó có 17 nước Châu Âu, Ndrangheta được hỗ trợ bởi nguồn tài chính dồi dào có được thông qua các hoạt động mua bán ma túy, tham nhũng, lừa đảo và gian lận thương mại.
 
“Chúng ta cần một hướng tiếp cận mang tính toàn cầu nhằm đối phó với mối đe dọa toàn cầu. Chính vì vậy, chúng tôi đã triển khai một dự án hợp tác với INTERPOL để đấu tranh với loại tội phạm này, trong đó có sự tham gia của lực lượng Cảnh sát quốc gia, Quân đội (Carabinieri) và lực lượng Cảnh sát tài chính (Guardia di Finanza)”. Cảnh sát trưởng Vittorio Rizzi, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Công an phát biểu.
 
Cảnh sát trưởng Vittorio Rizzi, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Công an phát biểu tại Lễ ra mắt Dự án I-CAN. 

Ngoài việc tập trung vào một số nước cụ thể; mục tiêu mà I-CAN hướng tới là tăng cường năng lực cho lực lượng thực thi pháp luật trên toàn thế giới để xác định và đấu tranh có hiệu quả hơn với các tổ chức tội phạm mafia.
 
I-CAN sẽ được phát triển dựa trên 03 tiêu chí chính sau:
 
- Nội dung – Được xây dựng dựa trên kinh nghiệm và kiến thức thực tế của Ý về Ndrangheta, cấu trúc và phương thức hoạt động của tổ chức này.
 
- Tiếp cận – Cung cấp các thông tin tội phạm quan trọng cho các nước có liên quan, giúp lực lượng thực thi pháp luật xác định cách thức hoạt động, xu hướng và các mục tiêu tội phạm.
 
- Hành động – Điều phối các cuộc điều tra chung giữa lực lượng thực thi pháp luật các nước để phát hiện và bắt giữ các đối tượng có liên quan đến hoạt động của Ndrangheta.
 
Tổng Thư ký INTERPOL Jurgen Stock phát biểu tại Lễ ra mắt Dự án I-CAN. 

Ndrangheta là một trong những tổ chức tội phạm giàu có và quyền lực nhất thế giới. Tổ chức này có khả năng thâm nhập vào môi trường chính trị và kinh tế để thực hiện các hoạt động hối lộ, tham nhũng… Không chỉ tập trung vào các mục tiêu song phương, Dự án I-CAN còn mong muốn đẩy mạnh hợp tác và phối hợp nghiệp vụ giữa các nước thành viên của INTERPOL”, Tổng Thư ký INTERPOL Jurgen Stock nói.
 
Phương thức hoạt động của Ndrangheta
 
Lợi nhuận mà tổ chức này thu được sẽ được tái đầu tư thông qua các kỹ thuật rửa tiền tinh vi. Ở nhiều nước, nhiều nguồn tiền được cho là “tiền sạch” nhưng thực chất lại có dấu hiệu của tham nhũng và bóp méo nền kinh tế khi nó làm thay đổi cơ chế cạnh tranh và đẩy các doanh nghiệp làm ăn chân chính ra khỏi thị trường.
 
Quá trình giao dịch, mua bán hàng hóa không xuất hiện bạo lực hay hăm dọa nhưng có sự tham gia của các công ty trong hoạt động hối lộ, tham nhũng, câu kết ngầm.
 
Ndrangheta đã nắm được quyền kiểm soát trực tiếp hoặc gián tiếp với nhiều công ty hoạt động trong nhiều lĩnh vực khác nhau như: xây dựng, vận tải, xuất nhập khẩu, trò chơi và cá cược, thu gom và xử lý rác thải…
 
Cùng với sự phát triển của công nghệ, Ndrangheta cũng sử dụng các trang web chìm, web đen để tiến hành các giao dịch trực tuyến bất hợp pháp.
Bản quyền: INTERPOL
Tìm kiếm