Tăng cường đấu tranh chống tội phạm sở hữu trí tuệ

24/10/2019
Ngày 22 và 23/10/2019, INTERPOL và Tổng cục Điều tra tội phạm ưu tiên thuộc Cảnh sát Nam Phi, phối hợp với Tổ chức hợp tác giữa các phòng thí nghiệm (UL) và Liên minh quốc tế chống hàng giả (IACC), đã tổ chức Hội nghị quốc tế về thực thi pháp luật sở hữu trí tuệ lần thứ 13 tại Cape Town, Nam Phi.
Buôn bán hàng giả, hàng nhái là loại tội phạm xuyên quốc gia có tính chất nghiêm trọng được điều hành bởi các tổ chức tội phạm lớn và phức tạp, ảnh hưởng đến tất cả các mặt của đời sống xã hội trên phạm vi toàn cầu. 
 
Hội nghị quốc tế về thực thi pháp luật về sở hữu trí tuệ lần thứ 13 với sự tham gia của hơn 500 cán bộ thực thi pháp luật cấp cao, chuyên gia an ninh và công nghiệp từ hơn 80 nước trên thế giới đã thảo luận, hoạch định những chiến lược thực thi pháp luật để đối phó hiệu quả với mối đe dọa buôn bán hàng giả đang gia tăng.
 
Phát biểu tại Hội nghị, Tướng Bheki Cele, Bộ trưởng Cảnh sát Nam Phi  nhấn mạnh, Hội nghị lần này là một cơ hội tốt để chia sẻ kiến thức và kinh nghiệm, đồng thời củng cố, thúc đẩy hợp tác trong tương lai. Bộ trưởng Bheki Cele khẳng định, không có giải pháp chung nào có thể áp dụng cho mọi loại tội phạm liên quan đến sở hữu trí tuệ, nên các nước cần tăng cường hợp tác chặt chẽ để đối phó với các thách thức toàn cầu về tội phạm sở hữu trí tuệ đang đe dọa tăng trưởng kinh tế thế giới.

 

Các đại biểu tham dự Hội nghị.

Đổi mới sáng tạo và hợp tác
 
Nhận thức tình trạng tội phạm sở hữu trí tuệ thu được lợi ích khổng lồ và các tổ chức tội phạm luôn tìm cách phân phối sản phẩm bất hợp pháp, các đại biểu tham dự Hội nghị đã nhấn mạnh sự cần thiết của việc hợp tác và đổi mới sáng tạo giữa cơ quan thực thi pháp luật và các chủ thể khác để đấu tranh với loại tội phạm này.
 
Tư lệnh Cảnh sát Nam Phi, Tướng Khehla John Sitole nhấn mạnh, hoạt động kinh doanh trái phép các sản phẩm hàng giả đa dạng đã phát triển thành tội phạm có tổ chức, kéo theo sự hình thành của các loại hình tội phạm có tổ chức khác.
 
Giám đốc Tổ chức hợp tác giữa các phòng thí nghiệm, ông Terrence R. Brady cũng cho rằng, để tăng cường việc đổi mới sáng tạo, cần phải xây dựng được môi trường hợp tác để thảo luận về những thách thức, phối hợp, chia sẻ ý tưởng và thiết lập những mối quan hệ đối tác bền vững, cùng đưa ra các ý tưởng, giải pháp để bảo đảm một thế giới an ninh, an toàn, phát triển bền vững và không có hàng giả.
 
Theo Chủ tịch Liên minh quốc tế chống hàng giả Bob Barchiesi, đổi mới sáng tạo và hợp tác là hai thành tố cần thiết để chiến thắng trong cuộc chiến chống hàng giả, đồng thời cũng chính là mục tiêu của Hội thảo về tội phạm sở hữu trí tuệ hàng năm.
 
Các hoạt động thực thi pháp luật
 
INTERPOL đã phối hợp tổ chức các chiến dịch thực thi pháp luật trong phạm vi khu vực và trên toàn cầu để giúp các nước thành viên loại bỏ các loại hàng hóa trái pháp luật và triệt phá các mạng lưới tội phạm này.
 
Phát biểu tại Hội nghị, Giám đốc Bộ phận tội phạm có tổ chức và tội phạm mới nổi của INTERPOL cho rằng, tạo ra lợi nhuận là động cơ chính của tội phạm, vì vậy cần phải loại bỏ động cơ này bằng cách tăng cường hoạt động truy tố và thu hồi tài sản do phạm tội mà có. Ngoài ra, ông cũng nhấn mạnh việc tăng cường chia sẻ thông tin tình báo là cần thiết để đấu tranh với tội phạm sở hữu trí tuệ. Thông tin tình báo đóng vai trò vô cùng quan trọng trong tất cả các hoạt động cảnh sát, INTERPOL luôn khuyến khích các tổ chức cảnh sát thành viên và các đối tác chia sẻ dữ liệu của mình một cách có hệ thống với INTERPOL.
 
INTERPOL đã triển khai các chiến dịch toàn cầu, bao gồm chiến dịch Pange, chống lại việc mua bán dược phẩm và thiết bị y tế giả trên mạng Internet, Chiến dịch Maya III tại Trung, Bắc Mỹ và vùng Caribean vào tháng 4/2018 đã thu giữ nhiều hàng hóa trái phép trong đó có các sản phẩm vệ sinh, chăm sóc cá nhân, thiết bị văn phòng, thuốc lá, hóa chất sử dụng trong nông nghiệp và các thiết bị điện tử.
 
Ngoài ra, INTERPOL và EUROPOL hàng năm đều phối hợp triển khai Chiến dịch Opson phòng chống hàng giả và thực phẩm kém chất lượng.
 
Nền tảng đào tạo trực tuyến
 
INTERPOL đã phối hợp với UL phát triển Khóa đào tạo điều tra tội phạm sở hữu trí tuệ (IIPCIC), một nền tảng đào tạo trực tuyến toàn cầu với hơn 22.000 người tham gia từ hơn 170 quốc gia.
 
Tại Hội nghị, các đại biểu tham dự đã được giải thích về tính cần thiết và hiệu quả của việc đưa Khóa đào tạo IIPCIC vào chương trình học ở các trường Cảnh sát nhằm thúc đẩy đấu tranh phòng chống tội phạm sở hữu trí tuệ. Theo đó, lãnh đạo lực lượng Cảnh sát các nước châu Phi đã quyết định đưa IIPCIC vào chương trình học tại các học viện Cảnh sát, nhằm tăng cường phòng ngừa, phát hiện, điều tra và truy tố tội phạm sở hữu trí tuệ trong khu vực này.
Bản quyền: INTERPOL
Tìm kiếm