Kết quả chiến dịch chống buôn bán trái phép các sản phẩm y tế giả trên toàn cầu liên quan đến COVID-19

25/03/2020
Vừa qua, tại Lyon, Pháp, INTERPOL đã thu giữ được số lượng lớn khẩu trang giả, dung dịch sát khuẩn tay không đạt tiêu chuẩn và thuốc kháng vi-rút không được cấp phép trong khuôn khổ chiến dịch Pangea XIII. Đây là kết quả đấu tranh của lực lượng Cảnh sát, Hải quan và Y tế tại 90 quốc gia trong cuộc đấu tranh chung chống lại nạn buôn bán trái phép các loại thuốc và sản phẩm y tế giả trên mạng trực tuyến.
Sự bùng phát của dịch COVID-19 là nguyên nhân dẫn tới sự gia tăng số lượng khẩu trang y tế, các sản phẩm bảo hộ và vệ sinh cá nhân giả trên thị trường I-ta-li-a.


Trong khuôn khổ chiến dịch, lực lượng chức năng đã tổ chức 121 đợt truy bắt trên toàn thế giới và thu giữ các loại dược phẩm tiềm ẩn rủi ro cao khi sử dụng với tổng trị giá lên đến hơn 14 triệu đô-la Mỹ.

Tội phạm đang trục lợi từ COVID-19

Sự bùng phát của dịch COVID-19 đã tạo cơ hội cho tội phạm kiếm lời nhanh chóng do nhu cầu cao đột biến trên thị trường đối với các sản phẩm bảo hộ và vệ sinh cá nhân trong thời gian dịch bệnh. 

Các lực lượng thực thi pháp luật tham gia chiến dịch Pangea XIII đã tìm thấy 2.000 đường dẫn trực tuyến quảng cáo các sản phẩm liên quan đến COVID-19. Trong đó, theo thống kê, khẩu trang y tế giả là sản phẩm được bán trực tuyến nhiều nhất, với khoảng 600 vụ việc liên quan trong thời gian một tuần cao điểm của chiến dịch.

Hơn 34.000 chiếc khẩu trang giả, kém chất lượng, các loại “thuốc xịt corona”, “các gói chữa vi-rút corona” hay “thuốc chữa vi-rút corona” thu giữ được chỉ là một phần nổi rất nhỏ của xu hướng làm giả loại hàng mới này.

Tổng Thư ký INTERPOL, ông Jurgen Stock, cho biết: “Một lần nữa, chiến dịch Pangea XIII cho thấy tội phạm sẽ không từ bất kỳ một thủ đoạn nào để kiếm lời. Buôn bán trái phép các sản phẩm y tế giả trong bối cảnh khủng hoảng sức khỏe cộng đồng như hiện nay thể hiện sự coi thường sức khỏe cũng như tính mạng của người dân”. 
 

Tại Mô-dăm-bích, chiến dịch Pangea XIII đã thu giữ các loại dược phẩm tiềm ẩn rủi ro cao khi sử dụng, với tổng trị giá lên đến hơn 14 triệu Đô-la Mỹ.


Báo cáo của chiến dịch Pangea XIII lần này cho thấy số vụ thu giữ các loại thuốc kháng vi-rút tăng khoảng 18% và số vụ thu giữ chloroquine (một loại thuốc chống sốt rét) không được cấp phép lưu hành tăng hơn 100% so với cùng thời điểm tổ chức chiến dịch vào năm 2018. Sự gia tăng đáng kể các vụ thu giữ hai loại mặt hàng này được cho là có liên quan tới sự bùng phát của COVID-19.

Thu giữ hàng giả và đóng cửa các trang điện tử

Trong tuần triển khai chiến dịch (3-10/3/2020), cơ quan Hải quan và lực lượng chức năng tại các quốc gia thành viên INTERPOL đã tiến hành kiểm tra hơn 326.000 kiện hàng và thu giữ hơn 48.000 kiện hàng có liên quan đến các hoạt động làm giả sản phẩm y tế.

Lực lượng chức năng đã thu giữ khoảng 4,4 triệu mặt hàng dược trái phép trên phạm vi toàn cầu, trong đó có thuốc rối loạn cương dương, thuốc chống ung thư, thuốc an thần và thôi miên, steroid đồng hóa, thuốc giảm đau, các loại thuốc thần kinh, thuốc da liễu và các loại vitamin.
 

Tại Ai-len, lực lượng chức năng các quốc gia thành viên INTERPOL đã tiến hành kiểm tra hơn 326.000 kiện hàng.


Lực lượng chức năng cũng thu giữ hơn 37.000 thiết bị y tế giả hoặc không được cấp phép. Số lượng lớn các sản phẩm này là khẩu trang y tế, các bộ xét nghiệm nhanh (HIV và đái tháo đường) và hàng loạt các dụng cụ phẫu thuật khác nhau.

Kết thúc chiến dịch, lực lượng chức năng đã đóng cửa khoảng 2.500 địa chỉ trang trực tuyến, trang mạng xã hội, chợ điện tử và gỡ bỏ các loại quảng cáo trực tuyến dược phẩm trái phép. Bên cạnh đó, nỗ lực chung của lực lượng chức năng của các quốc gia thành viên INTERPOL đã làm gián đoạn hoạt động phạm tội của 37 tổ chức tội phạm trên thế giới…

Tăng cường sự nhận thức của cộng đồng về rủi ro tiềm ẩn

Trong khuôn khổ chiến dịch Pangea XIII, các quốc gia thành viên INTERPOL cũng đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền cộng đồng về sự nguy hiểm của việc mua dược phẩm từ những nguồn trực tuyến không được cấp phép thông qua các đoạn phim, tài liệu tuyên truyền, các buổi triển lãm và những cuộc đối thoại chuyên đề tại các bệnh viện và trường học.

Bà Norlida Binti Abdul Rahman, Trợ lý cấp cao Cục trưởng Cục Quản lý dược, Bộ Y tế Malaysia chia sẻ: “Giảm cầu là một trong những yếu tố quan trọng của chiến dịch Pangea XIII, do vậy, Malaysia đang tập trung đẩy mạnh các hoạt động nâng cao nhận thức của cộng đồng. Trong đó bao gồm việc dán khẩu hiệu tuyên truyền trên xe ô tô, làm những đoạn phim ngắn chạy trên các bảng điện tử lớn và tổ chức phỏng vấn cũng như trao đổi trên sóng phát thanh và truyền hình”.
 

Lực lượng chức năng thu giữ tổng cộng khoảng 4.4 triệu mặt hàng dược trái phép tại Cốt-ta Ri-ca.


Các loại thuốc giả thường có lượng hoạt chất không chính xác (có thể quá ít, quá nhiều hoặc thậm chí không có hoạt chất). Bên cạnh đó, cũng có trường hợp, các loại thuốc đó là thật nhưng bị đánh cắp và bảo quản trong điều kiện không đạt tiêu chuẩn hoặc đã hết hạn. Điều này có nghĩa là thuốc không có tác dụng hoặc gây nguy hiểm cho người sử dụng.   

Bản quyền: INTERPOL
Tìm kiếm