Những giấc mơ sách thức tỉnh đời phạm nhân

11/09/2018
Những năm gần đây, phong trào đưa sách vào các Trại giam để xây dựng các tủ sách phạm nhân đã được Tổng cục Cảnh sát Thi hành án hình sự và Hỗ trợ tư pháp (nay là Cục Cảnh sát quản lý trại giam, cở sở giáo dục bắt buộc, trường giáo dưỡng - Bộ Công an) phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch triển khai, có sức lan tỏa sâu rộng và mạnh mẽ. Thông qua phong trào đọc sách, nhiều phạm nhân đã tìm lại được chính mình, chuyên tâm cải tạo để sớm trở về tái hòa nhập cộng đồng.

Sau thành công của Cuộc thi “Viết thư gửi lời xin lỗi”, các Cuộc thi “Kể chuyện theo sách” và “Viết cảm nhận về sách” dành cho phạm nhân tiếp tục được phát động. Đây là những sân chơi mở, cũng là cơ hội để những người đã một thời lầm lỡ, được lên tiếng từ tâm của mình. Thời gian này, Cuộc thi “Viết cảm nhận về sách” đang được các Trại giam trong cả nước tổ chức tổng kết và trao thưởng.

Đánh giá về hiệu quả của Cuộc thi, Đại tá Hoàng Xuân Du, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát quản lý tạm giữ, tạm giam và thi hành án hình sự tại cộng đồng cho rằng, dưới cảm nhận của phạm nhân, đặc biệt thông qua các hình thức sân khấu hóa, hùng biện và viết cảm nhận, từng cuốn sách đều có những giá trị giáo dục, nhân văn rất đặc biệt. Đại tá Hoàng Xuân Du đánh giá cao sự sáng tạo, am hiểu và cả hình thức truyền đạt, truyền cảm của phạm nhân về sách. Đó là những giá trị từ sách mang lại góp phần vào công tác cảm hóa, giáo dục và cải tạo phạm nhân. Đã có rất nhiều phạm nhân khi mới vào Trại, tư tưởng rất hoang mang, chưa xác định được hướng cải tạo, nhưng sau một thời gian được sự hướng dẫn, quan tâm động viên kịp thời của cán bộ quản giáo, đặc biệt là qua sự tiếp xúc với sách, đã có định hướng và cải tạo tiến bộ rõ rệt.

Trao thưởng tặng các cá nhân đạt thành tích xuất sắc tại Hội thi “Viết cảm nhận về sách” tại Trại giam số 6.

 

Phạm nhân Đỗ Thị Thanh Hương (41 tuổi, ở quận Hà Đông, TP Hà Nội), hiện đang thụ án mức 15 năm tù về tội danh lừa đảo, chiếm đoạt tài sản. Với bài dự thi dài hơn 6 trang giấy khổ A4, Hương chia sẻ, bản thân sinh ra và lớn lên trong gia đình gia giáo, với sự nghiệp ổn định và mái ấm bình dị bên người chồng rất mực thương yêu vợ và 02 đứa con ngoan hiền. Nhưng sức hút mãnh liệt của đồng tiền, của lòng tham đã cuốn Hương vào vòng xoáy tội lỗi, phải rời xa tổ ấm gia đình mà không ít người phải ganh tỵ, mơ ước. Bản án 15 năm tù cho tội danh lừa đảo, chiếm đoạt tài sản đã khiến phạm nhân Hương đánh mất tất cả… Những lúc như vậy buồn nhất, phạm nhân Hương chỉ biết tìm niềm an ủi duy nhất vào các cuốn sách tại thư viện của Trại giam. Đọc sách về những trường hợp từng một thời lầm lỗi đã cải tạo thành người có ích cho xã hội, Hương tự nhủ phải cố gắng hoàn lương để trở về với các con, làm tròn trách nhiệm của người mẹ.

Hay như phạm nhân Nguyễn Hữu Vinh (55 tuổi, quê Nghệ An), là Thạc sĩ văn học, từng là giảng viên rất nổi tiếng tại Đại học Vinh. Mờ mắt vì tiền và sa ngã vì tình, Vinh phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, chịu mức án 09 năm tù giam. Thụ án tại Trại giam số 3, ban đầu phạm nhân Vinh cũng như bao người lầm lỡ khác, chán nản, tuyệt vọng và bất hợp tác. Nhưng rồi khi đọc nhiều sách, cựu giảng viên này đã nhận thức được những việc mình làm là sai trái và sự trả giá là điều không thể tránh khỏi nên đã chuyên tâm cải tạo… Từ một người tù mặc cảm thân phận, bất hợp tác, Nguyễn Hữu Vinh đã tu tâm cải tạo, tìm được những giá trị đích thực trong các cuốn sách hữu ích, không chỉ cho mình, Vinh còn tham gia đứng lớp, giảng dạy xóa mù cho những phạm nhân không biết chữ. Đến nay, sau nhiều năm tích cực thụ án, Nguyễn Hữu Vinh đã 03 lần được giảm án, cơ hội làm lại cuộc đời đang rộng mở đối với phạm nhân này.

 Việc đưa sách vào Trại giam đã tạo nên phong trào đọc sách trong phạm nhân.

 

Phạm nhân Nguyễn Chính Biên (43 tuổi, quê Bắc Ninh), hiện đang thụ án chung thân tại Trại giam số 6 về tội vận chuyển, buôn bán trái phép chất ma túy. Trước khi sa chân vào tội lỗi, Biên là thầy giáo dạy văn, cán bộ quản lý giáo dục, có địa vị và gia đình êm ấm. Nhưng rồi mờ mắt vì tiền, Biên đã vào Nghệ An buôn bán ma túy và bị bắt năm 2006. Vào thụ án tại Trại giam, Biên tích cực tham gia phát động phong trào đọc sách, kể chuyện theo sách trong toàn thể phạm nhân, ban đầu tại Phân trại số 1, sau lan rộng ra các Phân trại khác. Ngoài ra, Biên còn dạy chữ cho những phạm nhân mù chữ biết đọc, biết viết.

Thông qua “Viết cảm nhận về sách” và “Kể chuyện theo sách”, song hành cùng những phận đời hao khuyết, là những cảm thụ rất tinh tế về thế giới sách của từng phạm nhân. Nhiều trường hợp, sách chính là sự cứu rỗi, là bạn đồng hành và là thứ để thức tỉnh lương tri, lương năng trong phần “người” còn sót lại, để giúp họ mạnh dạn đứng lên, cải tạo tốt, làm lại cuộc đời bằng niềm tin và ý chí, nghị lực phía trước… Đại tá Phan Đình Thành, Giám thị Trại giam số 3 chia sẻ, Hội thi “Viết cảm nhận về sách” dành cho phạm nhân là hoạt động giáo dục có ý nghĩa bổ trợ rất lớn trong công tác giáo dục, cải tạo phạm nhân. Thông qua các phần thi được sáng tạo, biến tấu linh hoạt, phạm nhân đã chuyển tải trọn vẹn những cảm xúc cũng như nhận thức của mình về sách đối với đời sống con người và xã hội, là món ăn tinh thần không thể thiếu trong đời sống xã hội nói chung và môi trường trại giam nói riêng.

Bài dự thi Cuộc thi “Viết cảm nhận về sách” được phạm nhân đầu tư công phu.

 

Cùng với hoạt động giáo dục khác, các hoạt động liên quan đến sách cũng như Hội thi “Viết cảm nhận về sách” là món quà đầy ý nghĩa, góp phần khích lệ phong trào thi đua học tập cải tạo trong phạm nhân. Thông qua sách đã cứu rỗi không ít phạm nhân, giúp họ nhận ra giá trị thực của cuộc sống, từ đó giúp họ cải tạo tiến bộ, để sớm nhận được sự khoan hồng của Đảng và Nhà nước, sớm trở về với gia đình và xã hội, trở thành công dân có ích.

Đồng chí Dương Duy Tiến, Giám đốc Thư viện tỉnh Nghệ An - đơn vị trong nhiều năm qua đã cung cấp, luân chuyển hàng ngàn đầu sách các loại cho Trại giam số 3 và Trại giam số 6 - là hai đơn vị trực thuộc Cục Cảnh sát quản lý trại giam, cở sở giáo dục bắt buộc, trường giáo dưỡng - Bộ Công an, cho biết, thông qua các phần thi viết cảm nhận, triển lãm trưng bày và sân khấu hóa (gồm phần chào hỏi và diễn thuyết, hùng biện), các thí sinh là những phạm nhân, mặc dù đang phải khoác trên mình bộ quần áo sọc để trả giá cho lỗi lầm quá khứ nhưng các phạm nhân đã thể hiện được sự hiểu biết khá chuyên sâu về nhiều cuốn sách. Qua lời kể, lời giới thiệu và cả sự cảm nhận của họ, nhiều cuốn sách đã trở nên rất mới mẻ, hấp dẫn và mang ý nghĩa rất nhân văn. Thông qua Hội thi, đã góp phần định hướng cho phạm nhân trong việc lựa chọn những đầu sách có ích cho bản thân trong quá trình rèn luyện, giúp họ có thêm niềm tin và nghị lực phấn đấu, cải tạo tốt, sớm trở về hòa nhập với gia đình và xã hội.

Thiên Thành
Tìm kiếm
Tin tức - Sự kiện
Liên kết website