Hỏi đáp trực tuyến

Liên quan hình thức xử phạt tội phạm buôn bán người

Người gửi: Cử tri TP. Hồ Chí Minh

Đề nghị tăng cường công tác quản lý Nhà nước và công tác đấu tranh phòng chống tội phạm buôn bán người; tích cực làm tốt công tác phòng chống tệ nạn xã hội nhằm góp phần xây dựng xã hội văn minh lành mạnh và trật tự, an toàn đảm bảo phát triển kinh tế xã hội bền vững. Xử lý nghiêm các đối tượng tổ chức, môi giới hôn nhân có yếu tố nước ngoài trái pháp luật; theo quy định hiện hành chỉ xử phạt hành chính (phạt tiền) với mức nhẹ chưa đủ sức răn đe đối tượng. Đề nghị Chính phủ cần sửa đổi, bổ sung theo hướng tăng nặng hình phạt đối với loại tội phạm này để góp phần ngăn ngừa nạn buôn bán người dưới bất kỳ hình thức nào.

Ngày hỏi: 28/11/2017 Lượt xem: 5577

Câu trả lời

     Trong những năm gần đây, tình hình hoạt động của tội phạm mua bán người, đặc biệt là phụ nữ, trẻ em tiếp tục diễn biến phức tạp và có xu hướng tăng; tính chất, quy mô và thủ đoạn hoạt động phạm tội tinh vi, có tổ chức chặt chẽ, xuyên quốc gia. Trước tình hình trên, Bộ Công an đã tập trung chỉ đạo lực lượng Công an các đơn vị, địa phương trên toàn quốc phối hợp với các ngành chức năng tăng cường công tác tuyên truyền cho phụ nữ, trẻ em ở các vùng có nguy cơ cao để cảnh giác với loại tội phạm này; xây dựng các mô hình, điển hình phòng chống tội phạm, hỗ trợ cho phụ nữ, trẻ em bị buôn bán trở về tái hòa nhập cộng đồng; hàng năm mở các đợt cao điểm tấn công trấn áp tội phạm mua bán phụ nữ, trẻ em, bóc gỡ các đường dây mua bán người xuyên quốc gia, quốc tế...
     Trong 5 năm qua, lực lượng Công an đã phối hợp với Bộ đội Biên phòng phát hiện, đấu tranh, khám phá 1.754 vụ mua bán phụ nữ, trẻ em, bắt giữ, xử lý 3.170 đối tượng. Toà án nhân dân các cấp đã xét xử 855 vụ, 1.547 bị cáo, trong đó có 02 bị cáo tù chung thân, 21 bị cáo phạt tù từ 20- 30 năm, 102 bị cáo phạt tù từ 15 - 20 năm. Các lực lượng chức năng đã giải cứu 1.388 nạn nhân, tiếp nhận 3.200 nạn nhân bị buôn bán trở về tái hoà nhập cộng đồng.
     Để huy động sức mạnh của hệ thống chính trị, nâng cao hiệu quả công tác phòng ngừa, đấu tranh phòng chống tội phạm buôn bán người, đặc biệt là buôn bán phụ nữ, trẻ em, Bộ Công an đã chủ động phối hợp với các ngành, đoàn thể tham mưu cho Đảng, Nhà nước ban hành nhiều chủ trương, giải pháp lớn tập trung chỉ đạo:
      - Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 130/2004/QĐ-TTg ngày 14/7/2004 phê duyệt Chương trình hành động phòng, chống tội phạm buôn bán phụ nữ, trẻ em, giai đoạn 2004 - 2010. Chương trình có mục tiêu “làm chuyển biến nhận thức và hành động của các ngành, đoàn thể và toàn xã hội trong đấu tranh chống buôn bán người nhằm ngăn chặn và làm giảm cơ bản vào năm 2010 tình trạng phụ nữ, trẻ em bị buôn bán”. 
     - Thủ tướng Chính phủ ra Chỉ thị số 16/TTg ngày 27/6/2007 về tăng cường thực hiện Chương trình hành động phòng, chống tội phạm buôn bán phụ nữ, trẻ em. Trong đó, xác định: “Phòng, chống tội phạm mua bán người là một nhiệm vụ chính trị quan trọng để tập trung chỉ đạo thực hiện. Tỉnh, thành phố nào để xảy ra nhiều phụ nữ, trẻ em bị buôn bán ra nước ngoài thì Chủ tịch UBND phải chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ”. 
     - Chính phủ ban hành Nghị định số 69/CP ngày 21/7/2006 sửa đổi, bổ sung Nghị định số 68/CP năm 2002 về hôn nhân có yếu tố nước ngoài, trong đó nghiêm cấm việc kết hôn vắng mặt tại UBND cơ sở, ngành Tư pháp chịu trách nhiệm phỏng vấn, hoàn chỉnh hồ sơ. Đây là văn bản pháp lý quan trọng nhằm điều chỉnh lĩnh vực nhạy cảm như kết hôn, cho nhận con nuôi có yếu tố người nước ngoài mà các đối tượng thường lợi dụng để buôn bán người. 
     - Chính phủ ban hành Nghị định số 126/CP ngày 01/8/2007, Nghị định số 144/CP ngày 10/9/2007 và liên ngành ban hành Thông tư số 09/BCA-LĐTBXH-VKSNDTC-TANDTC về xử lý hành chính, hình sự đối với cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực xuất khẩu lao động, nhằm quản lý có hiệu quả các hoạt động xuất khẩu lao động, phòng chống lợi dụng xuất khẩu lao động để buôn bán người.
     - Quốc hội khoá XII, kỳ họp thứ 6, ngày 19/6/2009, thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự, trong đó sửa đổi bổ sung Điều 119 “Tội mua bán phụ nữ” thành “Tội mua bán người”; Điều 120 “Tội mua bán, đánh tráo, chiếm đoạt trẻ em” nhằm bổ sung hành vi và tăng mức hình phạt đối với người phạm tội.
     - Quốc hội, Chính phủ đã ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật quy định về việc xử lý các hành vi lạm dụng tình dục, vi phạm quyền của phụ nữ và trẻ em, mua bán phụ nữ, trẻ em như: Luật Hôn nhân và gia đình, Luật Bình đẳng giới, Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính, Pháp lệnh phòng, chống mại dâm, Pháp lệnh xuất cảnh, nhập cảnh…
      - Ban chấp hành Trung ương Đảng có Văn bản số 254-CV/TW ngày 11/6/2009 về việc tăng cường công tác chỉ đạo quản lý hôn nhân có yếu tố nước ngoài và phòng, chống tội phạm mua bán người nhằm chỉ đạo các cấp uỷ Đảng, chính quyền các cấp, các ngành, các tổ chức đoàn thể xã hội triển khai quyết liệt công tác phòng, chống mua bán người.
    - Trước tình hình tội phạm mua bán người ngày càng diễn biến phức tạp, đòi hỏi Nhà nước phải ban hành một văn bản pháp luật có hiệu lực pháp lý cao, điều chỉnh tập trung, thống nhất những vấn đề cơ bản về phòng chống tội phạm mua bán người nhằm huy động sức mạnh của toàn xã hội vào cuộc đấu tranh này. Trên tinh thần đó, ngày 21/11/2007, Quốc hội đã ra Nghị quyết số 11/2007/NQ-QH12 về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội nhiệm kỳ khóa XII(2007-2011), theo đó dự án Luật phòng, chống mua bán người được đưa vào chương trình chuẩn bị. Nghị quyết số 31/2009/NQ-QH12 ngày 17/6/2009 của Quốc hội về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2010 và bổ sung Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội nhiệm kỳ XII(2007-2011) thì dự án Luật phòng, chống mua bán người sẽ được trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XII vào cuối năm 2010.
     - Cùng với tăng cường công tác phòng ngừa và đấu tranh với tội phạm buôn bán người, Bộ Công an đã đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong lĩnh vực đấu tranh này: Tham mưu cho Chính phủ đề xuất Quốc hội chủ trì, tham gia nhiều Hội nghị các nước ASEAN, Châu Á… bàn về phối hợp phòng, chống buôn bán người. Đề xuất Chính phủ ký tuyên bố chung 6 nước khu vực tiểu vùng sông Mêkông (Việt Nam, Lào, Campuchia, Thái Lan, Myanma và Trung Quốc) về phòng, chống buôn bán người; Ký Hiệp định hợp tác song phương về phòng, chống buôn bán người với Campuchia (2005), với Thái Lan (2008), dự kiến vào cuối năm 2010 đề xuất Chính phủ ký với Lào và Trung Quốc; Giao các địa phương biên giới phối hợp chặt chẽ, tính đối đẳng thông qua công tác giao ban, thiết lập đường dây nóng, công văn, cử cán bộ sang trao đổi thông tin, phối hợp điều tra bắt giữ tội phạm, giải cứu, tiếp nhận nạn nhân bị buôn bán trở về.

Người trả lời: Bộ Công an