Tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh do muỗi truyền

18/08/2020
Cục Y tế Bộ Công an vừa có Công văn gửi các cơ sở y tế trong lực lượng Công an nhân dân về tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh do muỗi truyền.

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), muỗi là một trong những trung gian truyền bệnh gây tác hại rất lớn đối với con người. Tại Việt Nam, tính từ đầu năm 2020 đến nay đã ghi nhận hơn 45.000 trường hợp mắc sốt xuất huyết, trong đó có 03 trường hợp tử vong (tại Bình Phước, Bình Định, Tây Ninh). Trong lực lượng Công an nhân dân, từ đầu năm 2020 đến nay, các loại bệnh do muỗi là trung gian truyền bệnh như sốt xuất huyết Dengue,… xuất hiện rải rác tại một số đơn vị. 

Để tăng cường chủ động công tác phòng, chống dịch bệnh nói chung, dịch bệnh do muỗi truyền nói riêng, Cục Y tế đề nghị các cơ sở y tế trong lực lượng Công an nhân dân đặc biệt là đơn vị giáp biên giới với Campuchia thực hiện tốt một số nội dung sau:

1. Tăng cường công tác thông tin, giáo dục, truyền thông đến từng cán bộ, chiến sỹ, học viên, công nhân Công an và can phạm, phạm nhân, trại viên, học sinh trường giáo dưỡng; vận động nhân dân, người thân thực hiện các biện pháp phòng, chống các bệnh do muỗi là vector trung gian (sốt xuất huyết, bệnh do vi rút Zika và Chikungunya…). Khi có dấu hiệu của bệnh (có xung huyết hoặc phát ban trên da, sốt, đau mỏi cơ, khớp, viêm kết mạc xung huyết không có mủ…) cần đến ngay cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời, không tự ý điều trị tại nhà. 

2. Phối hợp chặt chẽ với y tế trên địa bàn đóng quân (Sở Y tế, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật/Trung tâm Y tế dự phòng địa phương) triển khai quyết liệt, đồng bộ các biện pháp phòng, chống dịch do muỗi là vector truyền bệnh trên địa bàn, đặc biệt là các khu vực có nguy cơ cao bùng phát dịch bằng các hoạt động cụ thể: Tổ chức diệt loăng quăng (bọ gậy); thu gom, lật úp, xử lý dụng cụ phế thải chứa nước, đậy kín các dụng cụ chứa nước mưa, nước sinh hoạt… để muỗi không vào đẻ trứng, thả cá vào các dụng cụ chứa nước (nếu có thể được) để cá ăn loăng quăng; phun hóa chất diệt muỗi diện rộng tại các khu vực có nguy cơ. 

3. Thực hiện tốt công tác giám sát, khám phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh, xử lý triệt để khi có dịch xảy ra, hạn chế thấp nhất số ca tử vong:

- Các bệnh viện, bệnh xá, y tế các đơn vị công tác khám, phát hiện sớm và điều trị kịp thời các trường hợp mắc bệnh, hạn chế không để dịch lan rộng, kéo dài, hạn chế tối đa số trường hợp mắc, giảm tỷ lệ biến chứng và hạn chế thấp nhất số trường hợp tử vong. 

- Chuẩn bị đầy đủ giường bệnh, cơ số thuốc và phương tiện điều trị, tổ chức tốt việc thu dung, cách ly người bệnh. 

- Tăng cường công tác khám, chuẩn đoán và điều trị các trường hợp mắc bệnh sốt xuất huyết theo Quyết định số 458/QĐ-BYT ngày 16/2/2011 của Bộ trưởng Bộ Y tế về việc ban hành “Hướng dẫn chuẩn đoán, điều trị sốt xuất huyết Dengue”; Quyết định số 3711/QĐ-BYT ngày 19/9/2014 của Bộ trưởng Bộ Y tế về việc “Hướng dẫn giám sát và phòng chống bệnh sốt xuất huyết Dengue”; Quyết định số 3091/QĐ-BYT ngày 03/7/2017 của Bộ Y tế về việc ban hành “Hướng dẫn giám sát trọng điểm lồng ghép bệnh sốt xuất huyết Dengue, bệnh do vi rút Zika và Chikungunya”. Thực hiện nghiêm túc chế độ thông tin, báo cáo tình hình dịch bệnh theo Thông tư số 54/2015/TT-BYT ngày 28/12/2015 của Bộ trưởng Bộ Y tế về việc Hướng dẫn chế độ thông tin báo cáo và khai báo bệnh, dịch bệnh truyền nhiễm. 

4. Các cơ sở y tế trong lực lượng Công an nhân dân thường xuyên, kịp thời báo cáo tình hình và các hoạt động phòng, chống dịch bệnh do muỗi truyền; những khó khăn vướng mắc và các kiến nghị, đề xuất về Cục Y tế (qua Phòng 2), điện thoại: 0692320007, 0692320009, 0692320003, di động: 0919492565, Fax: 0243.9428478 để phối hợp giải quyết./.

 

Ban Biên tập
Tìm kiếm
Tin tức - Sự kiện
Liên kết website