Hỏi đáp trực tuyến

Liên quan việc cấm sản xuất và tàng trữ súng săn

Người gửi: Cử tri tỉnh Hòa Bình

Thực trạng quản lý súng săn ở một số tỉnh miền núi không còn phù hợp. Hiện nay, lượng súng săn tại tỉnh Hoà Bình (còn hơn 1.000 khẩu) gây hiểm hoạ trong nhân dân. Đề nghị Chính phủ ban hành văn bản cấm sản xuất và tàng trữ súng săn.

Ngày hỏi: 28/11/2017 Lượt xem: 6471

Câu trả lời

    Để tăng cường công tác quản lý vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ, trong đó có các loại súng săn, súng tự chế, ngày 12/8/1996  Chính phủ ban hành Nghị định số 47/CP về quản lý vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, trong đó quy định: Súng săn (kể cả súng tự chế) phải làm thủ tục đăng ký, quản lý theo quy định. Nghiêm cấm tình trạng chế tạo, sản xuất, tàng trữ, sửa chữa, mua, bán, thuê, cho thuê, mượn, trao đổi, biếu, tặng, sử dụng súng săn trái phép. Ngày 8/3/2006, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 08/2006/CT-TTg về việc tăng cường các biện pháp cấp bách ngăn chặn tình trạng chặt phá, đốt rừng, khai thác rừng trái phép. Trong đó giao cho Bộ Công an ngừng cấp giấy phép sử dụng súng săn. Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, ngày 3/4/2006 Bộ Công an đã có văn bản số 527/BCA-C11 chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương ngừng cấp giấy phép cho tất cả các loại súng săn, tiến hành thu hồi số giấy phép sử dụng súng săn đã cấp và kiểm tra, rà soát toàn bộ số súng săn đã cấp sử dụng. Đồng thời thông báo, vận động, tuyên truyền rộng rãi trong nhân dân không lưu hành, sử dụng các loại súng săn, súng tự chế dưới mọi hình thức.
    Tuy vậy, nhưng tình trạng sử dụng các loại súng tự chế trong nhân dân vẫn còn nhiều phức tạp, các cơ quan chức năng chưa giám sát hết được. Quá trình quản lý, thu hồi, kiểm tra, lực lượng Công an găp nhiều khó khăn: Súng săn trước đây Nhà nước cho phép đăng ký quản lý, nhưng lại chưa có chỉ đạo tiến hành thu hồi gây khó khăn cho công tác quản lý. Mặt khác, vẫn còn một bộ phận người dân, nhất là các đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống ở các vùng núi, biên giới vẫn tự ý chế tạo, mua bán, dùng súng săn để săn bắn nên việc phát hiện, thu giữ gặp rất nhiều khó khăn. Theo thống kê của Công an các đơn vị, địa phương, hiện nay số súng săn các loại (bao gồm cả súng tự chế) là 80.222 khẩu. Như vậy nguồn súng săn hiện ở nước ta tương đối lớn, nếu không có biện pháp quản lý chặt chẽ đồng bộ sẽ dẫn đến phức tạp, khó kiểm soát, ảnh hưởng đến việc đảm bảo an ninh, trật tự. 
    Theo chức năng, nhiệm vụ, Bộ Công an đã tham mưu cho Chính phủ và các bộ, ban, ngành ban hành các văn bản và tiến hành các biện pháp quản lý vũ khí, vật liệu nổ, trong đó có các loại súng tự chế, bao gồm cả súng săn. Đã đề xuất Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 902/CT-TTG ngày 25/6/2009 về tăng cường quản lý vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ đảm bảo an ninh trật tự trong tình hình mới. Đồng thời tăng cường chỉ đạo công tác quản lý vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ. Tổ chức các đợt tập trung vận động nhân dân giao nộp vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ mà đặc biệt là súng săn, súng tự chế; từ đầu năm đến nay đã thu hồi qua các vụ án và vận động nhân dân giao nộp 268 khẩu súng các loại. Hiện nay, Bộ Công an đã nghiên cứu xây dựng và trình Uỷ ban Thường vụ Quốc hội dự thảo pháp lệnh về quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ; trong đó, có quy định cấm sản xuất, mua bán, tàng trữ, sử dụng súng săn.

Người trả lời: Bộ Công an