Đất cằn tạo anh hùng

05/05/2016
Trại giam Thủ Đức là nơi chứa hàng nghìn phạm nhân đủ các án tù, từ phạm nhân người nước ngoài, phạm nhân mù chữ đến những phạm nhân phạm tội nguy hiểm liên quan đến ma túy, HIV... Song từ năm 2005 đến nay, Trại luôn giữ vững kỷ cương, nề nếp, không có phạm nhân nào trốn khỏi trại giam. Có được thành quả ấy phải kể đến những đóng góp quan trọng của Đại tá Trần Hữu Thông, Giám thị Trại giam – người vừa được phong tặng danh hiệu cao quý Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.

Sinh ra và lớn lên trong một gia đình có truyền thống cách mạng, Đại tá Thông theo học trường Trung cấp Cảnh sát, sau đó anh được điều động vào công tác tại Trại giam Thủ Đức. Nhận công tác với tinh thần hăng hái của tuổi trẻ, đến nơi anh và đồng đội mới biết đây là vùng đất nổi tiếng “cằn khô sỏi đá, rừng thiêng nước độc”. Nhiệm vụ đầu tiên được đơn vị giao là xây dựng Phân trại K2, theo tinh thần “cây rừng, sức người” tự túc hoàn toàn, anh cùng đồng đội đã vào rừng chặt cây về dựng trại. Anh nhớ lại: "Chúng tôi được đơn vị khoán mỗi người, mỗi ngày phải làm một cây cột dài 5m, đường kính 25cm. Hồi đó không có phương tiện vận chuyển, chặt cây xong thì hè nhau cõng về… Không có nhà dân, đói rã ruột, anh em ăn khoai mì, khoai lang cho đỡ dạ. Không có nước ngọt, chúng tôi đào giếng lấy nước uống…".

Từ tháng 4/2006 đến nay, trên cương vị Bí thư Đảng ủy, Giám thị Trại giam, Đại tá Thông luôn thể hiện vai trò là người chỉ huy xuất sắc, quyết đoán, lãnh đạo tập thể đơn vị vững mạnh, đoàn kết một lòng, sáng tạo nhiều biện pháp, cách làm hay trong quản giáo, giáo dục, cảm hóa tội phạm. Anh quan niệm: “Khi vào tù, phạm nhân đã phần nào mất niềm tin. Nếu mình lại khiến họ mất niềm tin thêm nữa thì họ sẽ nảy sinh tâm lý bất cần. Phải cho họ một niềm tin, tạo cho họ lối thoát. Nhà tù không chỉ đơn thuần là nơi giam giữ mà còn là nơi cảm hoá những số phận lầm lạc, hướng họ tới sự lương thiện”.

Đại tá Trần Hữu Thông đón nhận danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.



Từ năm 2007, Đại tá Thông bắt đầu khởi xướng Quỹ Tấm lòng vàng, đến nay đã quyên góp được số tiền hơn 3 tỷ đồng để giúp đỡ các phạm nhân bệnh tật hoặc không có người nhà đến thăm nuôi. Anh còn chủ động xây dựng nhiều chương trình, biện pháp nhằm xóa bỏ những mặc cảm cách biệt, cảm hóa nhiều đối tượng phạm nhân bất hợp tác trở thành nhân tố tốt trong quản lý đội, trại giam phạm nhân, thường xuyên tổ chức các hoạt động mang tính nhân văn, nhân ái như Hội nghị gia đình phạm nhân, viết thư xin lỗi,…

Bên cạnh đó, Trại giam Thủ Đức còn phối hợp chặt chẽ với địa phương trong công tác trồng rừng, bảo vệ rừng, phát huy hiệu quả phong trào toàn dân bào vệ an ninh Tổ quốc, tích cực tham gia công tác từ thiện, xã hội và nhiều hoạt động khác tại các địa phương Trại giam đóng quân. Trong 10 năm qua, Trại đã trích từ quỹ sản xuất 14 tỷ đồng xây dựng 2 nhà trẻ mẫu giáo, 100 căn nhà cấp cho cán bộ, chiến sỹ cùng gia đình để sớm ổn định yên tâm công tác.

Trung tướng Nguyễn Ngọc Bằng - Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát Thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp đã đánh giá: Trong nhiều công việc mà Trại giam Thủ Đức đã làm cùng với vai trò chỉ huy của đồng chí Giám thị Trần Hữu Thông, giá trị cốt lõi nhất mà những năm qua đã làm được chính là công tác giáo dục, dạy nghề cho phạm nhân. Sau khi chấp hành xong hình phạt, hòa nhập với cộng đồng, nhiều phạm nhân đã vươn lên làm giàu, thành đạt. Chính họ đã tìm về trại gặp gỡ các phạm nhân và nhận những phạm nhân cải tạo tốt vào làm việc ngay sau khi được đặc xá, tha tù… Con đường hoàn lương của phạm nhân đã giảm bớt rất nhiều sự gập ghềnh, chông chênh và ánh lửa niềm tin, hy vọng được đốt lên tươi sáng hơn.

Vừa qua, ngày 7/1/2016, Đại tá Trần Hữu Thông đã vinh dự được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu cao quý Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Đó chính là minh chứng rõ ràng nhất cho những cống hiến trong suốt 40 năm của người cán bộ quản giáo đầy tâm huyết./.

Hoàng Châu
Tìm kiếm
Tin tức - Sự kiện
Liên kết website