Thẩm tra hai dự án Luật do Bộ Công an chủ trì soạn thảo

07/09/2020
Ngày 07/9/2020, tại Hà Nội, Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh tổ chức phiên họp mở rộng, thẩm tra Báo cáo của Chính phủ về dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự (ANTT) ở cơ sở; Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông (TTATGT) đường bộ. Đại tướng Đỗ Bá Tỵ, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội dự và phát biểu tại phiên họp. Thượng tướng Võ Trọng Việt, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh chủ trì phiên họp.

Cùng dự có đại diện Thường trực các Ủy ban của Quốc hội; Văn phòng Trung ương Đảng, Văn phòng Chính phủ, lãnh đạo Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Tư pháp...

Đại tướng Đỗ Bá Tỵ, Phó Chủ tịch Quốc hội phát biểu tại phiên họp.

 

Thừa uỷ quyền của Thủ tướng Chính phủ, Thiếu tướng Nguyễn Duy Ngọc, Thứ trưởng Bộ Công an trình bày Tờ trình dự án Luật nêu rõ, Luật lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở nhằm thể chế hoá quan điểm, chủ trương của Đảng về xây dựng, củng cố, duy trì lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở; điều chỉnh chức năng, nhiệm vụ, chế độ, chính sách đối với lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở; kịp thời tạo cơ sở pháp lý để tiếp tục sử dụng lực lượng Công an xã bán chuyên trách kết thúc nhiệm vụ Công an xã tham gia bảo vệ ANTT theo quy định của Luật Công an nhân dân năm 2018; bảo đảm phù hợp với quy định của Hiến pháp; sắp xếp bố trí lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở theo hướng thống nhất, kiện toàn, tinh gọn đầu mối gắn với hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ, giảm chi ngân sách, nâng cao hiệu quả hoạt động; nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về ANTT tại cơ sở; xây dựng hệ thống pháp luật đồng bộ, thống nhất, có hiệu lực pháp lý cao quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của các lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở...

Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc nhấn mạnh, hiện nay, các địa phương trong cả nước đã hoàn thành xong việc bố trí Công an xã chính quy đạt 100% các xã, thị trấn với hơn 30.000 người. Điều này làm phát sinh thực tế là có 126.000 Công an xã bán chuyên trách đã được thay thế bằng Công an chính quy do sỹ quan, hạ sỹ quan Công an đảm nhiệm. Do đó phải bố trí cho các chức danh Công an xã này được tiếp tục tham gia bảo vệ ANTT trên địa bàn nơi bố trí Công an xã chính quy.

Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc cho biết, Luật Lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở gồm 5 chương, 35 điều. Quy định vị trí, chức năng, nguyên tắc tổ chức, hoạt động, nhiệm vụ, quyền hạn, bảo đảm điều kiện hoạt động, quan hệ công tác, tuyển chọn, bố trí lực lượng và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức đối với lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở. Dự thảo Luật xác định đây là lực lượng quần chúng tự nguyện được tuyển chọn tham gia phối hợp, hỗ trợ Công an chính quy trong công tác bảo đảm ANTT trên địa bàn cấp xã; tham gia xây dựng  phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc.

Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc phát biểu tại phiên họp.

 

Về nhiệm vụ, quyền hạn của lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở, Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc cho biết, dự thảo Luật điều chỉnh thống nhất nhiệm vụ, quyền hạn của các lực lượng bảo vệ dân phố, dân phòng, Công an xã bán chuyên trách thành nhiệm vụ chung của lực lượng bảo vệ ANTT ở cơ sở bảo đảm phù hợp với trình độ, năng lực và thể hiện rõ tính chất là “lực lượng tham gia hỗ trợ”, tránh trùng lặp với nhiệm vụ, quyền hạn của Công an cấp xã chính quy và chính quyền cơ sở.

Về sắp xếp, bố trí lực lượng, Dự thảo Luật quy định các lực lượng bảo vệ dân phố, dân phòng, Công an xã bán chuyên trách kết thúc nhiệm vụ tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở được sắp xếp thống nhất thành 01 lực lượng với tên gọi chung là lực lượng bảo vệ ANTT ở cơ sở và được bố trí thành tổ ANTT ở thôn, tổ dân phố, đơn vị dân cư tương đương thuộc địa bàn cấp xã. Kinh phí hoạt động đối với lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở do ngân sách địa phương hỗ trợ, cân đối kết hợp với huy động nguồn lực trong nhân dân...

Tại phiên họp, cơ bản các ý kiến đều cho rằng, cần thiết phải có lực lượng đảm bảo ANTT tại cơ sở để sắp xếp thống nhất các lực lượng như bảo vệ dân phố, dân phòng, Công an xã bán chuyên trách đã kết thúc nhiệm vụ... thành một lực lượng chung.

Phát biểu tại phiên họp, bà Trương Thị Ngọc Ánh, Phó Chủ tịch Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cho biết, việc xây dựng Luật là cần thiết để bảo vệ quyền lợi cũng như quy định rõ trách nhiệm của những người trực tiếp tham gia trật tự ở cơ sở. Như hiện nay, các hiệp sỹ đường phố có tham gia bảo vệ ANTT, nhưng nếu hy sinh thì không có quy định để xét công nhận liệt sỹ; các đồng chí bảo vệ dân phố, dân phòng khi đi tuần tra bảo vệ an ninh thôn xóm cũng rất vất vả, nguy hiểm nhưng chế độ chính sách chưa được cụ thể. Vì vậy, cần có Luật để bảo vệ tính mạng, sức khoẻ của họ cũng như quy định nhiệm vụ, quyền hạn họ được phép thực hiện.

Phát biểu tiếp thu ý kiến, Thiếu tướng Nguyễn Duy Ngọc, Thứ trưởng Bộ Công an khẳng định Bộ Công an sẽ tiếp thu các ý kiến, hoàn thiện dự thảo để báo cáo Chính phủ trình Quốc hội thông qua sớm nhất. Lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở sẽ  chịu sự hướng dẫn, chỉ đạo nghiệp vụ của Công an xã, nghĩa là sẽ được huấn luyện, đào tạo nghiệp vụ để khi có việc xảy ra giải quyết được ngay. Tiêu chuẩn đối với lực lượng này đảm bảo tính tự nguyện nhưng phải đáp ứng yêu cầu sức khỏe, uy tín, nhân thân theo quy định. Người tham gia lực lượng này vẫn có thể tiếp tục tham gia ở các nhiệm vụ khác ở địa phương. Bộ Công an đề ra 07 nhóm nhiệm vụ, trong đó có nhiệm vụ như: Ai cũng có quyền thực hiện là bắt quả tang đối tượng phạm tội; nắm tình hình ở khu vực, lĩnh vực phụ trách ở cơ sở... Bộ Công an vừa qua đã triển khai 100% Công an chính quy xuống xã nhưng không tăng biên chế. Để thực hiện Luật này, sẽ tiếp tục sử dụng lực lượng Công an xã bán chuyên trách đã hoàn thành nhiệm vụ, lực lượng dân phố, dân phòng... tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở theo quy định của Luật Công an nhân dân năm 2018. 

Phát biểu chỉ đạo tại phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ cho rằng cần thiết ban hành Luật và không nên hiểu lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở là "Công an hóa". Vì lực lượng này ở cơ sở là cần thiết nhưng để giao cho các bộ phận tạo thành "dàn hợp xướng" và có sự điều hành thì cần có chính quyền địa phương, đồng thời có cơ quan tham mưu tổ chức lực lượng chính là Công an. 

Với mong muốn Quốc hội sớm xem xét ban hành dự thảo Luật trong nhiệm kỳ này, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Võ Trọng Việt yêu cầu Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh ngay sau phiên họp tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an và các cơ quan liên quan để nghiên cứu kỹ ý kiến của các đại biểu, tiếp thu đầy đủ, giải trình hoàn thiện dự thảo Luật Lực lượng tham gia bảo vệ ANTT tại cơ sở, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại Phiên họp 48 tới và trình Quốc hội thông qua trong kỳ họp (kỳ họp thứ 10) sắp tới.

Thượng tướng Võ Trọng Việt, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh phát biểu tại phiên họp.

 

*Cũng tại phiên họp, thừa uỷ quyền Thủ tướng Chính phủ, Thiếu tướng Nguyễn Duy Ngọc, Thứ trưởng Bộ Công an đã trình bày Tờ trình dự án Luật Bảo đảm TTATGT đường bộ nêu rõ, việc xây dựng Luật Bảo đảm TTATGT nhằm tách bạch 02 nội dung khác nhau hiện đang được quy định trong Luật Giao thông đường bộ năm 2008 đó là: TTATGT đường bộ (thuộc lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội) và xây dựng, phát triển, quản lý kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, quản lý vận tải, đường bộ (thuộc lĩnh vực kinh tế - kỹ thuật), chủ yếu điều chỉnh mối quan hệ giữa cơ quan nhà nước với các tổ chức, cá nhân khi thiết kế, quy hoạch, xây dựng và chuyển giao công trình hạ tầng giao thông, kinh doanh vận tải, hỗ trợ vận tải. Việc xây dựng Luật Bảo đảm TTATGT nhằm tạo ra bước chuyển biến cơ bản, bền vững trong việc bảo đảm TTATGT, bảo đảm về tính mạng, sức khoẻ cho người tham gia giao thông, góp phần bảo đảm tốt hơn quyền con người, quyền công dân theo quy định của Hiến pháp và các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên, giảm ùn tắc giao thông gắn với bảo vệ môi trường; xây dựng văn hoá giao thông văn minh tiệm cận dần đến văn minh giao thông của các quốc gia trên thế giới. Trong quá trình xây dựng Luật, Bộ Công an đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Giao thông vận tải, Bộ Tư pháp và các bộ, ngành liên quan để thống nhất phạm vi điều chỉnh, rà soát nội dung cụ thể của hai dự án Luật, đảm bảo không bị chồng chéo. Dự thảo Luật bao gồm 08 chương, 72 điều.

Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc trình bày Tờ trình dự án Luật Bảo đảm TTATGT đường bộ.

 

Báo cáo thẩm tra của Uỷ ban Quốc phòng và An ninh nêu rõ, Thường trực Uỷ ban thấy rằng, dự án Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) đã được Quốc hội đưa vào Chương trình xây dựng Luật, pháp lệnh năm 2020, sẽ được trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 10 và xem xét thông qua tại kỳ họp thứ 11. Đây cũng là thời điểm thích hợp để nghiên cứu, xây dựng, ban hành Luật Bảo đảm TTATGT đường bộ. Cả 02 dự án Luật có tác động qua lại lẫn nhau, đều thuộc lĩnh vực giao thông đường bộ, đều có nhiều nội dung kế thừa, phát triển từ Luật Giao thông đường bộ năm 2008 nên xem xét cùng thời điểm cả 02 dự án Luật sẽ thuận lợi trong tách bạch phạm vi điều chỉnh, nội dung cho rõ ràng minh bạch, tạo cơ sở pháp lý nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động đảm bảo TTATGT đường bộ và xây dựng phát triển, quản lý kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ.

Tại phiên họp, các ý kiến đều thống nhất quan điểm cần thiết phải xây dựng dự án Luật Bảo đảm TTATGT để tách bạch khỏi Luật Giao thông đường bộ năm 2008. Nội dung Luật tương đối độc lập, không chồng chéo. Việc ban hành Luật này là cần thiết nhằm triển khai thực hiện chỉ đạo của Ban Bí thư, hoàn thiện cơ sở pháp lý về bảo đảm TTATGT đường bộ, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước và khắc phục những hạn chế, bất cập hiện nay. 

Phát biểu tiếp thu ý kiến của các đại biểu, Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc khẳng định sẽ chỉ đạo Ban soạn thảo phối hợp với các bộ, ngành tiếp tục hoàn thiện dự án Luật để trình Quốc hội trong kỳ họp thứ 10 sắp tới…

 

Phương Thủy
Tìm kiếm
Tin tức - Sự kiện
Liên kết website