Phong tỏa và phục hồi tài sản trong vụ án lừa đảo trực tuyến

14/08/2020
Vừa qua, INTERPOL chia sẻ tới các nước thành viên bộ công cụ phòng, chống tội phạm lừa đảo trực tuyến mang tên: “Các yêu cầu dừng thanh toán khẩn cấp và các lệnh đóng băng tài khoản tạm thời” (Take Action: Urgent Stop-Payment Requests and Provisional Money-Freezing Orders).

Khi phát hiện mình đã bị lừa tiền, các nạn nhân thường trải qua các phản ứng cảm xúc khác nhau và thường là chấp nhận sự việc. Họ không hành động để lấy lại tiền do cảm thấy xấu hổ hoặc cho rằng đã quá muộn để có thể làm gì. Các sỹ quan Cảnh sát tuyến đầu đôi khi cũng gặp khó khăn khi giải quyết các vụ án liên quan đến lừa đảo trực tuyến, đặc biệt trong các vụ án có các yếu tố nước ngoài, giao dịch tài chính quốc tế.

Hãy liên hệ ngay ngân hàng và Cảnh sát khi thấy có dấu hiệu lừa đảo trực tuyến.

Tuy nhiên, INTERPOL khuyến nghị rằng kể cả khi tiền đã bị chuyển ra khỏi tài khoản của nạn nhân, chúng ta vẫn có thể chặn đứng dòng tiền. Nhằm phòng ngừa, ngăn chặn loại tội phạm này, INTERPOL phát triển bộ công cụ “Các yêu cầu dừng thanh toán khẩn cấp và các lệnh đóng băng tài khoản tạm thời” và chia sẻ tới 194 nước thành viên.

INTERPOL cũng đã tổ chức Hội nghị trực tuyến với chủ đề tương tự vào ngày 29/7/2020 với sự tham gia của hơn 500 đại biểu đến từ lực lượng thực thi pháp luật, các đơn vị tình báo tài chính quốc gia và các cơ quan chống rửa tiền quốc tế của hơn 100 quốc gia khác nhau.

Ông Tomonobu Kaya, Điều phối viên chống tội phạm tài chính của INTERPOL cho biết: “Nhiều người nghĩ rằng không thể làm gì nữa khi tiền từ tài khoản đã bị chuyển ra nước ngoài, nhưng thực tế có cả một hệ thống để xử lý các giao dịch có tính chất lừa đảo… Trước tiên, nạn nhân phải liên hệ với ngân hàng để thông báo về giao dịch có tính chất lừa đảo và đề nghị ngân hàng thụ hưởng chuyển lại tiền”. Như vậy, nếu khoản tiền chưa bị rút ra khỏi tài khoản tại ngân hàng thụ hưởng thì vẫn có khả năng phong tỏa và thu hồi khoản tiền đó.

Ông Jose de Gracia, Trợ lý Giám đốc mạng lưới phòng, chống tội phạm của INTERPOL nhấn mạnh “Có cả hệ thống lẫn con người luôn sẵn sàng để giúp bạn ngăn chặn các giao dịch mang tính chất lừa đảo. Điều then chốt là bạn cần liên hệ ngay lập tức với ngân hàng và Cảnh sát”.

Bộ công cụ của INTERPOL giới thiệu các phương thức và quy trình mà cơ quan thực thi pháp luật có thể thực hiện để ngăn chặn và khôi phục khoản tiền nạn nhân bị lừa đảo. Quy trình này bao gồm việc phối hợp với đầu mối Văn phòng INTERPOL các nước hoặc các đơn vị tình báo tài chính nội địa.

Bản quyền: INTERPOL
Tìm kiếm