Hỏi đáp trực tuyến

Thực trạng tình hình tội phạm và giải pháp đấu tranh ngăn chặn

Người gửi: Đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Kiên Giang tại kỳ họp thứ 4 – Quốc hội khoá XIII

“Thực trạng tình hình các loại tội phạm, các vi phạm ngày càng gia tăng và nhiều vụ xảy ra rất nghiêm trọng trong các lĩnh vực trên toàn quốc đã làm cho lòng dân không yên tâm. Với vai trò tham mưu nòng cốt cho Đảng, Nhà nước, Bộ trưởng có giải pháp gì có tính đột phá mạnh mẽ hơn để từng bước giảm được các loại vi phạm, tội phạm”.
 

Ngày hỏi: 28/11/2017 Lượt xem: 15582

Câu trả lời

Trong Báo cáo số 278/BC-CP, ngày 16/10/2012 của Chính phủ về công  tác phòng ngừa, chống vi phạm pháp luật và tội phạm năm 2012 đã gửi các đại biểu Quốc hội tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khoá XIII và Báo cáo tóm tắt do Bộ trưởng Bộ Công an, Thừa uỷ quyền Thủ tướng Chính phủ trình bày trước Quốc hội trong phiên họp ngày 22/10/2012 đã phân tích, đánh giá cụ thể về tình hình, nguyên nhân và đề xuất các giải pháp phòng, chống vi phạm pháp luật, tội phạm.
Tình hình tội phạm trong năm 2012 tuy đã được kiềm chế (giảm 1,37% về số vụ), nhưng còn diễn biến phức tạp, một số loại tội phạm do có chiều hướng gia tăng, có lúc, có nơi gây tâm lý lo lắng trong nhân dân như ý kiến của Đại biểu đã nêu.
Năm 2012, Bộ Công an đã tham mưu với Đảng, Chính phủ ban hành nhiều văn bản chỉ đạo (Ban Bí thư Trung ương ban hành Chỉ thị số 09-CT/TW, ngày 01/12/2011 về "Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với phong trào toàn dân bảo vệ an ninh tổ quốc trong tình hình mới" và Chỉ thị số 18-CT/TW, ngày 04/9/2012 về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông đường bộ, đường sắt, đường thuỷ nội địa và khắc phục ùn tắc giao thông”; Chính phủ ban hành Nghị định số 25/2012/NĐCP, ngày 05/4/2012 quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công vụ hỗ trợ… Thủ tướng Chính phủ ban hành các Nghị định, Nghị quyết, Chỉ thị… giải quyết các vấn đề nổi lên về an ninh, trật tự an toàn xã hội), nhằm huy động sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị và toàn dân tham gia vào công tác phòng, chống tội phạm.
Lực lượng Công an đã thực hiện tốt vai trò nòng cốt, triển khai đồng bộ các biện pháp đấu tranh trấn áp các loại tội phạm; liên tiếp mở các đợt tấn công trấn áp tội phạm trong toàn quốc, theo từng tuyến, chuyên đề, giải quyết có hiệu quả các vấn đề phức tạp nổi lên, góp phần kiềm chế sự gia tăng của tội phạm. Số vụ án và bị can, lực lượng Công an đã khởi tố, điều tra tăng hơn so với năm 2011 (khởi tố điều tra 40.166 vụ, tăng 8,27%; 68.570 bị can, tăng 11,82%); tỉ lệ điều tra, khám phá án đạt cao (đạt 75,43%); số băng, nhóm tội phạm bị triệt phá tăng 6,22%. Hầu hết các vụ án đặc biệt nghiêm trọng, được dư luận quan tâm đã được điều tra, xử lý kịp thời. Một số loại tội phạm giảm,  như tội phạm giết người giảm 0,6%; trộm cắp tài sản giảm 9,07%; tàng trữ, buôn bán vũ khí, vật liệu nổ giảm 20,67%, gây rối trật tự công cộng giảm 12,9%; số vụ phạm tội có tổ chức giảm 5,5%...
Song song với những giải pháp mang tính quyết liệt, đột phá đã triển khai thực hiện, Bộ Công an đã và đang tiếp tục triển khai đồng bộ các biện pháp, kết hợp chặt chẽ giữa phòng ngừa xã hội và phòng ngừa nghiệp vụ, tập trung trấn áp tội phạm, cụ thể là:
- Tập trung tham mưu với Đảng, Chính phủ, cấp uỷ, chính quyền các cấp chỉ đạo đẩy mạnh thực hiện Chỉ thị số 48-CT/TW, ngày 22/10/2010 của Bộ Chính trị về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tội phạm trong tình hình mới”; Chỉ thị số 21-CT/TW, ngày 26/3/2008 của Bộ chính trị về “Tiếp tục tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng, chống và kiểm soát ma tuý trong tình hình mới”; Chỉ thị số 09-CT/TW, ngày 01/12/2011 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc trong tình hình mới”, nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị, quần chúng nhân dân và vai trò nòng cốt của lực lượng Công an nhân dân trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, đảm bảo an ninh, trật tự.
- Chỉ đạo tăng cường các biện pháp đấu tranh phòng, chống tội phạm; mở các đợt cao điểm tấn công trấn áp tội phạm nổi lên trên các tuyến, lĩnh vực, địa bàn trọng điểm. Tiếp tục tăng cường công tác quản lý nhân khẩu, hộ khẩu; kiểm tra, xử lý vi phạm đối với các cơ sở kinh doanh có điều kiện về an ninh, trật tự… Triển khai thực hiện Pháp lệnh Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ; mở đợt cao điểm đẩy mạnh các hình thức tuyên truyền, vận động nhân dân giao nộp vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ.
- Phối hợp với các cấp, ngành, đoàn thể quần chúng nắm tình hình và xử lý  mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân ngay từ cơ sở để phòng ngừa, ngăn chặn các trọng án do nguyên nhân xã hội, nhất là các vụ giết người, cố ý gây thương tích do mâu thuẫn, thù tức cá nhân; triển khai thực hiện các chương trình, nghị quyết, thông tư liên tịch nhằm nâng cao hiệu quả phòng ngừa tội phạm, giáo dục các đối tượng có nguy cơ cao về tội phạm, vi phạm pháp luật hoặc bị tội phạm xâm hại, nhất là trong thanh thiếu niên, học sinh, sinh viên, trẻ em; đẩy mạnh các phong trào xây dựng khu dân c¬ư văn hoá; xây dựng phong trào quần chúng tham gia phòng, chống tội phạm, bảo vệ an ninh Tổ quốc.
- Báo cáo Chính phủ phê duyệt và chỉ đạo triển khai Đề án tăng cường toàn diện cho Công an cấp huyện, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới, đảm bảo đấu tranh phòng chống tội phạm, bảo vệ an ninh, trật tự có hiệu quả ngay từ địa bàn cơ sở.
- Tăng cường chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương tổng kết thực tiễn, hoàn thiện cơ sở pháp lý về phòng, chống các loại tội phạm và tệ nạn xã hội; tích cực phối hợp với cơ quan có thẩm quyền nghiên cứu, đề xuất sửa đổi quy định chế tài xử lý hình sự, hành chính cho phù hợp, đảm báo tính giáo dục, răn đe người vi phạm.
Bộ Công an xin cảm ơn sự quan tâm của Đại biểu./.
 

Người trả lời: Về vấn đề này, Bộ Công an xin trả lời như sau