Lực lượng Công an nhân dân nỗ lực giúp dân khắc phục hậu quả nặng nề do mưa lũ

11/10/2020
Để hỗ trợ người dân đối phó với mưa lũ và nhanh chóng khắc phục thiệt hại do Bão số 6 gây ra, những ngày qua, Công an các tỉnh Quảng Bình, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng và Quảng Nam đã căng mình giúp bà con sơ tán, cung cấp các nhu yếu phẩm, đưa bà con đến vùng an toàn, vượt qua thời điểm khó khăn.

Tại Quảng Bình, từ sáng sớm ngày 11/10/2020, Đại tá Nguyễn Tiến Nam, Giám đốc Công an tỉnh Quảng Bình cùng lãnh đạo một số ban, phòng và hàng chục cán bộ, chiến sỹ Công an huyện Lệ Thủy đã vượt lũ sông Kiến Giang để về hỗ trợ người dân tâm lũ tại thôn Vinh Quang, xã Sơn Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình. Đây là điểm ngập lụt nặng nề thứ hai của huyện Lệ Thủy, thôn có 180 hộ với 720 nhân khẩu hoàn toàn bị lũ lụt chia cắt, biệt lập.


Đại tá Nguyễn Tiến Nam, Giám đốc Công an tỉnh Quảng Bình và ông Đặng Đại Tình, Chủ tịch UBND huyện Lệ Thủy trao đồ cứu trợ và động viên bà con vùng lũ.


Do sóng quá lớn, để tránh cho thuyền khỏi bị sóng đánh chìm, nhiều cán bộ, chiến sỹ Công an đã phải bơi vào bờ để níu thuyền vào nhà dân, tìm nơi cao nhất để vận chuyển lương thực, nhu yếu phẩm. Bà Nguyễn Thị Lai gần 80 tuổi cầm tay cán bộ, chiến sỹ Công an Quảng Bình xúc động cho biết, các con đi làm ăn xa trong miền Nam, ở nhà chỉ có ba bà cháu, nước lũ dâng ban đêm nên bà cháu kiệt sức vì lũ. Đưa lên cao được cái tivi, bếp ga khi quay lại thì toàn bộ thóc, gạo, quạt điện đã nằm chìm trong nước lũ. Đứa cháu gái lớp ba vừa khóc, vừa bắt bà leo lên cao để tránh lũ vì sợ lũ cuốn trôi mất bà. Hai ngày qua, ba bà cháu ngồi gần sát nóc nhà nhìn nước lũ chạy qua, ăn tạm gói mỳ tôm qua ngày. Hôm nay, được lực lượng Công an đến ứng cứu, hai bà cháu cứ ôm chầm lấy nhau khóc rấm rức vì mừng.

Những ngày qua, cán bộ, chiến sỹ Công an Quảng Bình từ Ban Giám đốc đến mỗi người lính đều về cơ sở, về với bà con nhân dân chống lũ. Bên cạnh di dời, cứu hộ, cứu nạn, giúp đỡ người dân trước và trong lũ, Công an Quảng Bình đã lên phương án, kế hoạch để giúp đỡ nhân dân khi lũ rút ổn định cuộc sống.

* Trong ngày 11/10, Tại Thừa Thiên Huế, mưa lớn cộng với lượng nước các hồ thủy điện Hương Điền, Bình Điền, hồ chứa Tả Trạch điều tiết xả lũ khiến địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế ngập lụt trên diện rộng, trong đó nhiều vùng thấp trũng ngập sâu trong lũ.


Người dân được chở trên xe Cảnh sát đưa từ vùng ngập lụt đến nơi an toàn.


Xã Thủy Thanh, địa phương được xem là rốn lũ của thị xã Hương Thủy bị ngập sâu từ 1 đến 1,5m, người dân phải dùng ghe, thuyền để đi lại. Thượng úy Lê Anh Tuấn, Phó trưởng Công an xã Thủy Thanh cho biết, địa bàn xã vừa chịu ảnh hưởng nặng nề do cơn bão số 5 khi có đến gần 800 nhà dân bị tốc mái vào giữa tháng 9 thì giờ tiếp tục gánh chịu đợt mưa lũ kéo dài khiến người dân rơi vào cảnh lao đao. Thượng úy Lê Anh Tuấn cho biết, những ngày qua, Công an xã đã bố trí cán bộ, chiến sỹ phối hợp với lực lượng Công an thị xã Hương Thủy tổ chức di dời các hộ dân ở vùng xung yếu, có nguy cơ ngập nặng đến nơi an toàn. 


Công an phường Phú Cát, TP Huế giúp đỡ di dời một cụ già ra khỏi căn nhà ngập lũ.
Lực lượng Công an sử dụng ghe đò tiếp cận các hộ dân ở vùng ngập lũ để hỗ trợ nhu yếu phẩm. 


Mưa lũ kéo dài khiến một số phường của TP Huế bị ngập lụt cục bộ. Trước tình hình này, Ban Chỉ huy Công an TP Huế đã triển khai lực lượng di dời 265 hộ dân và nhiều khu trọ, hơn 800 người ở các vùng thấp trũng ra khỏi khu vực ngập lụt đến nơi an toàn. Đồng thời, đơn vị tiếp tục trang bị các phương tiện, công cụ cứu nạn, cứu hộ, phối hợp với các lực lượng chức năng sẵn sàng các phương án di dời các hộ dân trong khu vực thấp trũng có nguy cơ bị ngập lụt, nhất là các hộ người già yếu, hộ neo đơn và hộ có nhiều trẻ nhỏ để đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản của nhân dân.

* Tại Đà Nẵng, Bão số 6 đã gây mưa to và gió giật mạnh, nhiều tuyến đường trên địa bàn TP Đà Nẵng bị ngập nước nặng, nhiều nơi bị sạt lở. Từ đêm ngày 10 đến sáng ngày 11/10, các chiến sĩ Cảnh sát giao thông, Phòng Cảnh sát giao thông, Công an TP Đà Nẵng và trạm Cảnh sát giao thông Cửa ô Hòa Phước, Công an quận Sơn Trà, Hải Châu, Liên Chiểu đã căng mình trong mưa lớn, gió giật để hỗ trợ cưa cây gãy đổ, giải phóng vật cản, đảm bảo giao thông thông suốt trên tuyến quốc lộ 1A và trong các tuyến đường của thành phố. 



Công an Đà Nẵng giúp người dân khắc phục hậu quả Bão số 6.


Tính đến chiều 11/10, Đà Nẵng đã sơ tán hơn 800 hộ (gần 3000 người) dân tại Hòa Vang, Cẩm Lệ và Liên Chiểu ra khỏi vùng ngập nặng và vùng có nguy cơ cao để ứng phó với diễn biến phức tạp của mưa lũ. 

* Ngày 11/10, tại Quảng Nam, Bão số 6 đã đi vào đất liền và suy yếu thành áp thấp nhiệt đới. Để giúp đỡ sơ tán người dân ở những vùng trũng thấp, Công an tỉnh Quảng Nam đã huy động lực lượng, phương tiện đến sơ tán 9 hộ dân với 25 người (chủ yếu người già và trẻ em, trong đó có 1 trẻ mới 2 tháng tuổi) tại thôn Đàn Hạ và Đàn Long, xã Tam An, huyện Phú Ninh đến nơi an toàn. 

Công an tỉnh Quảng Nam nỗ lực sơ tán người dân vùng trũng thấp, ngập sâu đến nơi an toàn. 

Lực lượng Công an đưa cháu bé lên ca nô.


Theo Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Nam, để đảm bảo an toàn tính mạng của người dân ở những vùng trũng thấp, vùng có nguy cơ sạt lở, ven sông, ven suối, các cơ quan chức năng đã tiến hành sơ tán 533 hộ dân với 1.677 người.

Trước diễn biến phức tạp của mưa lũ do Bão số 6 gây ra, Công an tỉnh Quảng Nam đã bố trí lực lượng lập rào chắn tại khu vực ngập sâu trên Quốc lộ 1A để không cho người và phương tiện qua lại nhằm đảm bảo an toàn.

Cháu bé 2 tháng tuổi được đưa lên ca nô an toàn.


Ngoài ra, Công an tỉnh Quảng Nam đã có phương án ngay từ đầu, thực hiện tốt phương châm “4 tại chỗ”; kịp thời hỗ trợ, cứu giúp, sơ tán người dân ở các vùng ngập lụt, vùng trũng thấp, có nguy cơ sạt lở theo chỉ đạo của tỉnh Quảng Nam.

PV
Tìm kiếm
Tin tức - Sự kiện
Liên kết website