Bảo đảm an ninh con người, an ninh xã hội thể hiện tầm nhìn chiến lược của Đảng ta

01/12/2021
Ngày 01/12/2021, Trung tướng Lương Tam Quang, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an đã có cuộc trao đổi với báo chí về vấn đề an ninh con người, an ninh xã hội trong tổng thể chiến lược bảo vệ an ninh quốc gia và phát triển kinh tế - xã hội; các giải pháp của lực lượng Công an trước thách thức an ninh phi truyền thống; mối quan hệ giữa lực lượng Công an nhân dân với các ban, bộ, ngành, địa phương và báo chí trong việc phối hợp thực hiện và giám sát vấn đề an ninh con người, an ninh xã hội trong thời gian tới. Cổng Thông tin điện tử Bộ Công an trân trọng giới thiệu nội dung trả lời phỏng vấn của đồng chí Thứ trưởng.

Phóng viên: Thực tế cuộc sống ngày càng chứng minh cơ sở lý luận và thực tiễn của việc điều chỉnh, bổ sung luận điểm an ninh con người, an ninh xã hội trong Chiến lược an ninh quốc gia. Xin đồng chí khái quát sự cần thiết, tầm nhìn và việc thực hiện vấn đề này đáp ứng tình hình mới?

Thứ trưởng Lương Tam Quang: Những năm gần đây, các thách thức an ninh phi truyền thống nổi lên ngày càng gay gắt. An ninh mạng, biến đổi khí hậu, từ năm 2020 đến nay là dịch bệnh… đe dọa nghiêm trọng, nhiều mặt đến cuộc sống bình yên, hạnh phúc của người dân, đến xã hội an toàn, lành mạnh- những vấn đề cốt yếu bảo vệ của chiến lược an ninh quốc gia.


Trước diễn biến tình hình đó, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng lần đầu đã đề cập vấn đề an ninh con người trong phương hướng, nhiệm vụ của quản lý phát triển xã hội; đến Đại hội XIII, an ninh con người, an ninh xã hội được xác định là mục tiêu của quốc phòng-an ninh và được nhấn mạnh xuyên suốt trong phương hướng, nhiệm vụ giải pháp quốc phòng-an ninh, trong nhiều nội dung của Chiến lược phát triển kinh tế xã hội 10 năm 2021-2030. Vấn đề an ninh con người, an ninh xã hội là tư duy, nhận thức rất mới, thể hiện tầm nhìn chiến lược của Đảng ta trước môi trường an ninh, phát triển của đất nước và yêu cầu ngày càng cao trong bảo vệ cuộc sống bình yên, hạnh phúc của nhân dân trước những nguy cơ, thách thức an ninh truyền thống và phi truyền thống đang gia tăng.

Bảo đảm an ninh con người, an ninh xã hội là trách nhiệm của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta, trước hết là trách nhiệm người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp, khơi dậy sự tự nguyện, tự giác, tham gia tích cực của mỗi người dân, phát huy vai trò nòng cốt của lực lượng Công an, Quân đội với những phương án, kế hoạch bảo đảm an ninh chặt chẽ, phù hợp theo từng cấp độ đe dọa an ninh con người, an ninh xã hội trên cơ sở quy định của pháp luật.

Phóng viên: Việc triển khai thực hiện tư duy mới này sẽ trực tiếp tác động tới các chủ thể: người dân, doanh nghiệp và xã hội, vậy những mặt chuyển biến và lan tỏa tích cực là gì và theo đồng chí, nếu phải lường trước những khó khăn, trở ngại và cả những mặt trái - như là hai mặt tất yếu của một vấn đề khi thực hiện, thì ngành Công an cần dự báo, phân tích các nguy cơ nào từ sớm, từ xa?

Thứ trưởng Lương Tam Quang: Đồng chí Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Đảng ủy Công an Trung ương, Bộ trưởng Công an tại Hội nghị trực tuyến quán triệt Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã nhấn mạnh: “An ninh con người là trạng thái người dân được sống ổn định, an toàn, không bị đe dọa bởi các nguy cơ xâm hại; bảo vệ an ninh con người là bảo đảm và thực thi đầy đủ các quyền con người, quyền cơ bản của công dân được quy định trong Hiến pháp năm 2013, bảo đảm mọi người dân được sống ấm no, tự do, hạnh phúc trong một môi trường xã hội trật tự, kỷ cương, an ninh, an toàn, lành mạnh”.


Với nội hàm an ninh con người theo tư duy mới của Đảng ta, việc triển khai thực hiện sẽ đem đến rất nhiều tác động tích cực đối với người dân, doanh nghiệp và xã hội. Trước hết, việc thể chế hóa tư duy mới của Đảng thành các quy định pháp luật sẽ tạo cơ sở pháp lý góp phần bảo vệ an ninh con người, an ninh xã hội trước những thách thức mới đến từ các mối đe dọa an ninh phi truyền thống. Tổ chức thực hiện các quy định này, người dân, doanh nghiệp sẽ được bảo vệ đầy đủ, toàn diện hơn, nhất là trước những vấn đề an ninh mới nổi lên như an ninh dữ liệu, an ninh cá nhân, an ninh kết nối; kỷ cương xã hội, kể cả trên không gian mạng được tăng cường, góp phần củng cố ngày càng vững chắc môi trường an toàn, lành mạnh, trật tự bảo vệ cuộc sống của người dân, phát triển của doanh nghiệp.

Bên cạnh tác động tích cực, không thể loại trừ nguy cơ lợi dụng vấn đề này để tác động, hướng lái, gây sức ép, tạo sự lệ thuộc hoặc can thiệp công việc nội bộ Việt Nam của các thế lực thù địch; lợi dụng những sơ hở, thiếu sót trong thực thi các quy định, chính sách để kích động gây bất ổn xã hội, làm suy giảm niềm tin của người dân với Đảng, Nhà nước; cùng với tình hình tội phạm xâm phạm an ninh con người, tội phạm núp bóng doanh nghiệp, yếu tố tiềm ẩn phức tạp đe dọa an ninh xã hội… sẽ là những nguy cơ, thách thức phải tập trung phòng ngừa, xử lý từ sớm, từ xa.

Phóng viên: Thực tiễn phòng, chống dịch Covid-19 gần hai năm qua, đặc biệt quyết liệt từ đầu năm nay cho thấy thách thức an ninh phi truyền thống đang nổi lên ngày càng gay gắt - ví dụ an ninh trên lĩnh vực y tế nói chung, vấn đề vắc-xin nói riêng - tiềm ẩn nguy cơ gây bất ổn không kém các thách thức an ninh lương thực, an ninh nguồn nước, an ninh năng lượng… Ngành Công an sẽ có những giải pháp gì cả về con người, phương tiện, phương thức hoạt động, thưa đồng chí?

Thứ trưởng Lương Tam Quang: Sẵn sàng ứng phó với những thách thức an ninh phi truyền thống là một trong những nhiệm vụ giải pháp trọng tâm mà trong quá trình tham mưu Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết về Chiến lược An ninh quốc gia năm 2019, Đảng ủy Công an Trung ương đã chủ động đề xuất.

Đi liền với đó, gương mẫu, đi đầu thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6 khóa XII “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”, Nghị quyết số 22 của Bộ Chính trị, Luật Công an nhân dân năm 2018, Nghị định số 01 của Chính phủ, Đảng ủy Công an Trung ương, Bộ Công an đã tập trung lãnh đạo toàn lực lượng Công an triển khai quyết liệt việc điều chỉnh bố trí lực lượng, trọng tâm là bố trí Công an theo bốn cấp.

Lần đầu trong lịch sử xây dựng lực lượng Công an nhân dân, Công an xã là một cấp Công an chính quy, trực tiếp giải quyết những vấn đề an ninh, trật tự, bao gồm an ninh phi truyền thống ngay từ cơ sở. Tham gia tuyến đầu phòng, chống dịch Covid-19 trong gần hai năm vừa qua, nhất là làn sóng dịch thứ tư đã cho thấy rõ hiệu quả việc bố trí Công an xã, thị trấn chính quy trong ứng phó, xử lý các thách thức an ninh phi truyền thống.


Thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng về xây dựng lực lượng Công an nhân dân đến năm 2030 cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, Đảng ủy Công an Trung ương đang tập trung xây dựng, đề xuất Bộ Chính trị ban hành Đề án về vấn đề này, trong đó xác định cụ thể hơn nữa những giải pháp về lực lượng, phương tiện, chủ trương, biện pháp bảo vệ an ninh quốc gia trong tình hình mới, trong đó có ứng phó với các vấn đề an ninh phi truyền thống.

Phóng viên: Hiến pháp 2013 nhấn mạnh bảo vệ quyền con người và đòi hỏi tư duy đó phải lan tỏa trong mọi mặt đời sống. Là bước đi phù hợp tinh thần Hiến pháp, chủ trương đường lối của Đảng theo tinh thần Đại hội XIII, theo đồng chí, nhận thức và hành động mới về luận điểm an ninh con người, an ninh xã hội trong chiến lược bảo vệ an ninh quốc gia sẽ tạo ra những thay đổi căn bản nào trong hoạt động của liên ngành bảo vệ pháp luật trong thời gian tới? Mối quan hệ giữa ngành Công an với các cơ quan dân cử và báo chí trong việc phối hợp thực hiện và giám sát vấn đề an ninh con người, an ninh xã hội thời gian tới như thế nào?

Thứ trưởng Lương Tam Quang: Mọi hoạt động của các tổ chức đảng, hệ thống chính trị, trong đó có liên ngành tư pháp, từng cán bộ, chiến sĩ trong lực lượng Công an nhân dân sẽ quán triệt sâu sắc và thực hiện có hiệu quả quan điểm mà Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng nhấn mạnh: Nhân dân là trung tâm, là chủ thể của công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; mọi chủ trương, chính sách phải thực sự xuất phát từ yêu cầu, nguyện vọng, quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân…; lấy hạnh phúc, ấm no của nhân dân làm mục tiêu phấn đấu.

Đây không phải vấn đề mới, song sẽ được tập trung cao độ nguồn lực, biện pháp để thực hiện bảo đảm an ninh con người, an ninh xã hội. Lực lượng Công an sẽ phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan và báo chí trong quá trình triển khai các biện pháp bảo đảm an ninh con người, an ninh xã hội cũng như bảo đảm vai trò giám sát của các cơ quan và người dân trong vấn đề này.

Chúng tôi mong muốn Quốc hội, các cơ quan dân cử, báo chí và nhân dân tiếp tục phối hợp, hỗ trợ, tạo điều kiện để lực lượng Công an nhân dân hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước, Nhân dân đã tin cậy giao phó, trong đó có bảo vệ an ninh con người, an ninh xã hội.

Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn đồng chí!

 

Ban Biên tập
Tìm kiếm
Tin tức - Sự kiện
Liên kết website