Bộ Công an: Họp Ban soạn thảo, Tổ biên tập Dự án Pháp lệnh Cảnh sát môi trường

07/03/2014
Ngày 07/3/2014, tại Hà Nội, Bộ Công an tổ chức cuộc họp Ban soạn thảo, Tổ biên tập Dự án Pháp lệnh Cảnh sát môi trường (CSMT). Đại tướng GS.TS Trần Đại Quang, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an, Trưởng Ban soạn thảo chủ trì cuộc họp. Tham dự cuộc họp còn có Thượng tướng, PGS.TS Bùi Văn Nam, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an, Phó trưởng Ban soạn thảo; đồng chí Phan Xuân Dũng, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội…

Qua 25 năm thực hiện công cuộc đổi mới, tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật trong lĩnh vực quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, an toàn thực phẩm đang diễn ra hết sức phức tạp. Lực lượng CSMT – Bộ Công an sau 7 năm thành lập và hoạt động, đã phát hiện, điều tra, xử lý hơn 40 nghìn vụ vi phạm pháp luật nghiêm trọng về môi trường và an toàn thực phẩm; xử phạt vi phạm hành chính hơn 400 tỷ đồng, chuyển cơ quan điều tra xử lý hình sự 1023 vụ, 1895 đối tượng.

Tuy nhiên, lực lượng CSMT cũng gặp nhiều khó khăn, vướng mắc, bất cập trong quá trình triển khai hoạt động như: Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật tạo cơ sở pháp lý cho công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật về môi trường còn thiếu đồng bộ, thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường của lực lượng CAND bị hạn chế; một số thẩm quyền của lực lượng CSMT mặc dù đã được quy định trong Nghị định 72/2010/NĐ-CP của Chính phủ, nhưng đến nay vẫn chưa có Thông tư hướng dẫn thực hiện; tình hình biên chế, tổ chức, đào tạo cán bộ,  cơ sở vật chất, trang bị, kinh phí và chế độ chính sách về cơ bản đã được quan tâm đầu tư nhưng so với tình hình thực tế vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu.

Để tiếp tục thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị do Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó, nhất là trong điều kiện nước ta còn phải đối mặt với nhiều nguy cơ, thách thức về bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự an toàn xã hội và bảo vệ môi trường, đòi hỏi các ngành, các cấp và đặc biệt là lực lượng CAND nói chung, lực lượng CSMT nói riêng tập trung thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ, trong đó có nội dung quan trọng là hoàn thiện cơ sở pháp lý vững chắc, toàn diện; kiện toàn về tổ chức, bộ máy, biên chế, đào tạo; đảm bảo kinh phí nhằm tăng cường năng lực cho hoạt động của lực lượng CSMT. Việc xây dựng và ban hành Pháp lệnh CSMT là yêu cầu cấp thiết hiện nay, phù hợp với quan điểm chỉ đạo của Đảng là xây dựng lực lượng CAND cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại.

Để phục vụ cho việc xây dựng dự án trên, Bộ Công an đã thành lập Ban soạn thảo, Tổ biên tập dự án; tiến hành tổng kết 7 năm hoạt động của lực lượng CSMT (từ 2006-2013); khảo sát thực tiễn công tác tổ chức hoạt động của lực lượng CSMT ở các đơn vị Trung ương và Công an một số địa phương trọng điểm; qua tổng kết và khảo sát thực tiễn đã làm rõ được những ưu, nhược điểm của công tác này thời gian qua, từ đó cung cấp các luận cứ thực tiễn cho việc xây dựng Pháp lệnh.

 

Bộ trưởng Trần Đại Quang và các đại biểu tham dự cuộc họp.



Theo đó, Dự thảo Pháp lệnh được xây dựng gồm 5 chương, 29 điều quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức; bảo đảm hoạt động và chế độ chính sách đối với lực lượng CSMT; trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.

Phát biểu kết luận tại cuộc họp, Bộ trưởng Trần Đại Quang khẳng định sự cấp thiết của việc xây dựng Pháp lệnh CSMT trong tình hình hiện nay, đồng thời hoan nghênh bộ phận thường trực Ban soạn thảo, Tổ Biên tập đã nhanh chóng thực hiện nhiều công việc để bước đầu hoàn thành dự thảo đưa ra lấy ý kiến. Bộ trưởng cũng đề nghị, các các đồng chí trong Ban soạn thảo, Tổ biên tập cần tiếp thu đầy đủ ý kiến tại cuộc họp lần này đối với các vấn đề về đối tượng, phạm vi điều chỉnh, mối quan hệ phối hợp, xác định rõ trách nhiệm tham gia của các ngành, các cấp… vào dự thảo; xây dựng dự án Pháp lệnh CSMT đảm bảo tiến độ đề ra, đạt chất lượng cao nhất…
 

Nam Dương
Tìm kiếm
Tin tức - Sự kiện
Liên kết website