Hỏi đáp trực tuyến

Về việc đề nghị tăng khung hình phạt đối với một số loại tội phạm

Người gửi: Cử tri

Tình trạng vi phạm pháp luật, coi thường kỷ cương, côn đồ chống người thi hành công vụ, lâm tặc tàn phá rừng, khai thác khoáng sản… đặc biệt là đối tượng vị thành niên có xu hướng gia tăng cả về số lượng và mức độ, tính chất vi phạm, nhưng khung hình phạt còn thấp, các biện pháp chế tài chưa đủ sức răn đe, đề nghị tăng khung hình phạt cao hơn và thêm chức năng, nhiệm vụ, công cụ hỗ trợ cho những lực lượng thi hành từng nhiệm vụ.

Ngày hỏi: 28/11/2017 Lượt xem: 5558

Câu trả lời

1. Về đề nghị tăng hình phạt đối với tội chống người thi hành công vụ, phá rừng, khai thác khoáng sản…, đặc biệt là đối tượng vị thành niên.

- Theo quy định của Bộ luật hình sự năm 1999 (được sửa đổi, bổ sung năm 2009), tội chống người thi hành công vụ được quy định tại Điều 275, với mức hình phạt nhẹ nhất là cải tạo không giam giữ (6 tháng), và mức hình phạt nặng nhất là tù có thời hạn (7 năm). Hành vi chống người thi hành công vụ còn là tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự cho một số tội phạm như tội giết người quy định tại Điều 93 (giết người đang thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân, với mức hình phạt cao nhất là tử hình); tội đe dọa giết người quy định tại Điều 103 (đe dọa giết người thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân, với mức hình phạt cao nhất là 7 năm tù); tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác quy định tại Điều 104 (phạm tội để cản trở người thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân, với mức hình phạt cao nhất là tù chung thân); tội lây truyền HIV cho người khác quy định tại Điều 117 (phạm tội đối với người thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân, với mức hình phạt cao nhất là 7 năm tù); tội cố ý truyền HIV cho người khác quy định tại Điều 118 (phạm tội đối với người thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân, với mức hình phạt cao nhất là tù chung thân); tội làm nhục người khác quy định tại Điều 121 (phạm tội đối với người thi hành công vụ, với mức hình phạt cao nhất là 3 năm tù); tội vu khống quy định tại Điều 122 (phạm tội đối với người thi hành công vụ, với mức hình phạt cao nhất là 3 năm tù); tội bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật, quy định tại Điều 123 (phạm tội đối với người thi hành công vụ, với mức hình phạt cao nhất là 5 năm tù)…

Những quy định trong Bộ luật hình sự năm 1999 cho thấy Nhà nước ta có thái độ nghiêm khắc đối với hành vi chống người thi hành công vụ. Tuy nhiên, thực tiễn thời gian qua cho thấy, hành vi chống người thi hành công vụ có chiều hướng gia tăng cả về số lượng và tính chất nghiêm trọng, ảnh hưởng xấu đến hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước. Trong các nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, có nguyên nhân là do áp dụng pháp luật chưa nghiêm khắc, chính xác và thống nhất. Để góp phần khắc phục tình trạng trên, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Công an đã chủ trì phối hợp với Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao, Bộ Tư pháp xây dựng dự thảo thông tư liên tịch hướng dẫn áp dụng Điều 257 Bộ luật hình sự về “Tội chống người thi hành công vụ” để thực hiện thống nhất; đề xuất sửa đổi, bổ sung Điều 257 Bộ luật hình sự theo hướng tăng mức hình phạt đối với tội chống người thi hành công vụ; kịp thời triển khai thực hiện có hiệu quả Pháp lệnh về quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ, nhất là các quy định về xử lý các hành vi vi phạm về mua bán, tàng trữ, sử dụng trái phép các loại vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ; về sử dụng vũ khí, công cụ hỗ trợ phục vụ công tác đảm bảo an ninh, trật tự, qua đó tạo điều kiện cho việc áp dụng pháp luật được chính xác, thống nhất. Về lâu dài khi sửa đổi, bổ sung Bộ luật Hình sự sẽ đề xuất có những quy định phù hợp hơn để đáp ứng yêu cầu xử lý tội phạm chống người thi hành công vụ.

- Về hành vi phạm tội phá rừng, khai thác khoáng sản: Theo quy định của Bộ luật hình sự năm 1999, hành vi phạm tội phá rừng, tùy từng trường hợp mà bị xử lý về tội hủy hoại rừng quy định tại Điều 189, tội vi phạm các quy định về khai thác và bảo vệ rừng quy định tại Điều 175 hoặc về tội vi phạm quy định về quản lý rừng quy định tại Điều 176. Theo đó, hành vi phạm tội hủy hoại rừng có thể bị phạt đến 15 năm tù, hành vi phạm tội vi phạm các quy định về khai thác và bảo vệ rừng có thể bị phạt đến 10 năm tù, hành vi phạm tội vi phạm quy định về quản lý rừng có thể bị phạt đến 12 năm tù. Hành vi phạm tội khai thác khoáng sản được quy định tại Điều 172 Bộ luật hình sự năm 1999, với hình phạt cao nhất là 10 năm tù. Như vậy, hình phạt quy định đối với các hành vi phạm tội phá rừng và khai thác khoáng sản khá nghiêm khắc. Tuy nhiên, thực tiễn cho thấy hành vi vi phạm các quy định về quản lý và bảo vệ rừng, quản lý khoáng sản ngày càng diễn biến phức tạp, tốc độ rừng bị tàn phá không ngừng gia tăng, nguồn tài nguyên, khoáng sản ngày càng cạn kiệt, gây hậu quả nghiêm trọng cho môi trường sinh thái. Bộ Công an cho rằng, để nâng cao hiệu quả công tác bảo vệ rừng, quản lý tài nguyên, khoáng sản thì biện pháp quan trọng là cần nâng cao ý thức, trách nhiệm và hiệu quả quản lý, bảo vệ rừng, tài nguyên, khoáng sản của các cấp, các ngành, chính quyền địa phương, nâng cao trách nhiệm và năng lực của các lực lượng làm công tác phòng, chống vi phạm pháp luật về quản lý, bảo vệ rừng, tài nguyên, khoáng sản. Tuy nhiên, việc quy định tăng nặng trách nhiệm hình sự cũng là một biện pháp góp phần nâng cao hiệu quả phòng, chống tội phạm. Vì vậy, Bộ Công an xin ghi nhận kiến nghị của cử tri để có đề nghị thích hợp trong quá trình tham gia xây dựng Bộ luật Hình sự sửa đổi lần này.

- Đối với đề nghị tăng nặng trách nhiệm hình sự đối với người chưa thành niên phạm tội: Xuất phát từ nguyên tắc nhân đạo xã hội chủ nghĩa và đặc điểm phát triển tâm sinh lý của người chưa thành niên, Bộ luật hình sự đã có các quy định riêng đối với người chưa thành niên phạm tội. Theo đó, việc xử lý người chưa thành niên phạm tội chủ yếu nhằm giáo dục, giúp đỡ họ sửa chữa sai lầm, phát triển lành mạnh và trở thành công dân có ích cho xã hội; việc truy cứu trách nhiệm hình sự người chưa thành niên phạm tội và áp dụng hình phạt đối với họ được thực hiện chỉ trong trường hợp cần thiết và phải căn cứ vào tính chất của hành vi phạm tội, vào đặc điểm về nhân thân và yêu cầu của việc phòng ngừa tội phạm; không xử phạt tù chung thân, tử hình, hình phạt bổ sung đối với người chưa thành niên phạm tội… Tuy nhiên, thực tiễn gần đây cho thấy tình hình tội phạm do người chưa thành niên thực hiện có chiều hướng gia tăng cả về số lượng và tính chất, mức độ nghiêm trọng. Bộ Công an cho rằng, để hạn chế sự gia tăng tội phạm do người chưa thành niên thực hiện, biện pháp quan trọng là cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục ý thức chấp hành pháp luật, thực hiện lối sống có văn hóa, lành mạnh, nâng cao trách nhiệm của nhà trường, gia đình trong việc quản lý, giáo dục người chưa thành niên; quản lý chặt chẽ các điểm kinh doanh trò chơi trực tuyến, quán bar, karaoke và các lĩnh vực, cơ sở kinh doanh, dịch vụ nhạy cảm khác để kịp thời ngăn chặn, loại trừ các nguyên nhân, điều kiện vi phạm pháp luật của người chưa thành niên. Việc tăng nặng trách nhiệm hình sự là một trong những biện pháp nâng cao hiệu quả đấu tranh phòng, chống tội phạm. Tuy nhiên, việc quy định tăng nặng trách nhiệm hình sự đối với người chưa thành niên phạm tội là vấn đề lớn, do vậy Bộ Công an xin ghi nhận kiến nghị của cử tri để có đề nghị thích hợp trong quá trình tham gia xây dựng Bộ luật hình sự sửa đổi lần này.

2. Về đề nghị thêm chức năng, nhiệm vụ, công cụ hỗ trợ cho những lực lượng thi hành công tác phòng, chống tội phạm.

Bộ Công an đã ban hành các quyết định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của từng lực lượng trong đấu tranh phòng, chống các loại tội phạm và vi phạm pháp luật. Qua ý kiến của cử tri, tới đây, Quốc hội sửa đổi, bổ sung Bộ luật hình sự, nếu tăng khung hình phạt và biện pháp chế tài đối với các hành vi vi phạm pháp luật trên, Bộ Công an sẽ điều chỉnh chức năng, nhiệm vụ của các lực lượng liên quan cho phù hợp để đáp ứng kịp thời công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, trong đó, có đề nghị tăng thẩm quyền cho điều tra viên, cán bộ, chiến sĩ làm nhiệm vụ điều tra, xử lý tội phạm và bảo đảm trật tự, an toàn xã hội...

Bộ Công an đã chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương tổ chức rà soát, xây dựng kế hoạch và thực hiện cải tiến, bổ sung, thay thế, trang bị các loại phương tiện, vũ khí, công cụ hỗ trợ cho lực lượng làm nhiệm vụ phòng, chống tội phạm, bảo đảm an ninh, trật tự. Hiện nay, trang thiết bị và điều kiện làm việc của lực lượng Công an nhân dân đã được cải thiện một bước, góp phần quan trọng nâng cao năng lực và sức mạnh chiến đấu, bảo vệ an ninh, trật tự của lực lượng Công an nhân dân. Tuy nhiên, việc trang bị các phương tiện hiện đại để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ đấu tranh phòng, chống tội phạm có hiệu quả hơn còn phụ thuộc vào sự phát triển kinh tế, cần phải có thời gian và lộ trình phù hợp./.

Người trả lời: Bộ Công an