Hội nghị góp ý kiến Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 trong Công an nhân dân

14/03/2013
 Ngày 14/3/2013, tại Hà Nội, Bộ Công an tổ chức Hội nghị góp ý kiến Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992. Đại tướng, Giáo sư, Tiến sĩ Trần Đại Quang, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Đảng ủy Công an Trung ương, Bộ trưởng Bộ Công an, Ủy viên Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 chủ trì Hội nghị. 

 Dự Hội nghị có Tiến sĩ Trương Minh Tuấn, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; GS.TS Trần Ngọc Đường, Thường trực Ban Biên tập sửa đổi Hiến pháp năm 1992; đại diện một số Bộ, ban, ngành hữu quan Trung ương; lãnh đạo các Tổng cục, Bộ Tư lệnh, Vụ, Viện, Trường CAND; đại diện Ban Giám đốc Công an một số tỉnh, thành phố; các nhà khoa học, nhà nghiên cứu trong lực lượng Công an nhân dân (CAND). 

 

Hội nghị góp ý kiến Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 trong CAND.

 

Thực hiện Nghị quyết của Quốc hội, Chỉ thị của Bộ Chính trị; Kế hoạch của Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 và Kế hoạch của Chính phủ về việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân đối với Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, Bộ Công an đã nghiêm túc quán triệt, tổ chức triển khai việc lấy ý kiến trong toàn lực lượng CAND. Đảng ủy Công an Trung ương và lãnh đạo Bộ Công an đã phát động một đợt sinh hoạt chính trị - pháp lý quan trọng, rộng lớn trong toàn lực lượng nhằm phát huy dân chủ trực tiếp, trí tuệ, quyền, nghĩa vụ của công dân đối với Tổ quốc và là trách nhiệm của mỗi cán bộ, chiến sĩ Công an đối với việc góp ý kiến sửa đổi Hiến pháp năm 1992.
 
Với tinh thần trách nhiệm cao, sau gần 3 tháng triển khai Kế hoạch lấy ý kiến về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, đã có 106/106 Công an các đơn vị, địa phương ban hành và tổ chức thực hiện nghiêm túc Kế hoạch lấy ý kiến về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, bảo đảm 100% cán bộ, chiến sĩ trong cơ quan, đơn vị nghiên cứu góp ý kiến vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992. Các ý kiến tham gia góp ý một cách toàn diện, ở nhiều góc độ khác nhau về tất cả các nội dung lấy ý kiến, trong đó nhiều ý kiến đóng góp có chất lượng, tập trung vào những nội dung có nhiều thay đổi của Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 như về Chế độ chính trị; Vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam; Quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân; Quyền và nghĩa vụ công dân về bảo vệ Tổ quốc; Những quy định có liên quan đến chức năng, nhiệm vụ của CAND… 
 
 
Đại tướng Trần Đại Quang, Bộ trưởng Bộ Công an và các đại biểu tham dự Hội nghị.
 
 
Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Trần Đại Quang nhấn mạnh việc tham gia đóng góp ý kiến vào sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1992 là trách nhiệm, nghĩa vụ của mỗi công dân nói chung và mỗi cán bộ, chiến sĩ CAND nói riêng. Nội dung tham gia ý kiến của lực lượng CAND đã bám sát chỉ đạo của Bộ Chính trị, yêu cầu của Quốc hội, của Chính phủ. Số lượng ý kiến tham gia rất sôi nổi, phong phú, đa dạng, tập trung và có chất lượng.
 
Qua tổng hợp ý kiến tham gia xây dựng Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 trong lực lượng CAND, có thể khẳng định tuyệt đại đa số cán bộ, chiến sĩ CAND thống nhất với các quy định mang tính nguyên tắc của Hiến pháp; đồng thời làm rõ hơn, đầy đủ và sâu sắc hơn các vấn đề như: Khẳng định thể chế của Nhà nước ta là Cộng hòa XHCN Việt Nam, là một nước độc lập, dân chủ, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ; Nhà nước ta là Nhà nước pháp quyền XHCN của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân. Tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân; quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp, kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp. Khẳng định rõ và sâu sắc hơn vai trò lãnh đạo duy nhất đối với Nhà nước và xã hội của Đảng Cộng sản Việt Nam; đồng tình với quy định về chế độ sở hữu nêu trong dự thảo sửa đổi. Xác định vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước trong nền kinh tế quốc dân. Quy định rõ, đầy đủ và cụ thể hơn trong Hiến pháp về vị trí, chức năng, nhiệm vụ của lực lượng CAND với tính chất là lực lượng vũ trang trọng yếu của Đảng, Nhà nước và của nhân dân. Làm rõ hơn mối quan hệ giữa bảo vệ an ninh, trật tự với phát triển kinh tế, xã hội và đối ngoại; giữa nhiệm vụ bảo vệ an ninh, trật tự với nhiệm vụ quốc phòng; và nhiều ý kiến về Quốc hội, về chính quyền địa phương, về quyền con người và quyền và nghĩa vụ công dân… 
 
Cũng qua thảo luận, 100% ý kiến của các cơ quan, đơn vị trong CAND kiến nghị trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 không nên bổ sung quy định về Hội đồng Hiến pháp (Điều 120 dự thảo). Trên thực tế, các quy định pháp luật và cơ chế hiện có đã đủ để bảo vệ Hiến pháp. Quy định về Hội đồng Hiến pháp trong dự thảo là chưa cần thiết, không phù hợp, chỉ tạo thêm sự cồng kềnh và chồng chéo, không có tính hiệu quả thực tế.
 
Để việc tham gia đóng góp ý kiến vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 vẫn được tiếp tục đến trước khi Quốc hội thông qua, Bộ trưởng Trần Đại Quang đề nghị lãnh đạo Công an các đơn vị, địa phương tiếp tục chỉ đạo cán bộ, chiến sĩ nghiên cứu tham gia ý kiến vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992; cần chủ động phối hợp với các cấp, các ngành, địa phương làm tốt hơn nữa công tác tổ chức, tuyên truyền, tạo điều kiện cho nhân dân tham gia góp ý đối với Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 một cách dân chủ, theo định hướng của Đảng, cảnh giác với các hành vi lôi kéo, kích động, tuyên truyền chống Đảng và Nhà nước.
 
Nhân dịp này, Đại tướng Trần Đại Quang ghi nhận, biểu dương và đánh giá cao việc Công an các đơn vị, địa phương đã thực hiện nghiêm túc Kế hoạch của Bộ về việc tổ chức lấy ý kiến về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, thực hiện tốt nhiệm vụ bảo vệ an ninh, trật tự trong quá trình lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo; các cơ quan thống tấn, báo chí đã đồng hành trong suốt quá trình tổ chức lấy ý kiến Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 trong CAND…/.
 
Lan Anh- Tuấn Đạt
Tìm kiếm
Tin tức - Sự kiện
Liên kết website