Hỏi đáp trực tuyến

Về ban hành các giải pháp trong cấp thủ tục cư trú của Việt kiều Campuchia về sống tại Việt Nam

Người gửi: Cử tri tỉnh Tây Ninh

Sớm ban hành giải pháp giải quyết tình trạng một số người dân là Việt kiều Campuchia về sống tại Việt Nam chưa được cấp sổ hộ khẩu thường trú nên không được cấp Chứng minh nhân dân, làm giấy khai sinh nên ảnh hưởng đến việc đi học của các em học sinh, xin việc làm của một số người dân tại các công ty, xí nghiệp.

Ngày hỏi: 28/11/2017 Lượt xem: 10044

Câu trả lời

Trong những năm gần đây, tình hình số hộ dân sinh sống tại Campuchia (đa phần là người gốc Việt, Việt kiều Campuchia) di cư tự do về Việt Nam sinh sống ở một số huyện của các tỉnh giáp biên giới có xu hướng gia tăng. Hầu hết những người này di cư về biên giới 10 tỉnh có chung đường biên giới với Campuchia, như: Kiên Giang, An Giang, Đồng Tháp, Tây Ninh, Bình Phước, Đắc Nông, Đắc Lắc, Gia Lai, Kon Tum. Một số ít di chuyển sâu vào TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương, Cà Mau, Đồng Nai…; tại Tây Ninh có 768 hộ, 4.516 nhân khẩu là người Việt từ Campuchia di cư tự do về sống ở khu vực dọc biên giới.

Trước tình hình trên, để góp phần bảo đảm an ninh, trật tự tại khu vực biên giới giáp với Campuchia và bảo đảm cuộc sống cho những hộ dân Campuchia di cư tự do về Việt Nam sinh sống, Bộ Công an đã ban hành Kế hoạch 198/KH-BCA ngày 19/6/2014 về việc giải quyết giấy tờ pháp lý cho Việt kiều Campuchia; thành lập tổ công tác đặc biệt giải quyết thường trú cho Việt kiều Campuchia; chỉ đạo Công an các tỉnh biên giới giáp Campuchia chủ động tham mưu với cấp ủy, chính quyền chỉ đạo các ban, ngành tham gia rà soát, thống kê, phân loại số hộ dân Campuchia di cư tự do về Việt Nam sinh sống và hướng dẫn họ làm thủ tục cần thiết để được cấp các giấy tờ về nhân thân, cũng như hỗ trợ, tạo mọi điều kiện cho các trường hợp này có cuộc sống ổn định.

Tại Tây Ninh, lực lượng Công an đã giải quyết đăng ký thường trú cho 249 hộ, 1549 nhân khẩu. Hiện nay, còn 2.970 nhân khẩu chưa được đăng ký thường trú vì số người này trở về Việt Nam bằng con đường không chính thức; trước khi về Việt Nam họ không đến cơ quan đại diện Việt Nam tại Campuchia xin các giấy tờ chứng thực là công dân Việt Nam và không có khả năng trở về Campuchia hoặc về quê quán, nơi sinh xin xác nhận các loại giấy tờ chứng minh nhân thân, quốc tịch... Do vậy, khi trở về Việt Nam, mặc dù chính quyền địa phương rất quan tâm, nhưng do không có nhà cửa, đất đai, nhiều hộ phải sống trên ghe, thuyền lưu động... nên Công an cơ sở gặp khó khăn trong việc cấp sổ hộ khẩu nói riêng, công tác đăng ký, quản lý cư trú nói chung.

Để chủ động giải quyết đăng ký thường trú cho các hộ dân Campuchia di cư về Việt Nam sinh sống, Bộ Công an đã phối hợp với Bộ Tư pháp xây dựng tiểu Đề án giải quyết các vấn đề quốc tịch, hộ tịch, hộ khẩu do Bộ Tư pháp chủ trì trình Chính phủ phê duyệt; đồng thời, chỉ đạo Công an các địa phương có chung đường biên giới với Campuchia tiếp tục phối hợp với các ban, ngành rà soát, thống kê, lập danh sách, phân loại số hộ di cư tự do từ Campuchia về Việt Nam sinh sống để có biện pháp giải quyết cụ thể.

Người trả lời: Bộ Công an