Một số khuyến cáo về Phòng cháy, chữa cháy đối với phương tiện giao thông cơ giới đường bộ

27/04/2012
Thời gian qua, trên toàn quốc đã xảy ra nhiều vụ cháy nổ ô tô, xe máy, gây thiệt hại lớn về tài sản. Để phòng ngừa và góp phần hạn chế đến mức thấp nhất khả năng xảy ra cháy, nổ ô tô, xe máy, Cục Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (PCCC và CNCH) Bộ Công an khuyến cáo một số biện pháp PCCC như sau:

1. Biện pháp phòng cháy.
- Đối với người sử dụng phương tiện:
+ Không lắp đặt thêm thiết bị điện, phụ kiện không đúng theo thiết kế của nhà sản xuất;
+ Tuân thủ quy trình vận hành bảo trì bảo dưỡng định kỳ, nên thực hiện việc bảo trì, bảo dưỡng, sửa chữa ở những nơi có uy tín, đảm bảo chất lượng;
+ Cần thường xuyên kiểm tra phương tiện, khi phát hiện thấy dấu hiệu khác lạ (khó nổ, có hơi xăng, có tiếng kêu bất thường, nhiệt độ của máy cao, có mùi khét) cần khắc phục ngay;
+ Khi để xe trong nhà, ở nơi trông giữ, xe phải tắt khoá điện, đóng khoá bình xăng, để xa nguồn lửa, nguồn nhiệt;
+ Không mua xăng, dầu ở các điểm bán tự phát, không rõ nguồn gốc; không sử dụng các biện pháp “tiết kiệm xăng” khi chưa được kiểm chứng về mức độ an toàn, có thể gây hỏng xe hoặc dẫn đến nguy cơ xảy cháy cao;
+ Không để các chất dễ cháy, dễ bắt lửa trong xe, dưới yên xe, trong cốp xe, trong khoang động cơ;
+ Chủ các phương tiện giao thông cơ giới từ 04 chỗ ngồi trở lên cần tự trang bị bình chữa cháy phù hợp theo quy định của Luật PCCC. Đối với chủ xe máy thì tuỳ theo điều kiện và cấu tạo của từng loại xe nên trang bị bình chữa cháy loại nhỏ ở xe hoặc trang bị bình chữa cháy ở nơi cư trú để có thể kịp thời xử lý các tình huống cháy không may xảy ra.

- Đối với các nhà sản xuất, lắp ráp ô tô, xe máy:
+ Cần nâng cao chất lượng các chi tiết của sản phẩm như tăng hệ số an toàn của hệ thống điện, hệ thống nhiên liệu, các vật liệu chế tạo phù hợp với điều kiện thời tiết, khí hậu và thích ứng với các loại nhiên liệu được sử dụng và lưu hành trên thị trường trong nước;
+ Nghiên cứu các biện pháp bảo vệ chống cháy, chống chuột cắn các ống dẫn nhiên liệu, dây dẫn điện hoặc sử dụng các ống dẫn nhiên liệu, dây dẫn điện bằng chất liệu chống cháy, chống chuột, có độ bền cao;
+ Ngoài hướng dẫn vận hành, sử dụng, bảo trì, bảo dưỡng cần có hướng dẫn và thông báo rõ ràng trong các sổ tay hướng dẫn sử dụng và tại các đại lý xe máy về loại nhiên liệu được phép sử dụng cho sản phẩm của mình như: loại xăng, trị số octan tối thiểu, hàm lượng các phụ gia, tạp chất cho phép có trong nhiên liệu sử dụng tương thích với loại động cơ.

- Đối với các cơ sở đại lý, bảo dưỡng, sửa chữa ô tô, xe máy:
+ Nâng cao chất lượng dịch vụ sửa chữa, bảo dưỡng, không làm cẩu thả, không vì lợi nhuận mà thay thế các linh kiện, phụ tùng kém chất lượng;
+ Không lắp đặt các chi tiết không có trong thiết kế, nhất là đối với hệ thống điện và hệ thống nhiên liệu;
+ Chỉ sử dụng cầu chì đúng chủng loại, có khả năng bảo vệ khi gặp sự cố.

- Đối với các điểm trông giữ ô tô, xe máy:
+ Chủ các dịch vụ trông giữ ô tô, xe máy phải trang bị đầy đủ các loại phương tiện chữa cháy theo quy định và theo hướng dẫn của Cảnh sát PCCC và CNCH. Có quy hoạch khu vực gửi xe để thuận tiện, dễ dàng sơ tán xe khi có cháy. Nhân viên làm việc ở các khu vực này phải được huấn luyện thuần thục về biện pháp, phương pháp xử lý các tình huống cháy, nổ xảy ra;
+ Chủ các toà nhà có dịch vụ trông giữ ô tô, xe máy trong ga ra, trong nhà, dưới các tầng hầm ngoài việc thực hiện các quy định trên, phải lắp đặt hệ thống báo cháy, chữa cháy tự động theo quy định của quy chuẩn, tiêu chuẩn hiện hành, hệ thống này phải được kiểm tra, bảo trì thường xuyên để bảo đảm hiệu quả chữa cháy. Lưu ý: để đảm bảo hiệu quả chữa cháy đối với các ga ra ô tô nên lắp đặt hệ thống chữa cháy tự động bằng bọt thay cho chữa cháy bằng nước để tránh cho xăng, dầu trào ra chảy theo nước chữa cháy gây nên cháy lan.

2. Xử lý khi gặp sự cố cháy xe:
Khi phát hiện thấy có ngọn lửa, khói hoặc nhiệt độ cao bất thường cần bình tĩnh, dừng xe ở lề đường, tránh xa nơi có nhiều người, nhiều chất dễ cháy. Tuỳ thuộc vào tình huống cháy cụ thể mà sử dụng những giải pháp thích hợp để chữa cháy, theo quy trình xử lý sau:

- Tắt khoá điện, tìm cách khoá bình xăng (nếu có thể);
- Hô hoán để mọi người đến trợ giúp chữa cháy, gọi Cảnh sát PCCC và CNCH (điện thoại 114);
- Nếu nhiên liệu đã trào ra ngoài (ngọn lửa cháy dữ dội) thì phải sử dụng các bình chữa cháy, cát, chăn chiên, bao tải, vải nhúng nước để dập lửa. Lưu ý do ô tô , xe máy có rất nhiều ngóc ngách, nên việc sử dụng chăn, bao tải để phủ kín là rất khó, vì vậy khi chữa cháy cần chú ý phun, hắt chất chữa cháy vào các ngóc, ngách để dập lửa, khi ngọn lửa đã tắt vẫn phải tiếp tục phun chất chữa cháy và có biện pháp làm mát các bộ phận của ô tô, xe máy để đề phòng xăng, dầu trào ra gặp nhiệt độ cao sẽ cháy lại hoặc gây nổ;
- Đối với ô tô, nếu phát hiện khói, lửa ở trong nắp cabô cần tắt ngay khoá điện để ngừng việc bơm xăng cho động cơ. Trường hợp phát hiện đã có ngọn lửa, phải chuẩn bị sẵn phương tiện chữa cháy trước khi thận trọng mở nắp cabô để xử lý. Nếu thấy cháy ở các chỗ khác trong xe cần sử dụng các phương tiện chữa cháy sẵn có để dập lửa;
- Đối với các trường hợp cháy ở các bãi trông giữ xe, trong nhà, trong ga ra, trước tiên gọi PCCC, sau đó phải khởi động hệ thống chữa cháy của toà nhà (nếu có) và sử dụng các phương tiện chữa cháy khác để dập cháy, đồng thời phải cách li phương tiện bị cháy với các phương tiện khác;
- Trường hợp xét thấy không có khả năng dập tắt đám cháy thì nên tránh xa để tránh nổ bình xăng gây tai nạn./.

                                                                                                                                                                                         

 

Cục Cảnh sát PCCC và CNCH
Tìm kiếm
Tin tức - Sự kiện
Liên kết website