Hiệu quả mô hình quản lý, giáo dục người nghiện tại cộng đồng

05/06/2019
Theo số liệu thống kê tỉnh Đồng Tháp có gần 2.000 người nghiện có hồ sơ quản lý và nghi vấn nghiện, số hoàn thành cai nghiện trở về địa phương là khoảng 200 người, nhưng tỉ lệ tái nghiện khá cao. Lại thêm số người nghiện ma túy đá hiện nay đã và đang là vấn nạn cho xã hội, chính vì điều này mà Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Tháp đã chỉ đạo lực lượng Công an thực hiện mô hình cai nghiện tại gia đình, cộng đồng.

Thượng tá Đặng Minh Triều, Phó Trưởng Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy Công an tỉnh Đồng Tháp cho biết, muốn cai nghiện thành công đòi hỏi người nghiện ma túy phải có ý chí, quyết tâm cao mới thoát khỏi vòng xoay của ma túy. Bên cạnh đó, vai trò của gia đình, cộng đồng, xã hội, các cấp, các ngành, đoàn thể, lực lượng vũ trang là hết sức quan trọng trong việc tiếp cận, quản lý giáo dục người nghiện để họ đoạn tuyệt với ma túy trở về với gia đình, cộng đồng, xã hội.
 
Ngày 10/10/2018, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Tháp đã chọn 03 xã: (xã An Bình A thị xã Hồng Ngự, xã Mỹ Tân thành phố Cao Lãnh và xã Tân Khánh Đông thành phố Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp) làm thí điểm thực hiện mô hình này. Lực lượng Công an làm nòng cốt trong tham mưu cấp ủy, chính quyền địa phương xây dựng kế hoạch phân công đoàn thể quản lý, giáo dục, cảm hóa từng đối tượng nghiện, đồng thời vận động người nghiện ma túy tham gia các mô hình, câu lạc bộ để tiện theo dõi, giáo dục. 

Điều trị cho học viên cai nghiện tại một Trung tâm Giáo dục lao động xã hội.


Qua thời gian ngắn thực hiện, đến nay trong 20 đối tượng nghiện mà Công an cùng các ngành đoàn thể xã Mỹ Tân quản lý, giáo dục đã có nhiều đối tượng chuyển biến tốt. Đồng chí Nguyễn Văn Dũng, Phó Trưởng Công an xã Mỹ Tân chia sẽ, công tác tiếp xúc gặp gỡ người nghiện trên địa bàn thời gian qua có nhiều hình thức gặp gỡ tiếp xúc như trực tiếp đến gia đình thăm gặp cảm hóa giáo dục họ; tiếp xúc ở những nơi khác như quán cà phê, hẹn họ ra ngoài đó để uống cà phê tâm sự, chia sẻ, giáo dục để họ từ bỏ ma túy, hiện nay đang quản lý 20 người nghiện trong đó có tiến triển là 10 người.

Trong quá trình tiếp xúc gặp gỡ người nghiện, nhìn chung luôn được gia đình người nghiện đồng tình ủng hộ. Bên cạnh đó, ngoài việc quản lý đối tượng nghiện thông qua việc gặp gỡ, tiếp xúc động viên, Công an xã Mỹ Tân còn có biện pháp quản lý theo cách khác thông qua mô hình:“Thanh niên tình nguyện tuần tra đảm bảo an ninh, trật tự trên địa bàn”, Công an đã vận động được 04 thành viên là người nghiện cùng Công an xã tuần tra 01 tháng 8 lượt, thời gian tuần tra từ 20 giờ đến 22 giờ. Trong quá trình tuần tra đảm bảo an ninh, trật tự trên địa bàn, Tổ tuần tra còn tiếp xúc, gặp gỡ giáo dục, cảm hóa số đối tượng nghiện trên địa bàn. 

Với Công an xã Tân Khánh Đông, thành phố Sa Đéc cũng có cách làm tương tự để quản lý giáo dục người nghiện tại cộng đồng, Công an xã đã tham mưu thành lập Tổ công tác cai nghiện ma túy tại gia đình, cộng đồng theo từng ấp do đồng chí Trưởng ấp làm Tổ trưởng, các ngành, đoàn thể của xã và Chỉ huy Đội nghiệp vụ Công an thành phố làm thành viên, chịu trách nhiệm quản lý, giáo dục người nghiện ma túy trên địa bàn từng ấp. Trong 34 đối tượng nghiện mà Công an xã, đoàn thể quản lý, cảm hóa, giáo dục, đến nay có 18 em âm tính với ma túy, trong đó có 02 em đoạn tuyệt với ma túy, tổ công tác đang dự định đề xuất cho các em vay vốn từ nguồn quỹ tái hòa nhập cộng đồng.

Thời gian qua, mặc dù công tác này được các ngành, đoàn thể quan tâm cùng phối hợp thực hiện, song vẫn còn gặp nhiều khó khăn, bởi trong quá trình đến tiếp xúc với gia đình, còn  một số em tránh né không chịu tiếp xúc với Công an, đoàn thể, một số gia đình lo bận công việc làm ăn không quan tâm, nên công tác giáo dục, cảm hóa còn hạn chế. 

Công an xã phối hợp trong công tác cai nghiện tại cộng đồng dân cư. 


Thượng úy Đỗ Phú Lộc, Phó Trưởng Công an xã Tân Khánh Đông cho biết, khắc phục tình trạng này trong thời gian tới cần tăng cường công tác tuyên truyền bằng nhiều hình thức như phát động phong trào vì an ninh Tổ quốc, kết hợp nâng cao vai trò của tổ nhân dân tự quản các đội dân phòng ở các ấp. Đây là lực lượng nòng cốt trực tiếp ở địa phương để cùng với Công an xã phối hợp trong công tác cai nghiện tại cộng đồng dân cư. Phải kiên nhẫn sắp xếp thời gian xuống vận động các em liên tục trong thời gian dài mới nhằm đạt hiệu quả cao. Giới thiệu việc làm tạo nguồn vốn cho các em làm ăn ổn định kinh tế để các em yên tâm trong cuộc sống, mới mong các em từ bỏ được ma túy.

Thượng tá Đặng Minh Triều thông tin thêm, rà soát thống kê người nghiện ma túy, nắm thông tin, nhân thân của người nghiện để tìm ra nguyên nhân điều kiện phát sinh tệ nạn nghiện ma túy. Thực hiện đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ, nắm chắc diễn biến của người nghiện ma túy không để phát sinh các điểm, tụ điểm mua bán, vận chuyển, tàng trữ trái phép chất ma túy ở địa phương. Phối hợp chính quyền địa phương cảm hóa, giáo dục người nghiện; đề xuất hỗ trợ kinh phí tái hòa nhập cộng đồng cho số người nghiện ma túy sau cai nghiện trở về địa phương.

Hiện nay có rất nhiều hình thức cai nghiện ma túy như: Cai nghiện tự nguyện tại gia đình, cộng đồng, cai nghiện tự nguyện tại cơ sở điều trị nghiện, cai nghiện bắt buộc tại cơ sở điều trị nghiện. Nhưng dù hình thức cai nghiện nào, cũng rất cần sự chung tay giúp đỡ, có trách nhiệm của các ngành đoàn thể cùng với lực lượng Công an trong công tác quản lý, giáo dục, cảm hóa người nghiện, và nhất là sự cảm thông, chia sẻ và tránh sự kỳ thị của mọi người. Có như thế mới mong kéo giảm số người nghiện và tội phạm ma túy mới phát sinh trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp./.

 

PV
Tìm kiếm
Tin tức - Sự kiện
Liên kết website