Hỏi đáp trực tuyến

Kiến nghị về việc quản lý “pháo hoa nổ”

Người gửi: Cử tri Quảng Ninh

Theo quy định của pháp luật hiện hành thì “pháo nổ” là ngành nghề cấm đầu tư, kinh doanh, nếu vi phạm sẽ bị xử lý hình sự, còn “pháo hoa” chỉ là hàng hóa Nhà nước kinh doanh độc quyền. Tuy nhiên, thực tế hiện nay, pháo thẩm lậu qua biên giới từ Trung Quốc vào nước ta là loại pháo tích hợp “pháo hoa nổ”, có kích thước, khối lượng rất lớn kết nối thành từng dàn 24 hoặc 36 quả, khi tạo hoa gây nổ rất mạnh, nguy hiểm không khác gì pháo nổ. Vì vậy, đề nghị Bộ Công an bổ sung quy định về việc quản lý “pháo hoa nổ” và có hướng dẫn xử lý phù hợp, kịp thời.

Ngày hỏi: 25/06/2018 Lượt xem: 9442

Câu trả lời

Hiện nay, việc quản lý sản xuất, vận chuyển, tàng trữ, buôn bán đối với các loại pháo được quy định tại Nghị định số 36/2009/NĐ-CP ngày 15/4/2009 của Chính phủ về quản lý, sử dụng pháo và Nghị định số 96/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016 của Chính phủ quy định điều kiện về an ninh, trật tự đối với một số ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện. Theo đó, tại Khoản 3 và Khoản 4 Điều 3 Nghị định 36/2009/NĐ-CP ngày 15/4/2009 của Chính phủ về quản lý, sử dụng pháo quy định:

“3. Pháo nổ là loại sản phẩm có chứa thuốc pháo được chế tạo bằng các công nghệ khác nhau không phân biệt xuất xứ và nơi sản xuất, khi có tác động của các kích thích cơ, nhiệt, hoá, điện gây nên tiếng nổ.

4. Pháo hoa là sản phẩm có chứa thuốc pháo hoa, khi có các tác động của các kích thích cơ, nhiệt, hoá, điện sẽ gây phản ứng hoá học tạo hiệu ứng ánh sáng có màu sắc, gây tiếng nổ hoặc không gây tiếng nổ.”

Theo quy định tại Điểm a, Mục 1, Phần I Thông tư liên tịch số 06/2008/TTLT-BCA-VKSNDTC-TANDTC ngày 25/12/2008 của Bộ Công an, Viện kiểm sát nhân dân tối cao và Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn việc truy cứu trách nhiệm hình sự đối với các hành vi sản xuất, mua bán, vận chuyển, tàng trữ, sử dụng trái phép pháo nổ và thuốc pháo: “Pháo nổ (không phân biệt xuất xứ hoặc nơi sản xuất) là loại sản phẩm bên trong có chứa thuốc pháo và khi có yếu tố ngoại lực tác động thì gây tiếng nổ”.

Như vậy, pháp luật hiện hành chỉ quy định về “pháo nổ” và “pháo hoa”, không quy định về “pháo hoa nổ”. Để giải quyết những vướng mắc trong thực tế hiện nay, Viện kiểm sát nhân dân tối cao ban hành Công văn số 2149/VKSNDTC-V3 ngày 13/6/2017 hướng dẫn xử lý vướng mắc đối với pháo hoa nổ, pháo hoa; Tòa án nhân dân tối cao ban hành Công văn số 06/TANDTC-PC ngày 19/01/2017 và Công văn số 91/TANDTC-PC ngày 28/4/2017 hướng dẫn xử lý hành vi tàng trữ, vận chuyển, buôn bán pháo hoa nổ trong nội địa; Công văn số 340/TANDTC-PC ngày 22/12/2017 về việc xử lý hành vi tàng trữ, vận chuyển, buôn bán pháo hoa nổ trong nội địa.

Bộ Công an xin ghi nhận phản ánh về thực tiễn hoạt động thẩm lậu pháo hoa nổ qua biên giới để chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương phối hợp với các cơ quan chức năng kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về tàng trữ, vận chuyển, buôn bán pháo hoa nổ theo quy định. Đồng thời, trên cơ sở tổng kết vướng mắc về thực tiễn áp dụng các quy định pháp luật hiện hành về quản lý pháo hoa nổ để tham mưu, đề xuất các nội dung sửa đổi, bổ sung quy định pháp luật hiện hành cho phù hợp. 

Người trả lời: Bộ Công an