INTERPOL tiến hành chiến dịch phòng, chống tội phạm về tiền ảo ở Đông Nam Á

08/01/2020
Vừa qua, INTERPOL đã triển khai một chiến dịch điều phối ở Đông Nam Á nhằm đấu tranh với hình thức tội phạm mạng mới nổi có liên quan tới tiền ảo, được gọi là “cryptojacking”. Chiến dịch đã góp phần ngăn chặn, loại bỏ các thiết bị có chứa mã độc trong khu vực.

Cryptojacking là hình thức tội phạm mạng, trong đó đối tượng tội phạm mạng xâm nhập bất hợp pháp vào phần cứng thiết bị để chiếm đoạt tiền điện tử. Các nạn nhân thường vô tình cài đặt một chương trình có mã độc cho phép tội phạm mạng truy cập vào máy tính hoặc các thiết bị kết nối Internet khác. Sau đó, các đối tượng thông qua các chương trình “đào tiền” này để chiếm đoạt tiền điện tử của nạn nhân.

Nhận thấy “cryptojacking” là nguy cơ đang bùng phát ở các nước Đông Nam Á, từ tháng 6/2019, Ban phòng chống tội phạm mạng ASEAN của INTERPOL đã bắt đầu triển khai chiến dịch mang tên “Goldfish Alpha” nhằm phòng chống loại tội phạm mạng này. Tính đến nay, thông tin thu thập được đã giúp xác định hơn 20.000 thiết bị mạng bị xâm nhập bất hợp pháp trong khu vực, chiếm 18% số lượng toàn cầu.

Cuộc gặp mặt giữa các lực lượng chức năng nhằm triển khai chiến dịch “Goldfish Alpha”.

Theo đó, các điều tra viên của lực lượng Cảnh sát và Đội ứng phó khẩn cấp sự cố máy tính của 10 nước ASEAN đã phối hợp điều tra, phát hiện các thiết bị đã bị xâm nhập bất hợp pháp, cảnh báo nạn nhân và xử lý các thiết bị để loại bỏ sự truy cập và kiểm soát của các đối tượng. Khi Chiến dịch kết thúc vào tháng 11, số lượng các thiết bị bị truy cập bất hợp pháp đã giảm 78%. 

Các đối tác từ khu vực tư nhân đã hỗ trợ chiến dịch bằng cách chia sẻ thông tin và phân tích các vụ việc, hướng dẫn cách thức xử lý đối với các thiết bị bị truy cập bất hợp pháp và phương pháp phòng ngừa.

Ông Craig Jones, Giám đốc Ban phòng chống tội phạm mạng của INTERPOL phát biểu tại cuộc gặp mặt các cơ quan chức năng.

Ông Craig Jones, Giám đốc Ban phòng chống tội phạm mạng của INTERPOL cho biết, việc kết hợp giữa kiến thức chuyên môn và thông tin về nguy cơ mất an toàn an ninh mạng do lĩnh vực tư nhân cung cấp với năng lực điều tra của lực lượng thực thi pháp luật, chúng ta có thể bảo vệ tốt nhất cho cộng đồng chống lại các loại tội phạm mạng. Đặc biệt, chiến dịch Goldfish Alpha cũng giúp nâng cao nhận thức của cộng đồng về cryptojacking, cách thức xác định và giảm thiểu nguy cơ do loại tội phạm này gây nên. 

Bản quyền: INTERPOL
Tìm kiếm