Nguy cơ mất trộm các di sản văn hóa trên thế giới trong thời gian cách ly xã hội

23/04/2020
Hiệp hội bảo tàng quốc tế (ICOM) và Tổ chức Cảnh sát hình sự quốc tế (INTERPOL) khuyến nghị các biện pháp tăng cường an ninh tại các bảo tàng trong bối cảnh cuộc khủng hoảng y tế toàn cầu. Từ những ngày đầu xảy ra đại dịch COVID-19, 95% các bảo tàng trên thế giới buộc phải tạm đóng cửa để bảo vệ khách tham quan. Các biện pháp cách ly xã hội đã gây khó khăn lớn đối với các bảo tàng trong việc bảo vệ và đảm bảo an toàn các bộ sưu tập hiện có.

Hiệp hội bảo tàng quốc tế (ICOM) đã nhận được báo cáo các vụ trộm cắp xảy ra tại các bảo tàng ở Vương quốc Anh và Hà Lan. Điều đó cho thấy các bảo tàng cần phải chú ý nâng cấp và cải thiện hệ thống an ninh của mình.

Trong nhiều thập kỷ qua, ICOM và Ủy ban quốc tế về an ninh bảo tàng (ICMS) đã hỗ trợ các bảo tàng bằng các hoạt động tư vấn, cung cấp dịch vụ hỗ trợ liên quan đến nhân viên an ninh, hệ thống phát hiện xâm nhập, camera quan sát, liên lạc và báo cáo nội bộ.

Bên cạnh những hỗ trợ đã có, ICOM và INTERPOL khuyến nghị các bảo tàng triển khai hoặc nghiên cứu các biện pháp sau trong thời điểm hiện tại:

1. Kiểm tra hệ thống an ninh và báo động

Nếu các bảo tàng đã có sẵn hệ thống này, cần phải đánh giá tình hình an ninh tại địa bàn và triển khai các phương án bảo vệ cụ thể:

- Duy trì hoạt động bảo vệ liên tục 24/24 giờ (đảm bảo số lượng nhân viên đã được đào tạo trong các ca trực, lập danh sách ứng trực và thay thế khi cần thiết);

- Đảm bảo tất cả các hệ thống phát hiện xâm nhập, đặc biệt là camera quan sát và hệ thống báo động được triển khai toàn diện (cả bên trong lẫn bên ngoài bảo tàng liên tục 24/24 giờ). Nhân viên an ninh của bảo tàng cần thường xuyên kiểm tra các hệ thống này;

- Xây dựng quy trình để đảm bảo có sự liên lạc thường xuyên và thông suốt giữa các nhân viên an ninh và người đứng đầu các bộ phận trong bảo tàng (làm rõ trong trường hợp cần chia sẻ thông tin hoặc xảy ra sự cố thì báo cáo ai, trình tự báo cáo như thế nào,… và thường xuyên cập nhật danh sách liên lạc) cũng như các đối tác bên ngoài của bảo tàng (nếu bảo tàng sử dụng kho lưu trữ bên ngoài). 

2. Điều chỉnh các quy trình liên quan

Hầu hết các bảo tàng đều có các phương án đảm bảo an ninh. Thế nhưng, một cuộc khảo sát gần đây của ICOM liên quan tới đại dịch COVID-19 cho thấy khoảng 10% các bảo tàng ghi nhận các biện pháp đảm bảo an ninh bổ sung là chưa đủ. ICOM đặc biệt khuyến nghị các bảo tàng cần xem xét và điều chỉnh các quy trình hiện có để thích ứng với tình hình số lượng nhân viên bị giảm trong quá trình cách ly và cần phải niêm phong tại chỗ các hiện vật, cụ thể:

- Các cấp quản lý bảo tàng và nhân viên phụ trách an ninh phải xây dựng một danh sách cụ thể và rõ ràng các nhân viên được phép ra vào các khu vực nhất định;

- Nhân viên an ninh bảo tàng phải kiểm tra khu vực bên ngoài của bảo tàng và khuôn viên bên ngoài của các tòa nhà trong bảo tàng (đặc biệt là những nơi là điểm mù trên camera quan sát);

- Trong trường hợp cần thiết, bảo tàng cần phối hợp với lực lượng Cảnh sát phong tỏa hoặc hạn chế các phương tiện đi lại hoặc dừng đỗ tại các khu vực bên ngoài bảo tàng;

- Bảo tàng cần tránh các hoạt động dịch chuyển, sắp xếp lại các tác phẩm nghệ thuật;

- Nhân viên an ninh bảo tàng phải có báo cáo tổng thể lên các cấp quản lý bảo tàng một lần trong một tuần;

- Các cấp quản lý bảo tàng cần đảm bảo có một quy trình tuyên bố và ứng phó với các tình trạng khẩn cấp một cách rõ ràng trong bối cảnh hiện nay. Mặc dù đã áp dụng các biện pháp niêm phong, bảo tàng cần tính đến các phương án ứng phó khi xảy ra các hiện tượng tự nhiên (mực nước dâng cao, gió mạnh,…), các vụ hỏa hoạn, các sự cố về điện, các tác phẩm bị hư hỏng hoặc có nguy cơ bị phá hủy, các vụ trộm cắp, đột nhập…

3. Thiết lập liên lạc định kỳ với lực lượng Cảnh sát

Lực lượng Cảnh sát là lực lượng nằm trong tuyến đầu ứng phó với cuộc khủng hoảng COVID-19 hiện nay khi các biện pháp cách ly được coi là biện pháp tiên quyết để chống lại đại dịch này. ICOM và INTERPOL khuyến khích các cấp quản lý bảo tàng duy trì liên lạc chặt chẽ và trao đổi thông tin thường xuyên với lực lượng Cảnh sát sở tại.

Việc sử dụng đầu mối liên lạc để trao đổi thông tin thường xuyên và nhanh chóng là biện pháp hiệu quả được các tổ chức như ICOM, INTERPOL và các đối tác quốc tế như UNESCO, Tổ chức Hải quan quốc tế (WCO) và Tổ chức quốc tế về nhất thể hóa pháp luật tư (UNIDROIT) đang áp dụng. 

ICOM kêu gọi các bảo tàng đang là nạn nhân của nạn trộm cắp cần thông báo tới Văn phòng INTERPOL quốc gia và Đơn vị phụ trách theo dõi các tác phẩm nghệ thuật của INTERPOL để cảnh báo các quốc gia khác về các tác phẩm bị mất cắp, đồng thời cập nhật dữ liệu trên hệ thống toàn cầu nhằm hỗ trợ công tác truy tìm và thu hồi các tác phẩm này.  

“Lịch sử và văn hóa nhân loại được lưu giữ tại các bảo tàng. Hiện nay, hơn bất kỳ lúc nào, chúng ta cần đẩy mạnh và củng cố các biện pháp đảm bảo an ninh để bảo vệ các di sản văn hóa trước các cuộc tấn công của các loại tội phạm. INTERPOL cam kết mạnh mẽ trong cuộc chiến chống buôn bán bất hợp pháp các tài sản văn hóa – hoạt động có liên quan chặt chẽ đến tội phạm có tổ chức và tài trợ khủng bố”, ông Stephen Kavanagh, Giám đốc điều hành phụ trách các hoạt động Cảnh sát của INTERPOL cho hay.

4. Phối hợp với các tổ chức văn hóa khác đang gặp những thách thức và khó khăn tương tự

Trong tình hình đại dịch COVID-19 hiện nay, các tổ chức văn hóa như các di tích, quần thể văn hóa, thư viện và các công trình tôn giáo cũng gặp những khó khăn tương tự liên quan đến công tác an ninh. Do vậy, các cơ sở này cũng có thể áp dụng các biện pháp đảm bảo an ninh đã nêu ở trên. Đặc biệt, trong quá trình liên lạc với lực lượng Cảnh sát, các bảo tàng có thể tham vấn các cơ sở văn hóa trên địa bàn để tăng cường hoạt động giám sát, nhất là ở những khu vực có nhiều di sản văn hóa. 

5. Kêu gọi sự chung sức của người dân và cộng đồng địa phương 

Các bảo tàng là nền tảng xã hội quan trọng trong một cộng đồng. Tại những nơi bảo tàng nằm gần các khu dân cư thì cần thông báo cho các hộ dân đang thực hiện cách ly tại địa phương hỗ trợ phát hiện và báo tin cho lực lượng Cảnh sát về các phương tiện khả nghi hay các hoạt động bất thường trong hoặc xung quanh khu vực bảo tàng. Các bảo tàng cần cung cấp rõ ràng các thông tin liên lạc của cơ quan chức năng để người dân có thể thông báo khi có những hoạt động đáng ngờ xảy ra. Nhận thông tin nhanh chóng và ứng phó kịp thời là hai biện pháp phòng ngừa hiệu quả.

6. Chuẩn bị cho hoạt động trở lại

Mặc dù các bảo tàng hiện nay đang phải tích cực ứng phó với tình hình tạm đóng cửa trong thời gian cách ly nhưng ICMS khuyến khích các đơn vị cần bắt tay lên kế hoạch để mở cửa trở lại vào thời điểm thích hợp.

 

Bản quyền: INTERPOL
Tìm kiếm