Thừa Thiên - Huế: cần thiết ban hành hai dự án luật

10/03/2022
Ngày 10/3/2022, Công an tỉnh Thừa Thiên - Huế tổ chức buổi Tọa đàm Luận cứ khoa học và thực tiễn của việc xây dựng 2 dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở và Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ. Đại tá Nguyễn Thanh Tuấn, Bí thư Đảng ủy - Giám đốc Công an tỉnh chủ trì buổi tọa đàm.

Cùng tham dự tọa đàm, có đồng chí Lê Trường Lưu, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thừa Thiên - Huế; đồng chí Nguyễn Thị Sửu, Phó trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh cùng đại diện lãnh đạo của các sở, ban, ngành và 9 huyện, thị, thành phố….

Đồng chí Lê Trường Lưu phát biểu tại tọa đàm.

 

Tại buổi tọa đàm, Đại tá Đặng Ngọc Sơn, Phó Giám đốc Công an tỉnh đã trình bày nội dung dự thảo về 2 dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự (ANTT) ở cơ sở; Luật Trật tự, an toàn giao thông (TTATGT) đường bộ.

Liên quan đến những ý kiến, đóng góp về dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở, theo đại diện Công an tỉnh Thừa Thiên - Huế, những năm qua, tình hình ANTT ở địa bàn tỉnh cơ bản ổn định, tuy nhiên vẫn còn nổi lên một số tình hình như: một số vụ khiếu kiện còn kéo dài, tiềm ẩn phức tạp; tranh chấp, lấn chiếm đất đai. Một số loại tội phạm về trật tự xã hội như: trộm cắp tài sản, cố ý gây thương tích, tội phạm xâm hại phụ nữ, trẻ em, tội phạm sử dụng công nghệ cao để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản, đánh bạc… có thời điểm diễn biến phức tạp đã ảnh hưởng đến tình hình ANTT tại địa bàn cơ sở.

Việc triển khai có hiệu quả các biện pháp công tác công an từ cấp tỉnh tới cấp cơ sở đã cho thấy tính ưu việt của mô hình Công an bốn cấp. Đặc biệt, đóng góp chung vào thành tích đó, không thể không kể đến vai trò của các lực lượng tham gia bảo vệ ANTT tại các phường, xã, thị trấn, là những “cánh tay nối dài” đã hỗ trợ tích cực, đắc lực cho lực lượng Công an các cấp thời gian qua.

Giám đốc Công an tỉnh Thừa Thiên-Huế khẳng định, việc xây dựng 2 dự án Luật là rất cần thiết.

 

Cụ thể, từ năm 2016 đến tháng 7/2019, lực lượng Công an xã bán chuyên trách tại Thừa Thiên - Huế đã tiếp nhận 447 vụ, việc liên quan đến an ninh trật tự, xử lý theo thẩm quyền 322 vụ, việc; chuyển Công an cấp trên 96 vụ; chuyển các cơ quan khác giải quyết theo thẩm quyền 16 vụ; lập hồ sơ giáo dục tại xã, phường, thị trấn theo Nghị định số 111/NĐ-CP của Chính phủ (nay là Nghị định số 120/NĐ-CP của Chính phủ) 322 đối tượng, đưa vào cơ sở giáo dục, trường giáo dưỡng 24 đối tượng; tổ chức họp dân 1.642 buổi, với hơn 252.000 lượt người tham dự, đưa 514 đối tượng vi phạm ra kiểm điểm trước dân…

Riêng đối với lực lượng bảo vệ dân phố, từ năm 2016 đến 2021, lực lượng này đã cung cấp 1.750 tin có giá trị liên quan đến ANTT, giúp lực lượng Công an điều tra, khám phá 473 vụ phạm pháp hình sự, bắt hơn 485 đối tượng, vận động 19 đối tượng truy nã ra đầu thú, phối hợp giải quyết mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân trên 1.100 vụ việc…

Lực lượng bảo vệ ANTT ở cơ sở đóng vai trò quan trọng trong công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19.

 

Đối với dự án Luật TTATGT đường bộ, nhiều ý kiến tại tọa đàm cùng nêu quan điểm về sự cần thiết phải tách Luật Giao thông đường bộ thành Luật TTATGT đường bộ và Luật Đường bộ vì Luật Giao thông đường bộ năm 2008 còn nhiều hạn chế, bất cập. Trong đó, nêu rõ Luật hiện hành không quy định đầy đủ, cụ thể về các chế định bảo đảm TTATGT liên quan cần bổ sung như: giải quyết tai nạn giao thông; tổ chức, chỉ huy, điều khiển giao thông, giải quyết ùn tắc giao thông, giải quyết các vấn đề ANTT, sự kiện trên các tuyến giao thông; cưỡng chế chấp hành pháp luật về TTATGT. Trong nhiều vụ tai nạn giao thông, trách nhiệm chủ yếu thuộc về người lái xe gây tai nạn mà chưa gắn trách nhiệm của các cơ quan đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe…

Tại buổi tọa đàm, Công an tỉnh Thừa Thiên - Huế đã nhận được nhiều ý kiến đóng góp tâm huyết của các đồng chí trong Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thừa Thiên - Huế, các tham luận của các đơn vị nghiệp vụ, đại diện các sở, ban, ngành và các huyện, thị, thành phố. Tất cả các ý kiến đều cho rằng, việc xây dựng 2 Dự án Luật nói trên là rất cần thiết…

Đại tá Nguyễn Thanh Tuấn, Giám đốc Công an tỉnh cho biết, thực hiện Kết luận số 19-KL/TW ngày 14/10/2021 của Bộ Chính trị về định hướng Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV; Đề án số 292-ĐA/ĐĐQH15 ngày 20/10/2021 của Đảng đoàn Quốc hội về định hướng Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV (2021-2026), Bộ Công an, đơn vị được Chính phủ giao chủ trì xây dựng 2 Dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở; Luật TTATGT đường bộ đã khẩn trương hoàn thiện 2 Dự án Luật để trình Quốc hội trong các kỳ họp sắp tới.

Việc xây dựng 2 Dự án Luật nhằm thể chế hóa chủ trương, chính sách của Đảng, hoàn thiện hệ thống pháp luật của Nhà nước, tạo cơ sở pháp lý để đảm bảo thực thi tốt hơn quyền con người, quyền công dân theo quy định của Hiến pháp năm 2013, đáp ứng yêu cầu bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội trong tình hình mới, phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội trong điều kiện xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế hiện nay.

Hải Lan
Tìm kiếm