Bộ Công an thực hiện Nghị định của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong Luật Giao thông đường bộ

20/11/2012
Nghị định 71/2012/NĐ-CP (Nghị định 71) sửa đổi bổ sung một số điểm của Nghị định số 34/2010/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong Luật Giao thông đường bộ. Nghị định 71 có hiệu lực từ ngày 10/11/2012. 

Thực hiện Nghị định của Chính phủ và chỉ đạo của Bộ Công an, từ ngày 10/11/2012 lực lượng Cảnh sát giao thông đã ra quân thực hiện việc kiểm tra, xử phạt theo nội dung Nghị định 71. Qua những ngày đầu thực hiện, báo chí phản ánh ý kiến dư luận xã hội. Bên cạnh ý kiến đồng tình, nhiều ý kiến tỏ ra bất ngờ với việc xử phạt và chưa đồng tình với việc xử phạt trong trường hợp chưa sang tên đổi chủ phương tiện; theo đó, Điểm c, khoản 6, Điều 33 Nghị định 34 (đã được sửa đổi, bổ sung) quy định: Phạt tiền từ 6.000.000 đồng đến 10.000.000. đồng đối với chủ xe ôtô, máy kéo, xe máy chuyên dùng và các loại xe tương tự ôtô không chuyển quyền sở hữu phương tiện theo quy định. Điểm e, Khoản 3, Điều 33 quy định: phạt tiền từ 800.000 đồng đến 1.200.000 đồng đối với chủ xe mô tô, xe gắn máy; các loại xe tương tự mô tô không chuyển quyền sở hữu phương tiện theo quy định. Có ý kiến đề nghị nên lùi thời hạn thực hiện quy định này để người dân có thời gian chuẩn bị, đồng thời giảm phí trước bạ, cải tiến thủ tục hành chính tạo điều kiện thuận lợi cho người dân thực hiện việc sang tên đổi chủ…

 

Thiếu tướng Đỗ Đình Nghị, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội phát biểu tại cuộc họp báo. Ảnh Tuấn Đạt


Để thực hiện nghiêm Nghị định của Chính phủ, đồng thời đảm bảo lợi ích cho người dân. Chiều 12/11/2012 tại Hà Nội, đại diện Tổng cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, Bộ Công an- Thiếu tướng Đỗ Đình Nghị, Phó Tổng cục trưởng đã có buổi gặp mặt các phóng viên báo chí trong và ngoài lực lượng Công an nhân dân. Tại buổi gặp mặt, sau khi giải đáp các câu hỏi của phóng viên xung quanh những thắc mắc của người tham gia giao thông khi thực hiện Nghị định 71. Đồng chí Phó Tổng cục trưởng nêu rõ:

 Mục tiêu của Nghị đinh 71 nhằm thiết chặt hơn nữa kỷ luật, kỷ cương về trật tự an toàn giao thông; nâng cao ý thức chấp hành luật của người tham gia giao thông qua đó giảm thiểu tai nạn giao thông. Thực hiện tốt Nghị định sẽ đảm bảo tốt hơn lợi ích của xã hội và người dân. Tăng mức phạt cao với các hành vi như: Phóng nhanh vượt ẩu, điều khiển phương tiện khi có nồng độ cồn trong máu quá quy định, mua bán xe không sang tên đổi chủ, chở quá số người quy định, không đội mũ bảo hiểm… là nhóm hành vi có nguy cơ dẫn đến TNGT là biện pháp cần thiết để răn đe, giáo dục người tham gia giao thông chấp hành luật tốt hơn, cũng như giảm TNGT.

Việc mua bán không sang tên đổi chủ gây khó khăn cho điều tra, giải quyết các vụ TNGT, án hình sự; thất thu thuế của Nhà nước, chưa kể tới việc “phạt nguội” (bằng máy quay phim, máy ánh…) các phương tiện vi phạm sau này. Tuy nhiên, việc xác định vi phạm “mua, bán xe không sang tên”  là rất khó khăn nên từ ngày thực hiện Nghị định đến thời điểm gặp mặt này, Cảnh sát giao thông chưa xử phạt một trường hợp nào về hành vi chưa sang tên đổi chủ.

Tổng cục cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội đã có Công điện 141 gửi đến tất cả Công an các địa phương để chỉ đạo hướng dẫn lực lượng Cảnh sát giao thông việc xử phạt lỗi không sang tên đổi chủ phương tiện. Theo đó, trong khi chờ Thông tư hướng dẫn của Bộ, việc xử lý hành vi vi phạm mua, bán xe không sang tên, cụ thể:

- Phát hiện, xác định rõ vi phạm  “mua, bán xe không sang tên” thì xử phạt trường hợp quá thời gian 30 ngày, kể từ ngày làm giấy tờ mua, bán nhưng chưa làm thủ tục sang tên, di chuyển, thay đổi đăng ký xe theo quy định.

- Khi tuần tra, kiểm soát phát hiện trường hợp có giấy đăng ký xe, nhưng tên của chủ xe không trùng với tên của người lái xe và người lái xe trình bày là xe đi mượn, đi thuê, xe của gia đình…thì không xử phạt hành vi vi phạm “mua, bán xe không sang tên”.
 
Về phí trước bạ còn cao, Thiếu tướng Đỗ Đình Nghị cho biết: Bộ Công an cũng đã tham mưu và đề xuất với Chính phủ phối hợp với Bộ Tài chính nghiên cứu đề nghị giảm lệ phí trước bạ thấp hơn nữa tạo điều kiện khuyến khích người dân thực hiện sang tên đổi chủ phương tiện.

Thiếu tướng Đỗ Đình Nghị mong rằng các cơ quan thông tin báo chí trong và ngoài lực lượng Công an tiếp tục phối hợp với các cơ quan chức năng của Bộ Công an để tuyên truyền sâu rộng hơn nữa về Nghị định 71 tới người dân; đồng thời phát hiện những vấn đề phát sinh, kịp thời giải thích, hướng dẫn để người dân nắm được, từ đó chấp hành đúng quy định của pháp luật, góp phần xây dựng nét đẹp trong văn hoá giao thông ở mỗi người dân./.
 


Trung tâm Thông tin báo chí Bộ Công an xin trích dẫn một số quy định để bạn đọc hiểu rõ hơn về trách nhiệm và những thủ tục cần thiết khi sang tên đổi chủ phương tiện giao thông đường bộ

Theo Thông tư số 36/2010/TT-BCA ngày 12 tháng 10 năm 2010 do Bộ Công an ban hành quy định về đăng ký xe

Về trách nhiệm của chủ xe
Điều 6 của Thông tư quy định: Chấp hành nghiêm chỉnh các quy định của pháp luật về đăng ký xe; có hồ sơ xe theo quy định và chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính hợp pháp của xe và hồ sơ đăng ký xe; đưa xe đến cơ quan đăng ký xe để kiểm tra và nộp lệ phí đăng ký, cấp biển số xe theo quy định. Trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày có quyết định điều chuyển, thay đổi địa chỉ hoặc bán, cho, tặng xe, tổ chức, cá nhân bán, cho, tặng, điều chuyển phải gửi thông báo theo mẫu số 01 ban hành kèm theo Thông tư này đến cơ quan đang quản lý hồ sơ xe đó để theo dõi; trường hợp sang tên xe môtô khác huyện trong cùng một tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thì đến cơ quan đăng ký xe nơi chủ xe cư trú hoặc có trụ sở để làm thủ tục sang tên xe.  Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày làm giấy tờ mua bán, cho, tặng, thừa kế xe, người mua hoặc bán xe phải đến cơ quan đăng ký xe làm thủ tục sang tên, di chuyển, thay đổi đăng ký xe. Nghiêm cấm mọi hành vi giả mạo hồ sơ, đục xóa số máy, số khung để đăng ký xe.

Về thủ tục, giấy tờ khi làm đăng ký, sang tên đổi chủ:

Điều 8, Điều 9, Điều 10 mục B của Thông tư nêu rõ: Đối với trường hợp đăng ký, sang tên xe trong cùng tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thì cần 6 loại giấy tờ. Người đi đăng ký phải xuất trình giấy chứng minh nhân dân, hoặc sổ hộ khẩu, hoặc giấy xác nhận của cơ quan, đoàn thể nơi công tác; giấy khai đăng ký xe; giấy chứng nhận đăng ký xe; chứng từ chuyển nhượng xe; chứng từ lệ phí trước bạ theo quy định; đăng ký sang tên thì giữ nguyên biển số cũ (trừ biển loại 3 số hoặc 4 số thì cấp đổi sang biển 5 số theo quy định) và giấy chứng nhận đăng ký xe cho chủ mới.
Trong trường hợp đăng ký xe sang tên, di chuyển xe từ tình khác chuyển đến thì phải cần các giấy tờ sau: Chủ xe phải xuất trình giấy tờ như giấy chứng minh nhân dân, hoặc sổ hộ khẩu, hoặc giấy xác nhận của cơ quan, đoàn thể nơi công tác…giấy khai đăng ký xe; chứng từ lệ phí trước bạ; giấy khai sang tên và phiếu sang tên di chuyển kèm theo chứng từ chuyển nhượng quy định và hồ sơ gốc của xe theo quy định.
Trong trường hợp làm thủ tục sang tên, di chuyển xe từ tỉnh này sang tỉnh khác thì cần 4 loại giấy tờ gồm: Người mua hoặc người bán xe phải xuất trình giấy tờ quy định (không phải đưa xe tới kiểm tra); giấy chứng nhận đăng ký xe và biển số xe; hai giấy khai sang tên di chuyển; chứng từ chuyển nhượng xe theo quy định. Trong trường hợp di chuyển nguyên chủ đi tỉnh khác, phải có quyết định điều động công tác hoặc sổ hộ khẩu thay đổi cho chứng từ chuyển nhượng xe.

Về thời gian hoàn thành thủ tục đăng ký xe.

Điều 4 quy định: Cấp biển số xe ngay sau khi tiếp nhận hồ sơ đăng ký xe hợp lệ; Trường hợp cấp, đổi lại giấy chứng nhận đăng ký xe; cấp hồ sơ sang tên di chuyển xe; cấp giấy chứng nhận thu hồi đăng ký, biển số xe thì thời gian hoàn thành thủ tục không quá 2 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ; Trường hợp đổi, cấp lại biển số xe thì thời gian hoàn thành thủ tục không quá 7 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ; Trường hợp đăng ký tạm thời thì cấp giấy đăng ký xe và biển số xe tạm thời trong ngày.

Bên cạnh việc các thủ tục sang tên đổi chủ, Nghị định 71 cũng quy định rõ: đối với người không chuyển quyền sở hữu phương tiện sẽ chịu mức phạt hành chính 800.000 đồng đến 1,2 triệu đồng đối với chủ xe môtô, xe gắn máy và các loại xe có kết cấu tương tự môtô. Phạt tiền từ 6 triệu đến 10 triệu đối với chủ xe ôtô, máy kéo, xe máy chuyên dùng và các loại xe tương tự ôtô. Trước đây Nghị định 34/2010/NĐ-CP quy định việc không chuyển quyền sở hữu phương tiện theo quy định chỉ phạt từ 100.000-200.000 đồng đối với xe máy và từ 1 triệu đến 2 triệu đồng đối với ôtô./.


 

Trung tâm Thông tin báo chí
Tìm kiếm
Tin tức - Sự kiện
Liên kết website