Tập huấn về tăng cường khai thác, cập nhật dữ liệu về sinh trắc học trong cơ sở dữ liệu của INTERPOL

22/05/2020
Ngày 20/5/2020, Văn phòng Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã chủ trì phối hợp với Ban Tổng thư ký INTERPOL tổ chức Khóa tập huấn trực tuyến về sinh trắc học trong khuôn khổ Dự án SUNBIRD do Chính phủ Canada tài trợ tại trụ sở 47 Phạm Văn Đồng, Hà Nội.

Khoá tập huấn có sự tham gia của hơn 100 đại diện khác đến từ Văn phòng INTERPOL, cơ quan kỹ thuật hình sự các nước ASEAN và chuyên gia về sinh trắc học của INTERPOL. Đoàn đại biểu Việt Nam gồm 14 cán bộ thuộc Văn phòng Cơ quan Cảnh sát điều tra và Viện Khoa học hình sự Bộ Công an.

Khóa tập huấn mang lại góc nhìn tổng quan về các cơ sở dữ liệu sinh trắc học của INTERPOL hỗ trợ hoạt động điều tra, giám định, bao gồm dữ liệu về nhận diện khuôn mặt, ADN và danh chỉ bản; cách thức chia sẻ và khai thác có hiệu quả đối với các cơ sở dữ liệu này trên hệ thống thông tin toàn cầu (I-24/7) của INTERPOL.

Trong quá trình tập huấn, các chuyên gia sinh trắc học của INTERPOL đã giới thiệu khái quát về hệ thống 18 cơ sở dữ liệu do INTERPOL chủ trì xây dựng với sự tham gia đóng góp, chia sẻ dữ liệu từ 194 quốc gia thành viên, nổi bật là: cơ sở dữ liệu về quản lý đối tượng với trên 200 ngàn đối tượng, trong đó có các đối tượng thuộc diện truy nã, truy tìm quốc tế; cơ sở dữ liệu về giấy thông hành bị báo mất, mất cắp gồm trên 90 triệu hồ sơ; cơ sở dữ liệu về dấu vết đường vân của 17 ngàn vũ khí quân dụng các loại; cơ sở dữ liệu về 1,5 triệu ảnh, video liên quan đến tội phạm lạm dụng tình dục trẻ em giúp nhận dạng được trên 19 ngàn nạn nhân bị xâm hại.

Các đại biểu của Bộ Công an Việt Nam tham dự Khoá tập huấn trực tuyến về sinh trắc học của INTERPOL.

Hệ thống các cơ sở dữ liệu về sinh trắc học được giới thiệu chi tiết gồm: cơ sở dữ liệu hồ sơ DNA liên quan đến tội phạm quốc tế, nạn nhân trong các vụ thảm họa và thi thể không rõ danh tính gồm 228 ngàn hồ sơ được xây dựng từ năm 2002; cơ sở dữ liệu hồ sơ chỉ bản lưu giữ vân tay của 223 ngàn hồ sơ các đối tượng bị truy nã, truy tìm quốc tế được xây dựng từ năm 2013; cơ sở dữ liệu về nhận dạng ảnh mặt của các đối tượng bị truy nã, truy tìm quốc tế gồm 75 ngàn hồ sơ được tập hợp từ năm 2016.

Các chuyên gia đã hướng dẫn chi tiết cách thức tra cứu, phân tích, đối sánh truy nguyên đối với các cơ sở dữ liệu ADN, ảnh mặt và vân tay trong cơ sở dữ liệu của INTERPOL; đồng thời trình bày về kết quả hợp tác điều tra một số vụ án điển hình thông qua rà soát, đối sánh trên các hệ thống cơ sở dữ liệu này.

Theo số liệu tổng kết đánh giá của INTERPOL, thực tiễn việc đóng góp, chia sẻ thông tin dữ liệu cũng như khai thác, sử dụng các thông tin dữ liệu này hỗ trợ cho hoạt động điều tra, phát hiện, xử lý tội phạm tại các quốc gia thành viên khu vực Châu Á - Thái Bình Dương nói chung và khu vực 10 nước ASEAN nói riêng còn hạn chế. Số lượng các dữ liệu về sinh trắc học do các nước thành viên ASEAN đóng góp trong cơ sở dữ liệu chung chỉ chiếm 1.1%. Số lượt truy cập, rà soát các cơ sở dữ liệu về sinh trắc học do các nước thành viên khu vực Châu Á - Thái Bình Dương thực hiện chỉ chiếm 9.6% tổng số lượt truy cập trên toàn cầu.

Nhằm tăng cường hiệu quả trong đóng góp, khai thác, sử dụng các cơ sở dữ liệu sinh trắc học, INTERPOL khuyến khích các nước thành viên xem xét khả năng mở rộng kết nối hệ thống thông tin toàn cầu I-24/7 của INTERPOL đến các đơn vị chức năng có liên quan đến hoạt động điều tra, giám định tội phạm có yếu tố nước ngoài như các cơ quan quản lý biên giới, xuất nhập cảnh, cơ quan kỹ thuật hình sự và các cơ quan điều tra.

Bản quyền: INTERPOL
Tìm kiếm