Chiến dịch chống tội phạm có tổ chức ở Đông Nam Âu

04/11/2020
INTERPOL và EUROPOL đã hỗ trợ chiến dịch kéo dài 4 ngày (từ ngày 24-27/9/2020) do Cơ quan liên ngành Châu Âu chống tội phạm có tổ chức (EMPACT) điều phối và Lực lượng phòng vệ dân sự Tây Ban Nha chủ trì, cùng với sự tham gia của hơn 33 quốc gia với mục tiêu trọng tâm là phòng chống nhập cảnh trái phép, buôn lậu vũ khí và ma túy.

Hơn 9000 cán bộ thực thi pháp luật từ các lực lượng Cảnh sát, Bảo vệ biên giới đường bộ, đường biển, hàng không và Hải quan đã tham gia chiến dịch. INTERPOL đóng vai trò trung tâm điều phối trong Ngày hành động chung (joint action days) khu vực Đông Nam Âu.

Trong thời gian chiến dịch, các cơ quan chức năng đã tiến hành kiểm tra hơn 390.000 cá nhân và 44.000 phương tiện giao thông tại khu vực cửa khẩu và các điểm nóng về buôn lậu.

Tổng cộng, các quốc gia tham gia trong Ngày hành động chung đã thực hiện hơn 14 triệu lượt tìm kiếm trên Cơ sở dữ liệu INTERPOL, với hơn 5000 kết quả chính xác. Kết quả trên đã hỗ trợ cho hàng loạt các vụ bắt giữ thành công liên quan đến các tội danh như: Buôn lậu vũ khí hoặc sở hữu vũ khí bất hợp pháp (17 vụ); Đưa người di cư trái phép hoặc nhập cảnh bất hợp pháp (73 vụ); Mua bán ma túy (37 vụ); Buôn lậu vũ khí và ma túy (7 vụ); Làm giả giấy tờ (12 vụ); Truy nã quốc tế (01 vụ);  Các loại tội phạm khác (19 vụ). Ngoài ra, các điều tra viên đã thu giữ 51 loại vũ khí khác nhau và 47kg ma túy các loại.

Các cơ quan chức năng đã tiến hành kiểm tra hơn 390.000 cá nhân và 44.000 phương tiện giao thông.

Hệ thống quản lý tìm kiếm vũ khí trái phép INTERPOL (iARMS) do Liên minh Châu Âu tài trợ là cơ sở dữ liệu duy nhất trên thế giới về vũ khí bị thất lạc, đánh cắp. Hệ thống cho phép lưu trữ và tìm thông tin về vũ khí bị thất lạc, đánh cắp cũng như các vụ việc nghi buôn lậu vũ khí. Hệ thống cũng cho phép truy vết các vũ khí đã bị tịch thu nhằm xác định chính xác thời gian, địa điểm bị chuyển thành sở hữu bất hợp pháp và thông qua phân tích xác định phương thức, tuyến đường và các đối tượng buôn lậu.

Ngày hành động chung tại khu vực Đông Nam Âu thể hiện sự hợp tác chặt chẽ giữa các cơ quan thực thi pháp luật quốc gia và các đối tác quốc tế khi quy tụ hơn 30 nước thành viên INTERPOL, các cơ quan của Liên minh châu Âu (Cơ quan Cảnh sát châu Âu - EUROPOL, Cơ quan Tư pháp châu Âu - EUROJUST, Cơ quan Kiểm soát biên giới châu Âu - FRONTEX) và các tổ chức quốc tế (INTERPOL, UNODC, Cơ quan phòng chống tội phạm nghiêm trọng Tây Balkans IPA/2019…).

Bản quyền: INTERPOL
Tìm kiếm