Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính

10/02/2020
Thực hiện Chương trình làm việc phiên họp thứ 42 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, sáng 10/02/2020, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính (VPHC). Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu điều hành nội dung làm việc.

Phát biểu tại phiên họp, Thượng tướng Lê Quý Vương, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an đã bày tỏ nhất trí rất cao với sự cần thiết sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý VPHC. 

Theo đồng chí Thứ trưởng, trong quản lý đất nước, quản lý xã hội, khi có những vấn đề phát sinh phức tạp thì thông thường chúng ta phải xem lại cách tổ chức thực hiện, xem lại các luật hiện hành mà ở đây là Luật Xử lý VPHC – một dự án luật điều chỉnh tập trung rất nhiều vào các nhóm hành vi cưỡng chế, xử phạt, thẩm quyền, trong đó có nhiều thẩm quyền phải sửa đổi.

Thứ trưởng Lê Quý Vương dẫn chứng, trong thời gian qua, thực hiện luật, có những vấn đề được điều chỉnh kịp thời, mang lại tác dụng tích cực, ví dụ như Nghị định số 100 do Chính phủ ban hành có hiệu quả rất tốt, đặc biệt là chế tài. Tai nạn giao thông giảm gần 20% về số vụ, số người chết và bị thương; đặc biệt vấn đề nguyên nhân từ rượu bia giảm mạnh.

Toàn cảnh phiên họp.

 

Tuy nhiên, xung quanh vấn đề này có nhiều nội dung cần thiết phải sửa đổi, không chỉ sửa các quy định chung của luật mà cụ thể cần kèm theo các Nghị định của Chính phủ để ban hành về hành vi, chế tài, thẩm quyền. Chẳng hạn, tới đây đang đề xuất sửa Nghị định 167 về xử lý VPHC trong lĩnh vực an ninh, trật tự. Ví dụ hành vi dâm ô phải sửa ngay, không thể có chuyện phạt 200.000 đồng được, phải ở mức cao hơn như dự thảo luật là 02 triệu đồng, 05 triệu đồng, hoặc tối đa có thể cao hơn. 

Thứ trưởng Lê Quý Vương cho rằng, qua xem lại sự tương thích giữa Bộ luật Hình sự và Luật Xử lý VPHC, riêng về chế tài xử phạt tiền thì Bộ luật Hình sự vẫn cao hơn rất nhiều và 02 luật này không có mâu thuẫn với nhau. “Ví dụ tội đánh bạc Bộ luật Hình sự xử phạt hàng trăm triệu, hành vi liên quan đến chứng khoán có trường hợp đến 03 tỷ, môi trường 05 tỷ; trong đó có hình phạt chính nhưng có thể kèm theo hình phạt phụ. Còn trong Luật Xử lý VPHC chỉ 01 tỷ đồng, như vậy không có gì vướng mắc cả. Chúng tôi sẽ rà soát lại, đảm bảo hai luật đồng bộ với nhau”, Thứ trưởng thông tin thêm.

Xung quanh vấn đề trẻ em hư và nghiện hút ma tuý, Thứ trưởng Lê Quý Vương cho biết, trước khi có Luật Xử lý VPHC thì Bộ Công an có cả một hệ thống các Trường giáo dưỡng, tổ chức như một Trường phổ thông, dạy học cho các cháu. Các trẻ em hư, lang thang, không nơi nương tựa được đưa vào đây theo quyết định về chính quyền. Các cháu được tổ chức học tập, lao động. Các quản giáo với các cháu như thầy và trò, mô hình rất tốt. Sau này có Luật Xử lý VPHC thì các trường này gần như đóng cửa.

“Thêm nữa, trong chế tài của Bộ luật Hình sự chỉ đặt vấn đề tội phạm ở mức độ đặc biệt nghiêm trọng trong lứa tuổi 14-16, còn lại các trường hợp khác không đề cập. Hiện nay các cháu bỏ học đi lang thang nhiều, cho nên chúng ta phải quan tâm”, Thứ trưởng Lê Quý Vương lưu ý.

Đối với vấn đề nghiện hút, đồng chí Thứ trưởng cho hay, hiện chúng ta có người nghiện và người sử dụng ma tuý trái phép, 02 khái niệm này rất khó xác định. Có ý kiến đánh giá, người sử dụng chưa chắc đã nghiện, nhưng thực ra người đã sử dụng ma tuý rất dễ nghiện. Hiện các cơ sở cai nghiện chủ yếu là cai nghiện bắt buộc và thủ tục cai nghiện bắt buộc mất rất nhiều thời gian. Trong khi nếu áp dụng được như luật này thì chúng ta sẽ dễ tổ chức. Được biết, qua kiểm tra các cơ sở cai nghiện bắt buộc thì họ đồng thời cũng tổ chức cai nghiện tự nguyện, như vậy rất tốt. Như Hà Nội, hàng trăm đối tượng có tính chất “ngáo đá” thì ai quản lý? Nếu sửa đổi Luật Xử lý VPHC thì có thể tổ chức lại vấn đề này.

Thứ trưởng Lê Quý Vương phát biểu tại phiên họp.

 

Đồng chí Thứ trưởng Bộ Công an nhấn mạnh, xung quanh vấn đề này cũng không ảnh hưởng gì đến quyền con người. “Ở 01 sân bay của Singapore, những suất ăn của cán bộ, nhân viên đều do nguồn cung cấp của một khu cải tạo. Họ lấy kinh phí đó để nuôi những người cải tạo. Rồi nhiều sản phẩm của Singapore là do phạm nhân sản xuất”, Thứ trưởng Lê Quý Vương dẫn chứng.

Đối với con số cụ thể, theo đồng chí Thứ trưởng, năm 2009 số người sử dụng trái phép chất ma tuý tại cộng đồng là 25.286 người; đến năm 2018 tăng gấp đôi, 49.210 người. Về số người nghiện có hồ sơ quản lý cũng tăng rất nhiều. 146.731 người năm 2009, đến năm 2018 là 225.099 người.

Thứ trưởng Lê Quý Vương chỉ rõ, đặc biệt, trong Luật Xử lý VPHC, việc áp dụng biện pháp cai nghiện bắt buộc đối với người nghiện ma tuý dưới 16 tuổi không thực hiện, mà chỉ còn quy định áp dụng biện pháp cai nghiện bắt buộc đối với người từ 18 tuổi trở lên, như vậy người dưới 18 tuổi, trong độ tuổi dễ nghiện nhất, dễ xảy ra các vi phạm nhất thì gần như chúng ta ít quan tâm.

Từ đó đồng chí Thứ trưởng cũng đặt vấn đề cần đơn giản hoá thủ tục áp dụng các biện pháp xử lý VPHC và nâng mức xử phạt trong xử lý VPHC. “Riêng Bộ Công an không còn mô hình cũ có các Tổng cục nên chúng tôi muốn thay đổi để đúng thẩm quyền xử lý VPHC theo quy định của pháp luật”, Thứ trưởng Lê Quý Vương lưu ý thêm.

 

Quỳnh Vinh
Tìm kiếm
Tin tức - Sự kiện
Liên kết website