Bộ trưởng Tô Lâm: “Có địa phương vi phạm pháp luật giảm 50% từ khi có Công an xã chính quy”

06/11/2018
“Qua một số địa phương đã triển khai và đánh giá tốt, thậm chí có địa phương đánh giá số lượng vụ việc vi phạm pháp luật giảm 50% từ khi có Công an xã chính quy, có ngày ở địa bàn không xảy ra vụ phạm pháp, vi phạm pháp luật nào…” – Thượng tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an phát biểu trước Quốc hội giải trình thêm về dự án Luật Công an nhân dân (CAND) (sửa đổi), chiều 06/11/2018.
Bộ trưởng Tô Lâm cho biết: Dự án Luật CAND (sửa đổi) đã được xây dựng đúng trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật, đã được Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 5 và đã được đăng tải trên Cổng Thông tin điện tử Chính phủ cũng như Cổng Thông tin điện tử Bộ Công an để lấy ý kiến rộng rãi của nhân dân.
 
“Tại phiên họp ngày 19/10/2018, Bộ Chính trị đã cho ý kiến về một số vấn đề lớn của dự án Luật. Trên cơ sở quán triệt ý kiến của Bộ Chính trị, tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội, các cơ quan chuyên môn của Quốc hội và của nhân dân, Ban Soạn thảo đã phối hợp với Ủy ban Quốc phòng và An ninh, các cơ quan có liên quan chỉnh lý, hoàn thiện một bước dự án Luật trình Quốc hội thảo luận trước khi xem xét, thông qua tại kỳ họp lần này theo đúng chương trình làm việc của Quốc hội” - Bộ trưởng nói.
 

Thay mặt Ban Soạn thảo, Bộ trưởng Tô Lâm bày tỏ nhất trí với Báo cáo số 346 ngày 05/11/2018 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật CAND (sửa đổi), song xin báo cáo thêm với Quốc hội về việc xây dựng lực lượng Công an xã chính quy.

Bộ trưởng Tô Lâm phát biểu giải trình thêm trước Quốc hội.

 

“Thứ nhất, việc chính quy hoá lực lượng Công an xã cũng đã có ý kiến chỉ đạo. Chúng tôi đã có văn bản của Đảng uỷ Công an Trung ương gửi cho Thường vụ Tỉnh uỷ 63 tỉnh, thành trong cả nước. Trong số 40 ý kiến phản hồi thì gần như 100% ý kiến nhất trí với chủ trương này”, Bộ trưởng cho biết.

Theo Bộ trưởng, một số địa phương đã đề nghị triển khai ngay, tất cả những cán bộ Công an không chính quy là công chức tại xã (trước đây Hội đồng nhân dân các tỉnh trả lương) thì các tỉnh đó đề nghị, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ sẽ chỉ đạo Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh và các cấp quận, huyện, xã giải quyết vấn đề này, và lực lượng Công an sẽ triển khai sớm theo quy định.
 
“Có những địa phương hiện đã triển khai Công an chính quy được 05 tháng, chúng tôi mới phối hợp sơ kết đánh giá, kết quả rất tốt, hầu hết đều mong muốn triển khai chứ không có ý kiến khác. Qua một số địa phương đã triển khai và đánh giá tốt, thậm chí có địa phương đánh giá số lượng vụ việc vi phạm pháp luật giảm 50% từ khi có Công an xã chính quy, có ngày ở địa bàn không xảy ra vụ phạm pháp, vi phạm pháp luật nào…” - Bộ trưởng Tô Lâm nhấn mạnh.

Cũng theo Bộ trưởng Tô Lâm, Bộ Công an đã cam kết với Quốc hội khi trình dự án Luật này là không tăng biên chế. Đây là điều hoàn toàn có cơ sở vì trên thực tế đây là việc đánh giá và bố trí lại lực lượng trong CAND.

“Điều này thì Chính phủ cũng đã đồng ý là từ nay đến năm 2021 Bộ Công an không tăng bất cứ một biên chế nào, toàn bộ là sắp xếp trong nội bộ và duy trì biên chế hiện có. Thành ra từ nay cho đến năm 2021, khi Luật CAND sửa đổi được ban hành thì cũng không tăng biên chế”, Bộ trưởng khẳng định.

Bộ trưởng Tô Lâm trao đổi với các đại biểu bên hành lang Quốc hội.


Về vấn đề trang bị cho lực lượng Công an xã, Bộ trưởng Tô Lâm cho biết, Bộ Công an tính toán sẽ tăng cường 03 phương tiện: Xe máy tuần tra giao thông, phương tiện thông tin liên lạc và công cụ hỗ trợ. Và những phương tiện này đều nằm trong kinh phí, tính toán, sắp xếp của Bộ Công an, đều nằm trong kế hoạch của các cơ sở công nghiệp an ninh, các nhà máy sản xuất công cụ hỗ trợ của Bộ Công an để đủ trang bị cho lực lượng Công an xã chính quy.

Về băn khoăn của các đại biểu, giải quyết như thế nào đối với lực lượng Công an xã không chuyên trách hiện nay, Bộ Trưởng Tô Lâm phân tích: Qua đánh giá, chúng tôi xác định đây là lực lượng rất quan trọng trong bảo vệ an ninh quốc gia, đặc biệt ở cơ sở không thể thiếu được. Nhất là những quần chúng tích cực tham gia trong việc giữ gìn an ninh, đảm bảo trật tự, an toàn xã hội.

“Theo lộ trình, chúng tôi sẽ báo cáo Quốc hội cho phép xây dựng 01 dự luật về lực lượng trị an ở cơ sở, trên cơ sở tổng kết Pháp lệnh về Công an xã, Pháp lệnh về lực lượng bảo vệ ở các cơ quan, xí nghiệp và Nghị định số 38 về lực lượng dân phòng ở các khu phố. Đây là hướng để giải quyết đối với các lực lượng này, chứ không phải chuyển sang lực lượng khác, không tham gia bảo vệ trật tự trị an ở cơ sở nữa” - Bộ trưởng nói.
 
Thay mặt Ban Soạn thảo, Bộ trưởng Tô Lâm trân trọng cảm ơn các đại biểu Quốc hội và nhân dân đã quan tâm và có nhiều ý kiến đóng góp với dự án Luật. “Ý kiến của các đại biểu Quốc hội và cử tri cả nước thể hiện sự tâm huyết, trách nhiệm cao đối với công tác bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội, cuộc sống bình yên của nhân dân và đặc biệt là quan tâm đến việc xây dựng lực lượng CAND chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại” - Bộ trưởng đánh giá.
 
Toàn cảnh phiên họp.

 

Bộ trưởng Tô Lâm khẳng định, sau buổi thảo luận hôm nay, cơ quan chủ trì soạn thảo sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các cơ quan của Quốc hội nghiên cứu, tiếp thu ý kiến, chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo Luật cả về hình thức và nội dung, phù hợp với Hiến pháp và pháp luật, đủ điều kiện trình Quốc hội thông qua.

Trước đó, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Võ Trọng Việt trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật nêu rõ, về hệ thống tổ chức của CAND (Điều 17), nhiều ý kiến tán thành chính quy Công an xã, thị trấn nhưng đề nghị có lộ trình phù hợp để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, phù hợp với điều kiện ngân sách, địa bàn, bảo đảm tính khả thi, thống nhất với pháp luật có liên quan; nghiên cứu bổ sung điều khoản chuyển tiếp về tiếp tục thực hiện Pháp lệnh Công an xã ở các địa bàn chưa tổ chức Công an xã chính quy.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội thấy rằng, chủ trương xây dựng Công an xã, thị trấn chính quy là đúng đắn. Tuy nhiên, đây là vấn đề mới, có tính chất thay đổi căn bản so với hệ thống pháp luật hiện hành, liên quan đến toàn bộ hệ thống tổ chức, hoạt động của Công an cấp cơ sở và việc bố trí, sử dụng lực lượng Công an xã bán chuyên trách hiện nay. Vì vậy, cần có lộ trình thực hiện để bảo đảm tính khả thi, hiệu quả và đồng bộ với việc thực hiện chủ trương của Đảng về đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.

Tiếp thu ý kiến các vị đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo chỉnh lý dự thảo Luật theo hướng cho bổ sung Điều 46 (Điều khoản chuyển tiếp); đồng thời, bổ sung vào điều khoản sửa đổi để sửa đổi, bổ sung một số quy định của pháp luật có liên quan như dự thảo Luật tiếp thu, chỉnh lý.
 

 

An Quỳnh
Tìm kiếm
Tin tức - Sự kiện
Liên kết website