Khơi lên bản chất tốt đẹp của phạm nhân để đẩy lùi cái ác, cái xấu

08/05/2018
Cảm hóa và xoa dịu nỗi mặc cảm về tội lỗi cho những mảnh đời lầm lỡ, đó là công việc có phần thầm lặng nhưng rất khó khăn, vất vả không quản ngày đêm của cán bộ, chiến sỹ Công an làm công tác quản giáo. “Giáo dục con người đã khó, cải tạo phạm nhân lại càng khó bội phần” - đó là tâm sự của Trung tá Bùi Mạnh Điệp, Đội trưởng Đội Quản giáo II, Trại tạm giam số 1, Công an TP Hà Nội.

Trung tá Bùi Mạnh Điệp tốt nghiệp Khoa Điều tra, Trường Trung cấp Cảnh sát nhân dân năm 1997. Ra trường, đồng chí về nhận nhiệm vụ công tác tại Trại tạm giam số 1. Từ đó tới nay, qua nhiều vị trí công tác từ cán bộ quản giáo, cán bộ trinh sát, Phó trưởng Phân trại đến Đội trưởng Đội Quản giáo II, dù ở vị trí nào Trung tá Bùi Mạnh Điệp đều thể hiện tinh thần làm việc hăng say, tận tụy hết mình với công việc.

Thượng tá Lại Hợp Nhã, Phó Giám thị Trại tạm giam số 1 cho biết, Trung tá Bùi Mạnh Điệp là người rất hiểu và quan tâm đến các cán bộ, chiến sỹ của mình. Trại tạm giam là môi trường làm việc rất phức tạp, đặc trưng công việc là phải làm theo ca, những ca trực đêm thường vất vả, can phạm nhân đông, những can phạm đặc biệt nguy hiểm chiếm số lượng không nhỏ, nhưng Trung tá Điệp luôn đồng hành, động viên các cán bộ trong Đội của mình cùng cố gắng làm tốt công việc. Với sự tận tụy không biết mệt mỏi của mình, Trung tá Bùi Mạnh Điệp đã giúp Đội Quản giáo II đạt thành tích Đơn vị Quyết thắng 2 năm liền 2016, 2017. 

Trung tá Bùi Mạnh Điệp chia sẻ, để đạt được Đơn vị Quyết thắng là rất khó, thành tích này là tâm huyết, sự phấn đấu ngày đêm của cả Đội. Làm bất cứ việc gì để đạt được kết quả tốt cũng phải xuất phát từ cái tâm của mình, đặc biệt là trong môi trường quản lý, giáo dục phạm nhân. Chỉ có cái tâm của mình mới có thể cảm hóa được những con người phạm đầy tội lỗi nhìn nhận được giá trị của cuộc sống, giá trị nhân văn, tình thương yêu giữa con người với con người để họ sống tốt hơn, sau này ra ngoài xã hội họ sẽ làm những việc có ích. 

Trung tá Bùi Mạnh Điệp, Đội trưởng Đội quản giáo II, Trại tạm giam số 1, Công an TP Hà Nội.

Trại tạm giam giống như một xã hội thu nhỏ, có đủ mọi thành phần. Đồng chí cho biết, hiện Đội Quản giáo II đang quản lý 1.600 can phạm nhân, đối tượng giam giữ đa dạng như: Các đối tượng phạm tội ma túy, buôn bán với số lượng lớn, nhiều tiền án, tiền sự; các đối tượng mắc bệnh hiểm nghèo như HIV, các bệnh lây nhiễm; các đối tượng phạm tội giết người; cướp tài sản, đối tượng có biểu hiện thần kinh và ngáo đá, những đối tượng cơ hội chính trị... Ngoài ra, Đội cũng đang quản lý 67 phạm nhân bị kết án tử hình, 11 phạm nhân có mức án tù chung thân.

Có thể nói rằng, để giáo dục một con người bình thường đã khó, giáo dục, quản lý phạm nhân còn khó khăn gấp nhiều lần, đặc biệt là những phạm nhân bị kết án tử hình. Không ít phạm nhân tỏ thái độ bất mãn, không hợp tác, phá phách, tấn công cán bộ quản giáo và có hành vi tự thương, tự sát để gây sức ép cho cán bộ quản giáo. Rất nhiều trường hợp, Trung tá Bùi Mạnh Điệp cùng các lãnh đạo Trại tạm giam số 1 phải trực tiếp gặp gỡ làm công tác “giáo lý” để các phạm nhân hiểu và chấp hành tốt các nội quy của Trại. 
Trong số những phạm nhân bị tử hình đặc biệt mà Trung tá Bùi Mạnh Điệp nhớ đến là trường hợp về tử tù Trương Văn Hà trong vụ án giết vợ vào đêm 30 Tết Giáp Ngọ 2014.
Trở lại vụ án này, tối 30/01/2014, Trương Văn Hà (SN 1967 - tức Hà “cọ”) và vợ là chị Trương Thị Lan P. (SN 1979, đều tạm trú tại ngõ 214 phố Đội Cấn, quận Ba Đình, TP Hà Nội) xảy ra mâu thuẫn. Sau khi đánh đập vợ, Hà hung hãn rút súng bắn chị P. khiến người phụ nữ này thiệt mạng. Sau khi gây án, thấy Công an khu vực và Tổ trưởng dân phố đến nhà gọi cửa, Hà nổ súng về phía Công an rồi tung cửa bỏ chạy. Hà là đối tượng có 03 tiền án, 07 tiền sự, đã có 01 đời vợ và con riêng. Ngày 05/2, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an quận Ba Đình (TP Hà Nội) ra Quyết định truy nã toàn quốc với Trương Văn Hà về hành vi giết người và tàng trữ trái phép vũ khí quân dụng. Trong 16 ngày đêm liên tục, với sự quyết tâm của các chiến sĩ Công an, Hà “cọ” đã phải tra tay vào còng khi y đang lẩn trốn tại một khu nhà trọ ở TP Đông Hưng, tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc.

Khi được đưa vào Trại, Trương Văn Hà luôn tỏ thái độ bất cần, chống phá, thường xuyên làm loạn trong phòng giam. Đây là một trong những phạm nhân đặc biệt, khiến nhiều cán bộ quản giáo vất vả trong công tác quản lý, giam giữ. Có những lúc tưởng chừng như không thể cảm hóa nổi con người này. Trung tá Điệp cho biết, nhiều lần trực tiếp gặp Trương Văn Hà để nói chuyện, thuyết phục, động viên và chia sẻ bằng cái tâm thực sự giữa con người với con người với hy vọng phạm nhân hiểu. Cuối cùng, sự cố gắng cũng có kết quả, khi một ngày vào nói chuyện với Trương Văn Hà, đồng chí thấy phạm nhân im lặng, trầm tư và rơm rớm nước mắt. Có lẽ lúc này lương tri của Hà mới được đánh thức, Hà nói hối hận về những việc đã làm. Khi cái chết cận kề, Hà nhớ tới bố mẹ đã khuất, nhớ tới người vợ đã mất và nhớ cậu con trai cũng đang thụ lý án tù. Hà mong muốn sau này con trai ra tù sẽ sống tốt hơn bố, đừng tiếp tục dấn thân vào con đường tội lỗi. Hiện tại, Trương Văn Hà đã thay đổi hẳn so với thời điểm mới vào Trại, tuân thủ nghiêm các quy định trong Trại tạm giam. 

Công việc quản giáo đối với Trung tá Điệp ban đầu là cái duyên, sau quá trình gắn bó đã trở thành niềm say mê tâm huyết thực sự lúc nào không hay. Trong suốt chặng đường công tác 21 năm của mình, hơn ai hết, đồng chí hiểu rõ quản lý can phạm nhân là một công việc rất nhạy cảm, bên cạnh sự mềm dẻo, cảm thông và chia sẻ sâu sắc với mỗi phạm nhân, trong những trường hợp cần thiết cũng cần có biện pháp mạnh để đủ sức răn đe, không chỉ với phạm nhân vi phạm kỷ luật trại giam mà còn có tác dụng giáo dục đối với các phạm nhân khác. 

 

Phương Hà
Tìm kiếm
Tin tức - Sự kiện
Liên kết website