Triệt phá các hoạt động lừa đảo qua mạng internet và qua điện thoại

09/12/2020
Chiến dịch First Light do INTERPOL điều phối nhắm tới các hoạt động lừa đảo đã kết thúc vào tháng 11/2020 với nhiều kết quả đạt được: tổ chức đột kích vào 10.380 địa điểm; bắt giữ 21.549 đối tượng lừa đảo, vận hành đường dây và rửa tiền; đóng băng 310 tài khoản ngân hàng; ngăn chặn số tiền giao dịch bất hợp pháp trị giá 153.973.709 đô-la Mỹ.

Bắt giữ các đối tượng trong đường dây lừa đảo qua mạng internet và qua điện thoại.

Trong 03 tháng (từ ngày 1/09 đến ngày 30/11/2019), 35 quốc gia thành viên đã tham gia vào hoạt động triệt phá các băng nhóm tội phạm có tổ chức liên quan đến các hình thức lừa đảo viễn thông và lừa đảo phi kỹ thuật (social engineering). Sau giai đoạn đó, trong vòng một năm tiếp theo, các quốc gia thành viên đã cùng nhau chia sẻ thông tin sâu hơn, phân tích các thông tin nghiệp vụ thu thập được, đồng thời mở rộng các cuộc điều tra nhằm xác định các đối tượng liên quan.

Dựa trên các thông tin nghiệp vụ được các bên chia sẻ, INTERPOL đã ban hành ba Thông báo màu Tím cảnh báo về lừa đảo qua điện thoại, gian lận đầu tư và các hình thức lừa đảo lợi dụng đại dịch COVID-19.

Các Thông báo màu Tím cung cấp thông tin về phương tiện, thiết bị và phương thức thủ đoạn mà các đối tượng sử dụng. Các cơ quan thực thi pháp luật có thể tiếp cận với những thông tin này qua hệ thống I-24/7 được bảo mật của INTERPOL.

Các kết quả của chiến dịch cho thấy tính chất xuyên quốc gia của nhiều vụ lừa đảo qua điện thoại và các hình thức trực tuyến. Trong đó, các đối tượng thường hoạt động từ một quốc gia khác hoặc thậm chí ở lục địa khác với nơi nạn nhân đang lưu trú.

Lợi dụng tính chất không biên giới của Internet, các đối tượng đã thực hiện các hoạt động lừa đảo bất chấp quyền tài phán của các quốc gia. Số tiền lừa đảo từ nạn nhân cũng có khả năng liên quan đến nhiều quốc gia do các đối tượng tội phạm sử dụng tài khoản ngân hàng ở nước ngoài hoặc sử dụng các cơ sở chuyển đổi tiền tệ để rửa tiền.

Bên cạnh những hình thức lừa đảo được khám phá, chiến dịch đã xác định được thêm các hình thức lừa đảo khác như: lừa đảo email doanh nghiệp (BEC), lừa đảo qua hẹn hò trực tuyến và “smishing”. Smishing là hình thức sử dụng dịch vụ tin nhắn (SMS) để lừa hoặc ép nạn nhân cung cấp thông tin cá nhân và sau đó thông tin này được sử dụng với mục đích lừa đảo.

Tại Singapore, lực lượng Cảnh sát đã bắt giữ một người đàn ông xuất trình thông tin giả danh INTERPOL khi đi cùng một người phụ nữ lớn tuổi vào ngân hàng để rút tiền. Qua quá trình điều tra, cơ quan chức năng phát hiện người đàn ông này bị các đối tượng lừa đảo dụ dỗ giả danh làm nhân viên thực thi pháp luật Trung Quốc, được chúng cung cấp cho các loại giấy tờ tùy thân giả mạo và được chỉ dẫn thực hiện các bước chiếm đoạt tài sản của người phụ nữ lớn tuổi này.

Bản quyền: INTERPOL
Tìm kiếm