Ban Chỉ đạo tổng kết lịch sử Bộ Công an: Nghiệm thu đề tài cấp Bộ tổng kết lịch sử công tác quản lí, giáo dục, cải tạo phạm nhân

10/03/2014
Ngày 10/3/2014, Ban Chỉ đạo tổng kết lịch sử Bộ Công an tổ chức nghiệm thu cấp Bộ đề tài “Tổng kết lịch sử công tác quản lý, giáo dục, cải tạo phạm nhân và đối tượng tập trung giáo dục cải tạo trong sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ, cứu nước (1954-1975)”. Thượng tướng, Tiến sĩ Lê Quý Vương, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an, Chủ tịch Hội đồng chủ trì buổi nghiệm thu.

Trong báo cáo tóm tắt đề tài, Trung tướng, Tiến sĩ Nguyễn Văn Ninh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát Thi hành án hình sự và Hỗ trợ tư pháp nêu rõ: Thực hiện Kế hoạch số 58/KH-BCĐ ngày 23/3/2012 của Bộ Công an về việc tổng kết lịch sử CAND trong sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ, cứu nước (1954-1975), Tổng cục Cảnh sát Thi hành án hình sự và Hỗ trợ tư pháp tiến hành tổng kết lịch sử “Công tác quản lý, giáo dục, cải tạo phạm nhân và đối tượng tập trung giáo dục cải tạo trong sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ, cứu nước (1954-1975)” đúc kết quá trình xây dựng lực lượng Cảnh sát quản lý trại giam trong 21 năm. Suốt thời kỳ này, dưới sự lãnh đạo của Đảng, lực lượng Công an nhân dân (CAND) nói chung, lực lượng Quản lý trại giam nói riêng đã góp một phần quan trọng vào sự nghiệp cách mạng của đất nước. Với tinh thần mưu trí, dũng cảm, sáng tạo, cán bộ, chiến sỹ các trại giam đã vượt qua khó khăn, gian khổ của điều kiện đất nước có chiến tranh, vừa xây dựng lực lượng, cơ sở vật chất phục vụ cho việc giam giữ, quản lí, cải tạo hàng vạn phạm nhân, đối tượng tập trung cải tạo và các loại tội phạm hình sự, vừa phải chiến đấu chống lại các cuộc ném bom, bắn phá, càn quét, tập kích, đánh phá trại giam, giải thoát cho các phạm nhân của kẻ địch, đảm bảo an toàn trại giam trong mọi tình huống.

Bản tổng luận tổng kết lịch sử “Công tác quản lý, giáo dục, cải tạo phạm nhân và đối tượng tập trung giáo dục cải tạo trong sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ, cứu nước (1954-1975)” gồm 175 trang, được cấu trúc thành 2 phần chính: Khái quát lịch sử (80 trang) và Bài học lịch sử (83 trang). Phần Phụ lục gồm 496 trang, tập hợp những tài liệu cơ bản nhất của đề tài rất có giá trị nghiên cứu, tham khảo về công tác trại giam.

 

Thứ trưởng Lê Quý Vương và các đại biểu tại buổi nghiệm thu.



Tại buổi nghiệm thu, các ý kiến tham gia đều khẳng định, đây là công trình nghiên cứu đầu tiên, chuyên sâu về một lĩnh vực công tác đặc thù của ngành Công an, không trùng với bất kỳ công trình khoa học nào đã công bố và được tổng kết một cách toàn diện, đầy đủ, đảm bảo chất lượng và tính khoa học cao về công tác quản lý, giáo dục cải tạo phạm nhân và đối tượng tập trung giáo dục, cải tạo trong sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ, cứu nước tính đến thời điểm hiện nay. Vì vậy, bản thân kết quả tổng kết đề tài đã là sản phẩm khoa học mới của Ngành.

Đề tài đã tập trung làm sáng tỏ vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng và Bộ Công an đối với công tác quản lý, giáo dục, cải tạo phạm nhân và đối tượng tập trung giáo dục, cải tạo; đã khái quát, hệ thống hóa toàn bộ quá trình triển khai công tác quản lý, giáo dục phạm nhân, đối tượng tập trung cải tạo thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, giúp người đọc hình dung được toàn cảnh, những khó khăn và thành tích của công tác giam giữ, cải tạo phạm nhân và đối tượng bị bắt tập trung giáo dục, cải tạo. 6 bài học kinh nghiệm rút ra trong đề tài đã làm rõ mối quan hệ giữa thực hành chuyên chính vô sản với kẻ thù, bọn phạm tội phác trong cuộc đấu tranh bảo vệ chính quyền cách mạng và chính sách nhân đạo cách mạng của Đảng và nhà nước ta đối với người phạm tội, giúp cho người đọc nhận thức rõ hơn về vai trò của nhà tù, trại cải tạo trong cuộc đấu tranh bảo vệ an ninh chính trị và giữ vững trật tự, an toàn xã hội.

Phát biểu tại buổi nghiệm thu, Thượng tướng, TS. Lê Quý Vương, Thứ trưởng Bộ Công an, Chủ tịch Hội đồng nghiệm thu kết luận: Về cấu trúc, bố cục đề tài đã đáp ứng công tác nghiên cứu khoa học, dung lượng tương đối cân bằng, cấu trúc phù hợp với công trình Tổng kết lịch sử. Phương pháp nghiên cứu phù hợp với nội dung, mục đích, đối tượng nghiên cứu của đề tài; các trích dẫn nguồn, số liệu khá cụ thể, rõ ràng, tin cậy. Đề tài có giá trị sử dụng, ứng dụng kết quả nghiên cứu góp phần xây dựng lí luận phòng chống tội phạm, đảm bảo an ninh, trật tự. Đồng chí Chủ tịch Hội đồng yêu cầu Ban Chỉ đạo hoàn thiện đề tài, đưa kết quả nghiên cứu vào cuộc sống như sử dụng làm tài liệu tuyên truyền, giáo dục truyền thống, phục vụ công tác nghiên cứu, tham khảo lịch sử CAND, làm tài liệu giảng dạy ngoại khóa trong các trường CAND…
 

Vân Khánh
Tìm kiếm
Tin tức - Sự kiện
Liên kết website