Chiến dịch Pangea: Đưa tội phạm về dược phẩm ra ánh sáng

21/11/2019
Vừa qua, Chiến dịch Pangea do INTERPOL điều phối đã triệt phá thành công nạn buôn bán trực tuyến các sản phẩm chăm sóc sức khỏe giả và bất hợp pháp. Đồng thời, Chiến dịch Pangea đã nâng cao nhận thức của cộng đồng về các rủi ro liên quan đến việc mua thuốc từ các trang web không do cơ quan chức năng quản lý.
Chiến dịch Pangea triệt phá các đường dây buôn bán sản phẩm y tế bất hợp pháp và thuốc giả qua mạng Internet.

Chiến dịch Pangea ra đời vào năm 2008, đã loại bỏ việc lưu hành trên thị trường hơn 105 triệu dược phẩm giả và bất hợp pháp (dạng thuốc viên, ống, túi, chai, v.v...) và thực hiện hơn 3.000 vụ bắt giữ. Bên cạnh đó, các lực lượng bao gồm cảnh sát, hải quan, cơ quan quản lý và các công ty tư nhân đã phối hợp nhằm ngăn chặn các loại thuốc giả đến tay người tiêu dùng và triệt phá một số mạng lưới bất hợp pháp liên quan đến loại tội phạm này.
 
Lực lượng Cảnh sát, Hải quan, các cơ quan thường trực và các công ty tư nhân phối hợp phòng, chống các mạng lưới tội phạm buôn bán sản phẩm y tế bất hợp pháp.

Phân tích kết quả từ Chiến dịch Pangea trong thập kỷ qua cho thấy, ít nhất 11% sản phẩm y tế được bán trực tuyến là hàng giả và tất cả các khu vực trên thế giới đều bị ảnh hưởng bởi vấn nạn này. Số lượng thuốc giả bị thu giữ cao nhất là thuốc điều trị rối loạn cương dương giả. Các sản phẩm thường được làm giả khác bao gồm thuốc chống trầm cảm và thuốc dùng để điều trị bệnh tiểu đường hoặc ung thư… Và kể từ năm 2015, các loại thuốc bất hợp pháp bị thu giữ đã trở nên đa dạng hơn, bao gồm số lượng thuốc ngủ, thuốc an thần và thuốc kháng viêm.
 
Các đối tượng giấu thuốc giả lẫn trong các lô hàng hóa khác như quần áo, chăn gối và thực phẩm.

Thông qua Chiến dịch Pangea từ các giai đoạn khác nhau, INTERPOL cho biết, các nhóm tội phạm có tổ chức buôn bán, lưu hành dược phẩm giả, bất hợp pháp đang thực hiện các thủ đoạn ngày càng tinh vi như vận chuyển thuốc giả, thuốc bất hợp pháp theo tuyến vận chuyển phức tạp, gửi thuốc trong các bưu kiện nhỏ, cất giấu thuốc giữa các hàng hóa khác nhau… Ví dụ, các cơ quan chức năng đã tìm thấy thuốc tránh thai giả được giấu trong các kiện hàng là đĩa DVD và thuốc ngủ bất hợp pháp trong các lô hàng được dán nhãn là quần áo, ga trải giường và thực phẩm. Vì vậy, các cơ quan chức năng cần phải cảnh giác khi kiểm tra các lô hàng chính hãng.
 
Chiến dịch được thành lập năm 2008, đến nay đã tịch thu hơn 105 đơn vị thuốc giả.

Theo đó, INTERPOL cảnh báo, thuốc bất hợp pháp và thuốc giả có thể gây nguy hiểm bởi nhiều nguyên nhân khác nhau. Chúng có thể chứa lượng hoạt chất không đúng với định mức cho phép (quá ít, quá nhiều hoặc không có gì cả) hoặc đã thay đổi ngày hết hạn. Một số loại thuốc giả thậm chí đã được tìm thấy có chứa thủy ngân, asen, thuốc chuột hoặc xi măng… Cũng như thuốc, các sản phẩm y tế không có giấy phép như kính áp tròng, bao cao su được mua qua Internet có thể có chất lượng thấp, bị lỗi hoặc gây rủi ro cho người dùng.
 
Thuốc giả và sản phẩm y tế chưa được chứng nhận có nguy cơ cao gây nguy hại cho sức khỏe.

Các nhóm tội phạm có tổ chức buôn bán thuốc bất hợp pháp trực tuyến với mục đích duy nhất là kiếm tiền, không quan tâm đến sức khỏe hoặc tính mạng của những khách hàng mua thuốc và từ đó kiếm được lợi nhuận khổng lồ thông qua giao dịch bất hợp pháp này. Vì vậy, người dân cần cẩn thận khi mua thuốc trực tuyến. Dưới đây là một số điểm lưu ý cần nhớ khi mua thuốc: 
- Mua thuốc từ một nguồn có kiểm soát.
- Mua thuốc theo toa từ các cơ sở bán thuốc được ủy quyền.
- Tránh mua những sản phẩm từ trang web nhìn có vẻ khả nghi, không uy tín như sai lỗi chính tả về sản phẩm, không có địa chỉ cụ thể, hoặc những lời hứa như “không có rủi ro”, “hoàn toàn an toàn”, “hoàn toàn hợp pháp”…
- Không mua thuốc có giá thấp đáng ngờ.
- Không mua thuốc chỉ nhận thanh toán bằng tiền điện tử. 
- Không mua thuốc trên các trang mạng xã hội hoặc ứng dụng thiết bị di động.
 
 
Bản quyền: INTERPOL
Tìm kiếm