Miệt mài gieo mầm thiện

20/02/2020
Với những việc làm nhân văn, nhân ái và thấm đẫm tình người của mỗi cán bộ, chiến sĩ đang công tác tại đây, hơn nửa thế kỷ qua, Trại giam số 3 thuộc thuộc Cục Cảnh sát quản lý trại giam, cơ sở giáo dục bắt buộc, trường giáo dưỡng, Bộ Công an đóng tại huyện Tân Kỳ, tỉnh Nghệ An đã giúp nhiều người lầm lỗi sớm tìm lại chính mình, hướng thiện để trở về với gia đình và cộng đồng, trở thành người có ích cho xã hội.

Để đảm bảo cho quá trình giam giữ, cải tạo và giáo dục, cảm hóa cho hơn 2.200 phạm nhân đang thụ án tại đây không bị gián đoạn, ngay từ những ngày đầu Xuân, hoạt động giáo dục, tăng gia lao động sản xuất đã được Ban Giám thị và Hội đồng cán bộ của Trại giam số 3 phát động thi đua, tạo nên không khí vừa sôi nổi, phấn khởi, vừa ấm áp và thấm đẫm tình người.    

Đại tá Phan Đình Thành, Giám thị Trại giam số 3 chia sẻ, hơn 05 năm kể từ khi rời Trại giam Nghĩa An (tỉnh Quảng Trị) về nhận nhiệm vụ tại đây, đồng chí đã dốc hết tâm sức, trí lực để vừa xây dựng đơn vị khang trang, sạch đẹp, vừa đổi mới, đa dạng hóa các hình thức giáo dục, cải tạo. Từ đó, giúp phạm nhân sớm xác định được giá trị của bản thân, tích cực học tập, lao động, cải tạo và chấp hành án để sớm được trở về với gia đình, hòa nhập cộng đồng.

Xứng danh đơn vị anh hùng

Để có được thành quả như hôm nay đã có biết bao công sức gây dựng, vun đắp, thậm chí phải đổi bằng mồ hôi, xương máu của nhiều thế hệ lãnh đạo, cán bộ chiến sĩ qua các thời kỳ. Tháng 2/1955, Trại cải tạo Trung ương số 3 - tiền thân của Trại giam số 3 ngày nay - ra đời tại thôn Quý Cao, xã Quang Trung, huyện Tứ Kỳ, tỉnh Hải Dương nhằm đáp ứng yêu cầu quản lý, cải tạo các đối tượng, phục vụ công cuộc cải cách ruộng đất và đấu tranh trấn áp các đối tượng phản cách mạng. Sau 02 lần di chuyển địa điểm, từ tháng 3/1959, đơn vị chuyển về xã Nghĩa Dũng, huyện Tân Kỳ, tỉnh Nghệ An. Đến tháng 12/1994, Trại chính thức được đổi tên thành Trại giam số 3. Trại giam số 3 từ trước đến nay là nơi đây chỉ tiếp nhận và thụ án riêng phạm nhân nam, không có phạm nhân nữ…

Cán bộ, chiến sĩ Trại giam số 3 vinh dự đón nhận Huân chương Chiến công hạng Ba, năm 2015.

 

Xuyên suốt 65 năm qua kể từ khi thành lập, Trại giam số 3 đã làm tốt công tác quản lý, giam giữ, giáo dục và cải tạo phạm nhân; đảm bảo tuyệt đối an ninh, an toàn Trại giam. Năm 2002, Trại giam số 3 đã trở thành đơn vị đầu tiên trong hệ thống các Trại giam cả nước đạt danh hiệu “Đơn vị văn hóa” và năm 2009, đơn vị vinh dự được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.

Thu phục nhân tâm

Phạm nhân Lê Văn Luyện, thủ phạm sát hại 03 người trong tiệm vàng Ngọc Bích ở phố Sàn, tỉnh Bắc Giang vào năm 2011, được chuyển đến thụ án tại Trại giam số 3 cách đây 08 năm về trước chia sẻ, lầm lỗi gây ra trong quá khứ bản thân đã rất ân hận, dày vò suốt thời gian dài. Lúc bấy giờ, tuổi trẻ bồng bột, cạn nghĩ nên đã gây nên tội ác, thời gian đầu mới nhập Trại giam bản thân gần như bị trầm cảm, sống khép kín, thậm chí chống đối dẫn đến bị kỷ luật. Tuy nhiên, nhờ sự quan tâm, động viên của cán bộ quản giáo, bản thân đã nhận ra lỗi lầm nên quyết tâm phục thiện, gắng cải tạo để sớm được trở về với gia đình. Lê Văn Luyện giờ đang lao động sản xuất và là thành viên của Đội văn nghệ phạm nhân “Tiếng hát tình đời”.

Thư viện dành cho các phạm nhân tại Trại giam số 3.

 

Một trường hợp khác là phạm nhân Nguyễn Văn Thúy (tức “cậu Thủy”), trú tại tỉnh Bắc Ninh, kẻ cầm đầu trong đường dây làm giả hài cốt liệt sĩ, đang thụ án tù chung thân, lao động sản xuất tại Đội làm hàng thủ công, Phân trại số 1. Năm 2015, “cậu Thủy” cùng đồng phạm bị Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Quảng Trị truy tố về 02 tội danh “Xâm phạm mồ mả, hài cốt” và “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” khi nhóm này tổ chức trộm hài cốt liệt sĩ vô danh tại nhiều nghĩa trang ở các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế rồi mang đi nhiều nơi tạo hiện trường, làm mộ giả để lừa người thân đi tìm mộ, với tổng cộng 105 mộ liệt sĩ bị làm giả, chiếm đoạt số tiền nhiều tỉ đồng. Hơn 04 năm thụ án, cùng với sự quan tâm, giáo dục và giác ngộ của cán bộ quản giáo, phạm nhân Nguyễn Văn Thúy đã nhận thức được tội lỗi của mình, ngày đêm miệt mài với công việc để mong bù đắp một phần lầm lỗi đã gây ra cho người đã khuất và thân nhân của họ. “Được cán bộ bố trí công việc làm hàng thủ công, phạm nhân đã rất thành tâm trong từng công đoạn, với tâm niệm sự sám hối của mình sẽ gửi gắm vào từng sản phẩm như một lời xin lỗi muộn màng gửi đến những người từng là nạn nhân của mình”, phạm nhân Thúy bộc bạch.  

Câu chuyện của phạm nhân Lê Văn Luyện, Nguyễn Văn Thúy cũng là con đường hướng thiện chung của hàng nghìn phạm nhân khi đến tìm lại giá trị thực của bản thân ở Trại giam số 3. Sự lầm lì, chống đối, mặc cảm, tự ti của mỗi phạm nhân đều được cảm hóa bằng tình người, sự quan tâm, gần gũi của từng cán bộ quản giáo. Thậm chí, khi phạm nhân bị đau ốm, bệnh tật thì cán bộ chính là người thân duy nhất luôn bên cạnh để động viên, thăm hỏi.

Cán bộ Trại giam số 3 hướng dẫn phạm nhân tăng gia lao động sản xuất.

 

Đối với những phạm nhân chống đối, luôn tìm cách bỏ trốn khỏi nơi giam giữ, cùng với việc áp dụng các biện pháp nghiêm khắc để làm gương bằng hình thức giáo dục chung, Trại giam số 3 còn tổ chức hình thức giáo dục riêng, đem cái tâm, cái tình của người quản giáo để cảm hóa, thức tỉnh phần thiện lương trong tâm hồn mỗi con người. 

Kết quả đáng tự hào trong 18 năm liên tục, Trại giam số 3 không có phạm nhân trốn thoát và từ năm 2015 đến nay, đã thanh loại 03 đối tượng và bắt giữ thành công 03 đối tượng truy nã…

Trung tá Đào Anh Sơn, Phó Giám thị Trại giam số 3 cho biết, hàng năm, với tinh thần trách nhiệm, trên cơ sở quy định của pháp luật và bằng tình yêu thương con người, Trại giam số 3 đã thường xuyên đổi mới nội dung, hình thức, biện pháp giáo dục phạm nhân. Qua đó, giúp phạm nhân nhận thức được hậu quả đã gây ra cho xã hội, có trách nhiệm khắc phục hậu quả, giúp họ xác định được chân lý, ý nghĩa thiết thực của cuộc sống, từ đó hăng say, tích cực trong học tập, lao động, cải tạo và chấp hành án để sớm được trở về với gia đình, hòa nhập cộng đồng, trở thành công dân có ích. 

Đại tá Phan Đình Thành, Giám thị Trại giam số 3 trao đổi với người nhà phạm nhân.

 

Công tác cải tạo, giáo dục phạm nhân được thực hiện với nhiều hình thức khác nhau, trong đó, có những phong trào mang tính giáo dục nhân văn sâu sắc như: Phong trào viết thư “Gửi lời xin lỗi”, giao lưu “Thắp sáng ước mơ vì ngày mai tươi sáng”, cuộc thi “Viết cảm nhận về sách”, “Tuyên truyền, giới thiệu, kể chuyện theo sách”, hội thi “Tiếng hát tình đời”, hội thi “Tuyên truyền phòng, chống tác hại của thuốc lá, ma túy và các bệnh truyền nhiễm trong phạm nhân”... Ngoài ra, hàng năm Trại giam số 3 còn phối hợp với Thư viện tỉnh Nghệ An, luân chuyển hàng ngàn đầu sách phục vụ nhu cầu đọc sách của phạm nhân. Đặc biệt, Hội nghị đại biểu gia đình phạm nhân tổ chức hàng năm được đổi mới hình thức, đem lại hiệu quả về công tác phối hợp giáo dục…

 

Trung Thành
Tìm kiếm
Tin tức - Sự kiện
Liên kết website