Chuyện nghề của Đại úy Trần Quang Minh

22/04/2016
Phải đứng ở vị trí một người lính điều tra trọng án mới “thấm” hết được những khó khăn, vất vả mà Đại úy Trần Quang Minh, Đội trưởng Đội trọng án, Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Hà Nam đã từng trải qua.

Có những vụ án bắt đầu từ con số không tròn trĩnh: không nhân chứng, không hiện trường, mọi dấu vết đã bị đối tượng tìm cách xóa sạch, danh tính nạn nhân vẫn còn là một ẩn số…Thế nhưng bằng mưu trí, sự dũng cảm, những biện pháp nghiệp vụ, anh cùng đồng đội luôn hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao, phá nhiều vụ trọng án hóc búa. Chỉ tính riêng trong năm 2015 và những tháng đầu năm 2016, anh đã cùng tập thể Đội trọng án, Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Hà Nam điều tra, khám phá 8/8 vụ án đặc biệt nghiêm trọng, đạt tỷ lệ 100%; bắt 51 đối tượng; triệt phá 2 ổ nhóm; bắt, khởi tố, xử lý 8 đối tượng…

Đại úy Trần Quang Minh, Đội trưởng Đội trọng án, Phòng cảnh sát Hình sự, Công an tỉnh Hà Nam.



Một trong những chuyên án khiến anh nhớ nhất là quá trình điều tra vụ giết người, cướp tài sản do đối tượng Trần Văn Sơn (sinh năm 1992, trú tại Bình Lục, Hà Nam) gây ra. Anh kể lại, vào thời điểm phạm tội, đối tượng Sơn đang là bảo vệ của Công ty cổ phần Dịch vụ bảo vệ Nam Hoàng, Hải Hậu, Nam Định. Mặc dù đã có gia đình riêng nhưng Sơn vẫn qua lại với chị Lò Thị H (Yên Bái) làm nghề “buôn phấn, bán hoa”. Trong một lần đi chơi, Sơn ra tay sát hại chị H rồi cướp tài sản, giấu xác nạn nhân đồng thời tiêu hủy mọi tang vật có liên quan. Nhiều ngày sau, xác nạn nhân mới được những công nhân làm đường quốc lộ 21B tình cờ phát hiện trong tình trạng đã phân hủy.

Đứng trước vụ án mà chưa xác định được cả danh tính nạn nhân, Đại úy Minh cùng đồng đội gặp rất nhiều khó khăn. Phải mất một thời gian sau, khi người nhà của nạn nhân đọc được thông báo truy tìm tung tích người bị hại do Công an tỉnh Hà Nam phát đi, các anh mới xác định được danh tính chị H. Do chị H làm nghề “nhạy cảm”, có nhiều mối quan hệ với những người khác giới nên việc khoanh vùng nghi can là cực kỳ khó. Khi thu thập lời khai của các nhân chứng, các anh cũng chỉ nắm được thông tin dạo gần đây H. thường nhắn tin và có tình cảm với một người đàn ông ở Hà Nam, song không biết cụ thể người này là ai, ở đâu. Vào ngày xảy ra án mạng, nạn nhân H có nói với mọi người là đi thăm em trai ở Hà Nội. Ngoài ra, các nhân chứng không cung cấp thêm thông tin gì khác.

Những tưởng vụ án sẽ đi vào ngõ cụt, song bằng sự phán đoán tài tình kết hợp những manh mối ít ỏi thu thập được, Đại úy Minh cùng đồng đội đã nghi ngờ đối tượng gây án là Sơn. Sau vài ngày theo sát mọi hoạt động của Sơn, đúng như phán đoán, đối tượng có biểu hiện thay đổi rõ rệt về tâm lý, không ăn, không ngủ. Khi đang tìm đường bỏ trốn, Sơn đã bị bắt giữ tại thị xã Phủ Lý (Hà Nam). Tại cơ quan điều tra, qua quá trình đấu tranh, Sơn đã khai nhận hành vi phạm tội.

Một vụ án nữa mà Đại úy Minh nhớ mãi là vào cuối năm 2015. Khi đó đã khoảng 22h, người bị hại là anh Trần Mạnh Tiến tìm đến Phòng cảnh sát hình sự Công an tỉnh Hà Nam với vẻ hốt hoảng, lo sợ. Nạn nhân kể lại trước đó nửa tiếng, anh định đi xe máy từ nhà riêng đến nhà bố vợ. Tuy nhiên khi ra đầu ngõ, anh gặp 2 thanh niên đi chung xe máy AirBlade màu đỏ, di chuyển theo hướng từ cầu Kiện Khê đi vào, tên ngồi phía sau cầm súng hoa cải kiểu tự chế chĩa nòng súng vào người anh. Quá sợ hãi, anh phóng vội xe về nhà và hô hoán mọi người, người cháu ruột của anh là Trần Mạnh Cường chạy ra nên cả hai chú cháu đều bị nhiều vết thương do đạn bắn vào phần đầu và mặt.

Đại úy Minh trao đổi nghiệp vụ với cán bộ trong đơn vị.



Xác định vụ việc có tính chất nghiêm trọng, lại xảy ra vào dịp cận kề Tết Nguyên đán khiến nhiều người dân hoang mang, Đại úy Minh cùng đồng đội quyết tâm phải phá án trong thời gian sớm nhất. Dù không có nhân chứng trực tiếp hay gián tiếp, song sau hơn 12 ngày đêm lăn lộn ở địa bàn, điều tra và thu thập tài liệu, hai đối tượng gây án đã được xác định là Vũ Đình Thăng (sinh năm 1986) và Nguyễn Văn Dũng (sinh năm 1989), cùng trú tại Thanh Hà, Hải Dương. Đại úy Minh khi đó được lãnh đạo đơn vị giao nhiệm vụ chỉ huy tổ trinh sát truy bắt hai đối tượng có vũ khí nóng. Chỉ trong thời gian ngắn, hai đối tượng đã bị bắt giữ cùng toàn bộ vật chứng. Tại cơ quan điều tra, anh đã dùng nhiều biện pháp đấu tranh buộc hai đối tượng cúi đầu nhận tội.

Chia sẻ bí quyết thành công, Đại úy Trần Quang Minh khiêm tốn nói rằng: Mỗi chiến công của Đội trọng án, Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Hà Nam hôm nay đều là thành tích, trí tuệ của cả một tập thể đơn vị. Phía sau những thành công đó còn là sự hy sinh lặng lẽ của những người vợ, người mẹ. Đó là những bữa cơm chẳng bao giờ trọn vẹn, những lời hứa luôn dang dở và những cái Tết đoàn viên chỉ đếm trên đầu ngón tay…Với công việc của người lính điều tra trọng án, chỉ cần nhận lệnh là lên đường bất kể thời gian, còn một vụ án dang dở nghĩa là anh và đồng đội luôn cảm thấy mắc nợ với nhân dân. Bên cạnh trách nhiệm với công việc, điều anh lo lắng nhất chính là sự an nguy của các đồng đội khi phải đối mặt với đối tượng hình sự cộm cán, sử dụng vũ khí nóng. Bởi nếu việc bắt giữ không đảm bảo an toàn thì chuyên án đó sẽ không thành công trọn vẹn.

Với những cống hiến của mình, Đại úy Trần Quang Minh nhiều lần được Bộ trưởng Bộ Công an, Tổng cục Cảnh sát, UBND tỉnh tặng Bằng khen. Ba năm liên tục từ 2013 – 2015, anh đều đạt danh hiệu "Chiến sỹ thi đua cơ sở" và đang vinh dự được đề nghị Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen về thành tích xuất sắc trong công tác điều tra phá án./.

Mai Xuân
Tìm kiếm
Tin tức - Sự kiện
Liên kết website