Hỏi đáp trực tuyến

Tình hình và giải pháp phòng, chống tội phạm xâm hại tình dục trẻ vị thành niên và các loại tội phạm hiếp dâm mà người bị hại là trẻ vị thành niên

Người gửi: Đại biểu Võ Thị Dung, Đoàn Đại biểu Quốc hội TP. Hồ Chí Minh

Bộ Công an nhận được chất vấn của Đại biểu Võ Thị Dung, Đoàn Đại biểu Quốc hội TP. Hồ Chí Minh về tình hình và các giải pháp phòng, chống tội phạm xâm hại tình dục trẻ vị thành niên và các loại tội phạm hiếp dâm mà người bị hại là trẻ vị thành niên. Bộ Công an có một số ý kiến giải trình như sau:

Ngày hỏi: 28/11/2017 Lượt xem: 15928

Câu trả lời

1. Theo thống kê của lực lượng Công an trong 10 tháng đầu năm 2011, cả nước đã xảy ra 739 vụ xâm hại tình dục đối với người vị thành niên (giảm 3,2% so với cùng kỳ năm 2010 và chiếm 60% số vụ xâm hại trẻ em), với 757 đối tượng và 727 nạn nhân bị xâm hại; trong đó, hiếp dâm trẻ em 368 vụ (giảm 2,5%), dâm ô với trẻ em 70 vụ (giảm 31%), giao cấu với trẻ em 291 vụ (tăng 19,7%), cưỡng dâm trẻ em 10 vụ (bằng số vụ xảy ra so với 2010).


Nhìn chung, tình hình tội phạm liên quan đến xâm hại tình dục người vị thành niên còn diễn biến phức tạp. Đáng chú ý là tình trạng loạn luân (bố đẻ hiếp dâm con gái nhiều lần; bố dượng hiếp dâm con gái riêng của vợ; anh trai hiếp dâm em gái…) đang có chiều hướng gia tăng, phản ánh những hiện tượng tâm lý xã hội không bình thường; số trẻ em ít tuổi bị xâm hại tình dục có chiều hướng gia tăng; đối tượng xâm hại tình dục trẻ em đa số là người có quan hệ gần gũi với nạn nhân, trong đó có cả người nước ngoài đến Việt Nam du lịch, kinh doanh; phương thức, thủ đoạn phạm tội ngày càng đa dạng và nghiêm trọng hơn, thậm chí một số đối tượng lợi dụng sự mê tín dị đoan để xâm hại tình dục trẻ em; cho trẻ em uống rượu say, uống thuốc lắc để xâm hại tình dục.

 
Nguyên nhân của tình trạng trên là do tác động của mặt trái nền kinh tế thị trường; sự du nhập của lối sống thực dụng, sa đoạ từ các nước phương Tây; sự xuống cấp của đạo đức xã hội; trách nhiệm phối hợp quản lý, giáo dục và tuyên truyền của xã hội, nhà trường và gia đình chưa cao; nhận thức pháp luật của một bộ phận người dân còn hạn chế; khả năng nhận thức, phòng vệ và tự vệ của nạn nhân còn non nớt; công tác phát hiện, tố giác tội phạm hiện nay còn gặp nhiều khó khăn, thậm chí có cả thái độ bất hợp tác từ phía nạn nhân và gia đình nạn nhân; một số tội danh chế tài xử lý chưa đủ sức răn đe tội phạm…


2. Trước tình hình trên, Bộ Công an đã tiếp tục tham mưu cho Chính phủ đẩy mạnh thực hiện Chương trình quốc gia phòng chống tội phạm, trong đó có Đề án về đấu tranh phòng chống tội phạm liên quan đến xâm hại phụ nữ, trẻ em (Đề án IV); đồng thời phối hợp với Trung ương Hội phụ nữ Việt Nam đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết liên tịch số 01 giữa 2 ngành về phối hợp quản lý, giáo dục con em trong gia đình không phạm tội và tệ nạn xã hội; với Mặt trận Tổ quốc các cấp đẩy mạnh thực hiện Đề án tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia phòng chống tội phạm, cảm hóa giáo dục người phạm tội tại gia đình và cộng đồng dân cư; với Trung ương Đoàn thanh niên về đẩy mạnh tuyên truyền với nhiều hình thức phong phú, đa dạng…

 
Lực lượng Công an đã liên tục tổ chức các đợt cao điểm tấn công trấn áp tội phạm trên phạm vi toàn quốc, tập trung điều tra làm rõ và phối hợp với các ngành xét xử nghiêm minh trước pháp luật đối với các vụ việc xâm hại tình dục, hiếp dâm trẻ em.


3. Thời gian tới, tình hình tội phạm xâm hại tình dục trẻ em sẽ còn diễn biến phức tạp. Để chủ động phòng ngừa, ngăn chặn và đấu tranh có hiệu quả với tội phạm xâm hại tình dục trẻ em, Bộ Công an sẽ tập trung triển khai đồng bộ, quyết liệt các giải pháp sau:


- Tiếp tục tham mưu cho Chính phủ đẩy mạnh thực hiện Chương trình quốc gia phòng chống tội phạm, trong tâm là Đề án IV về đấu tranh phòng chống tội phạm xâm hại phụ nữ, trẻ em; Chương trình hành động phòng chống mua bán người… nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị trong phòng ngừa, đấu tranh với loại tội phạm này.


- Tăng cường phối hợp đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nhằm nâng cao ý thức và phát huy trách nhiệm của cộng đồng xã hội, gia đình, nhà trường đối với việc quản lý, giáo dục và chăm sóc trẻ em. Chủ động phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo đưa bộ môn giáo dục công dân, giáo dục giới tính vào chương trình giáo dục bắt buộc đối với học sinh, sinh viên ngay từ sớm nhằm nâng cao nhận thức và khả năng tự vệ từ chính phía đối tượng có nguy cơ bị xâm hại. Thường xuyên phổ biến những phương thức, thủ đoạn phạm tội và các vụ việc xảy ra để người dân và tự bản thân trẻ em nâng cao ý thức phòng ngừa; hướng dẫn cho quần chúng nhân dân, đặc biệt là trẻ em một số biện pháp phòng, chống tội phạm xâm hại tình dục trẻ em. Thiết lập các đường dây “nóng”, hòm thư tố giác tội phạm để tiếp nhận mọi thông tin, tài liệu liên quan đến các vụ việc xâm hại tình dục trẻ em.


- Tổ chức rà soát, phân loại số trẻ em lang thang có nguy cơ cao bị xâm hại tình dục để phối hợp với các lực lượng bảo vệ, chăm sóc trẻ em và hội phụ nữ để đưa trẻ em về đoàn tụ với gia đình và phân công các đơn vị, cá nhân có trách nhiệm giúp đỡ, tư vấn pháp lý, tâm lý, vận động các tổ chức xã hội, các doanh nghiệp, những người hảo tâm… hỗ trợ vật chất và tinh thần đối với các gia đình có trẻ em gái bị xâm phạm tình dục thuộc hộ nghèo, cận nghèo. Phối hợp với ngành Lao động Thương binh và Xã hội thực hiện có hiệu quả Thông tư số 23/2010/TT-LĐTB&XH ngày 06/08/2010 của Bộ Lao động thương binh và Xã hội về quy định quy trình can thiệp, trợ giúp trẻ em bị bạo lực, bị xâm hại tình dục.


- Chỉ đạo lực lượng Công an các đơn vị địa phương đẩy mạnh các mặt công tác nghiệp vụ, tập trung làm tốt công tác nắm tình hình, nhất là tình hình tội phạm liên quan đến xâm hại tình dục trẻ em; các gia đình có trẻ em có hoàn cảnh kinh tế khó khăn, bố mẹ ly thân, ly hôn, đang bị đi tù hoặc đang mắc bệnh hiểm nghèo…; tăng cường quản lý chặt chẽ các ngành nghề kình doanh có điều kiện (khách sạn, nhà nghỉ, quán bar, quán Internet…); tổ chức quản lý chặt chẽ các loại đối tượng, nhất là các đối tượng có điều kiện, khả năng phạm tội xâm hại tình dục trẻ em; đối tượng có tiền án, tiền sự về tội xâm hại tình dục trẻ em…, từ đó chủ động có kế hoạch phòng ngừa, kịp thời ngăn chặn các vụ việc phạm tội xảy ra.


- Nâng cao chất lượng công tác phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm xâm hại tình dục trẻ em. Đối với các vụ việc đã xảy ra, tập trung làm tốt công tác động viên, tư tưởng đối với nạn nhân và gia đình nạn nhân; huy động lực lượng, phương tiện khẩn trương thu thập đầy đủ tài liệu, chứng cứ chứng minh tội phạm để điều tra làm rõ toàn bộ hành vi phạm tội và mở rộng điều tra (nếu có); phối hợp chặt chẽ với Viện Kiểm sát, Tòa án nhanh chóng đưa vụ án ra xét xử công khai, nghiêm minh trước pháp luật nhằm răn đe, giáo dục tội phạm. Đối với các vụ việc xảy ra nhưng còn tồn đọng, chưa giải quyết, sẽ tổ chức rà soát, hệ thống lại và tập trung lực lượng, phương tiện đẩy nhanh tiến độ điều tra, không để vụ việc phức tạp, kéo dài, gây phức tạp tình hình ANTT tại địa bàn cơ sở.


- Thường xuyên tập huấn, bồi dưỡng nâng cao năng lực và kỹ năng điều tra các vụ án xâm hại tình dục trẻ em, đáp ứng yêu cầu công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm nói chung và phòng, chống tội phạm xâm hại tình dục trẻ em nói riêng trong tình hình mới./.


 

Người trả lời: Bộ Công an