Công tác cảm hóa, giáo dục, giúp đỡ người lầm lỗi của huyện Tiên Yên, tỉnh Quảng Ninh

18/03/2019
Mặc dù không phải là địa bàn có tính chất phức tạp về đô thị, công nghiệp nhưng Tiên Yên lại là cửa ngõ của các huyện miền Đông tỉnh Quảng Ninh và là giao điểm nối với trung tâm kinh tế, cửa khẩu của tỉnh Quảng Ninh và tỉnh Lạng Sơn. Với đặc thù đó, tình hình an ninh, trật tự (ANTT) nơi đây cũng luôn tiềm ẩn phức tạp.

Năm 2018 có 29 trường hợp chấp hành xong án phạt tù, đặc xá trở về địa phương và hiện tại trên địa bàn có tổng số 87 người thuộc diện tù tha. Nếu không quản lý, giáo dục, giúp đỡ, tạo điều kiện cho họ có cơ hội làm lại cuộc đời thì đây sẽ là nguồn gốc phát sinh tội phạm ngay trên địa bàn.

Anh Trịnh Công Tâm (sinh năm 1987, trú tại thôn Bình Minh, xã Hải Lạng) từng phạm tội “Cố ý gây thương tích” phải chịu án phạt 03 năm 06 tháng tù giam. Khi Tâm chấp hành xong án phạt tù trở về địa phương. Anh cho biết, hoàn cảnh gia đình lúc đó rất khó khăn, mẹ thì già yếu, con còn quá nhỏ, kinh tế gia đình đều trông vào sản xuất nông nghiệp. Trong thời điểm khó khăn đó, sự động viên kịp thời của cán bộ Công an, chính quyền địa phương và các ban, ngành, đoàn thể xã là điểm tựa giúp anh vượt qua mặc cảm ban đầu. Bản thân Tâm ý thức được trách nhiệm của mình để từ đó quyết tâm làm lại cuộc đời. Nắm bắt được điều này, Công an xã Hải Lạng đã báo cáo với cấp ủy, chính quyền địa phương vận động tạo điều kiện cho gia đình anh vay 120 triệu đồng để làm vốn sản xuất… 

Lực lượng Công an thăm hỏi, động viên anh Trịnh Công Tâm.


Thiếu tá Phạm Như Thịnh, Phó Trưởng Công an huyện Tiên Yên cho biết, khi người được ra tù trở về địa phương dù tự nguyện hay chưa kịp đến trình báo thì lực lượng Công an là người thay mặt chính quyền tiếp xúc với họ đầu tiên. Không chỉ tạo điều kiện về thủ tục hành chính, các anh còn nắm bắt tâm trạng của từng người để kịp thời động viên, phân tích giúp họ nhận thức được cái giá phải trả cho những sai lầm trước đây, đồng thời tham mưu cho cấp ủy, chính quyền cơ sở có kế hoạch giúp đỡ.

Hàng năm, lực lượng Công an đều chủ động xây dựng kế hoạch tổ chức các cuộc gặp mặt giữa thành viên Ban Chỉ đạo phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội và xây dựng phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc của huyện, chính quyền các xã với những người chấp hành xong án phạt tù. Qua đó, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng, khó khăn, đồng thời cung cấp thông tin cho những trường hợp này có cơ hội tìm việc làm ngay tại địa phương. Trong đó chú trọng đến mô hình vay vốn phát triển sản xuất nông, lâm ngư nghiệp của Hội Nông dân, Huyện đoàn, Hội Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh của huyện.

Bên cạnh đó, Ban Chỉ đạo phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội và xây dựng phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc huyện Tiên Yên còn tham mưu cho chính quyền địa phương tổ chức tuyên dương những người có quá khứ lầm lỗi tiến bộ, góp phần động viên họ tiếp tục vươn lên trong cuộc sống. Lực lượng Công an cơ sở lập hồ sơ quản lý, yêu cầu từng cá nhân phải cam kết chấp hành pháp luật và quy định của địa phương và tham mưu cho chính quyền cơ sở giao cho các ban, ngành, đoàn thể có trách nhiệm quản lý, giúp đỡ, giám sát từng trường hợp cụ thể.

Với cách làm trên, trong số những người chấp hành xong án phạt tù hàng năm của huyện Tiên Yên đã có nhiều người tự lập dự án vay vốn hoặc thông qua gia đình, người thân để tham gia các dự án đạt hiệu quả cao như: trồng rừng, nuôi trồng thủy sản, kinh doanh dịch vụ…

Diện tích nuôi tôm của anh Tâm.


Thông qua mô hình cảm hóa, giáo dục và được sự quan tâm, giúp đỡ của cộng đồng, những người có quá khứ lầm lỗi đã thực sự ăn năn hối cải bằng lao động chính đáng của mình. Họ đã thực sự vươn lên, trở thành người có ích cho xã hội. Trong đó nhiều người đã trở thành gương sáng cho những trường hợp có quá khứ lầm lỗi noi theo. Điều đó đã giúp cho công tác quản lý, giáo dục người lầm lỗi đạt kết quả tích cực. Số người có tiền án tái phạm tội hàng năm của huyện Tiên Yên chỉ chiếm xấp xỉ 0,4% trong số tội phạm mới.

* Đấu tranh với tội phạm sử dụng công nghệ cao ghi nhận tại một đơn vị trẻ.

Mặc dù quân số cũng như trang thiết bị còn khiêm tốn nhưng chỉ sau hơn 03 năm thành lập, Đội Cảnh sát Phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Phòng Cảnh sát kinh tế Công an tỉnh Quảng Ninh đã phát hiện và khởi tố 25 vụ, 57 bị can.

Trong đó đã bắt quả tang 07 đối tượng sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông chiếm đoạt tài sản và bắt giữ 01 đối tượng trong đường dây chuyên lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua mạng xã hội facebook. Số liệu trên thể hiện rõ nét nỗ lực, cố gắng của một lực lượng mới của Công an tỉnh Quảng Ninh, những chiến sĩ đấu tranh, ngăn chặn tội phạm mạng.

Trao đổi thông tin liên quan đến vụ việc cần xác minh, điều tra.

 

Trung tá Phạm Đình Nghĩa, Đội trưởng Đội Cảnh sát Phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao chia sẻ, Đội được thành lập vào tháng 11/2015 nhưng phải đến tháng 01/2016 mới chính thức đi vào hoạt động. Thời điểm ban đầu chỉ có vỏn vẹn 05 cán bộ, chiến sĩ kể cả chỉ huy, chức năng nhiệm vụ hoàn toàn mới nên anh em trong đội cũng khá lo lắng. Tuy nhiên mọi người đều quyết tâm cao, vừa làm vừa trau dồi kiến thức liên quan đến lĩnh vực này nên chỉ một thời gian sau mọi việc diễn ra khá thuận lợi. Đến lúc này, Đội Cảnh sát Phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao có tổng số 09 cán bộ, chiến sĩ với đủ các chuyên ngành cần thiết.

Chiến công đầu tiên sau 02 tháng thành lập, Đội Cảnh sát Phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao đã xác lập chuyên án phối hợp với Công an thành phố Cần Thơ khởi tố, bắt giữ nhóm 04 đối tượng (trong đó có 01 quốc tịch Nigienia và 03 đối tượng Việt Nam) sinh sống tại các tỉnh phía Nam. Các đối tượng này câu kết với nhau sử dụng mạng xã hội facebook để lừa đảo chiếm đoạt hàng trăm tỉ đồng của nhiều nạn nhân ở khắp các tỉnh, thành phố trên cả nước. Riêng tại Quảng Ninh, đã có 09 nạn nhân bị sập bẫy với số tiền bị lừa hơn 4 tỉ đồng.

Trong những năm gần đây, tội phạm sử dụng công nghệ cao tại Việt Nam có xu hướng gia tăng, diễn biến phức tạp và ngày một tinh vi với thủ đoạn liên tục thay đổi. Tại Quảng Ninh đã xảy ra nhiều vụ án có tính chất nghiêm trọng và phức tạp. Nổi lên là tội phạm sử dụng công nghệ cao để lừa đảo chiếm đoạt tài sản với các hình thức như: lừa đảo qua facebook, giả danh cơ quan bảo vệ pháp luật và cơ quan nhà nước, lừa đảo qua các giao dịch thương mại điện tử… Tội phạm sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản; mua bán, trộm cắp, sử dụng thông tin thẻ của người khác để chiếm đoạt tài sản; tội phạm đánh bạc bằng các hình thức lô đề, cá độ bóng đá qua mạng internet… Đặc biệt là các đối tượng người Trung Quốc trộm cắp thông tin thẻ, làm giả thẻ để chiếm đoạt tài sản.

Cán bộ, chiến sĩ Đội Cảnh sát Phòng, chống tội phạm công nghệ cao trao đổi thông tin nghiệp vụ.


Trước khi thành lập Đội Cảnh sát Phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Công an tỉnh Quảng Ninh cũng đã triển khai đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ đấu tranh hiệu quả với loại tội phạm này. Theo Trung tá Phạm Đình Nghĩa, từ khi thành lập đến nay công tác đấu tranh với tội phạm sử dụng công nghệ cao đã đạt được kết quả tích cực. Thực tế cho thấy mặc dù nguồn nhân lực đã được quan tâm nhưng trang thiết bị phục vụ công tác đấu tranh với loại tội phạm này vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn. Đây cũng là một trong những khó khăn của Đội trong quá trình thực hiện nhiệm vụ.

Khó khăn, thách thức ngày càng lớn, nhưng Đội Cảnh sát Phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Công an tỉnh Quảng Ninh vẫn nỗ lực cố gắng quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ được giao… Tuy nhiên, để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới, Đội rất cần sự quan tâm hơn nữa trong việc đầu tư trang thiết bị, phương tiện kỹ thuật nghiệp vụ cũng như công tác tổ chức tập huấn, nâng cao trình độ, xây dựng lực lượng Cảnh sát phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao chính quy, tinh nhuệ, hiện đại./.

 

PV
Tìm kiếm
Tin tức - Sự kiện
Liên kết website