Những "bông hồng thép"

29/10/2018
Giáo dục những người lầm lỗi, chữa bệnh cho những người đang bi quan, chán nản bao giờ cũng gặp nhiều khó khăn, áp lực. Thế nhưng, những "bông hồng thép" ấy vẫn ngày đêm chu toàn việc cơ quan, đảm đang việc nhà.

Giáo viên đặc biệt

Gọi đặc biệt bởi “học trò” của các đồng chí là những người vi phạm pháp luật và không ít người tóc đã điểm bạc. Đặc biệt, còn bởi “trường học” ở sau song cửa sắt, vắng vẻ, tĩnh lặng với muôn vàn khó khăn. Thế nhưng, những nữ quản giáo ấy vẫn gắn bó suốt bao năm qua với mục tiêu cải tạo, giáo dục người lầm lỗi.

Đại úy Nguyễn Từ Thụy Thanh Thúy, cán bộ quản giáo Trại tạm giam Công an tỉnh Quảng Nam chia sẻ, hầu hết các bị can, nhất là nữ, khi vào Trại đều có tâm lý bất ổn nên có nhiều hành động tiêu cực như tự tử, nhịn ăn, la hét... khiến công tác quản lý, giáo dục khó khăn, phức tạp. Bằng mọi giá, các đồng chí phải làm sao cho họ an tâm tư tưởng, thực hiện tốt nội quy, quy chế của Trại và từng bước cảm hóa họ hoàn lương.

Đại úy Nguyễn Từ Thụy Thanh Thúy chuyện trò với phạm nhân.

 

Vì nhiễm HIV nên bị can V.T.N. (sinh năm 1983, ở Hà Nội) được giam buồng riêng để tránh lây nhiễm cho các bị can khác. Cũng vì bị giam riêng, N. thấy trống trải nên liên tục la hét, khóc than. Để cảm hóa N., các quản giáo đã thường xuyên gần gũi, trò chuyện, động viên để N. không còn thấy cô đơn, dù bị can đang mang căn bệnh thế kỷ. 

Còn với L.T.K.H (sinh năm 1993, ở huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam) thì ngược lại, sau khi gây án, mối tình với mẹ nuôi bị bại lộ, H. xấu hổ không muốn gặp ai và có ý định tự tử. Nắm được tâm lý này, các nữ quản giáo chia sẻ chuyện tình cảm với H. Có người thông cảm về tình yêu đồng tính của mình, H. dần dần xóa bỏ mặc cảm. Qua phân tích, động viên của quản giáo, cuối cùng H. đã ổn định tư tưởng để sống tốt hơn. Hoặc có bị can, phạm nhân không có người thân đến thăm, các quản giáo đã dùng tiền cá nhân để mua mì tôm, bánh trái làm quà cho họ khiến những con người lầm lỗi ấy thức tỉnh.

Có không ít những người bước vào “trường học” đặc biệt nơi này khi còn rất trẻ, đối diện với khung hình phạt nặng, nên bất cần, chán chường, thường xuyên gây hấn đánh nhau, hoặc “nhẹ” hơn cũng sử dụng những ngôn từ tục tĩu. Một số bị can lớn tuổi, thấy quản giáo trẻ hơn mình nên không nghe lời và có biểu hiện chống đối. Rồi có những người từng nhiều lần ra tù vào tội thì manh động, tìm đủ cách để quấy phá... Thế nhưng, bằng nghiệp vụ và trái tim nhân hậu, những "bông hồng thép" đã cảm hóa được những con người lì lợm, ngang bướng này. Nhưng phía sau mọi biểu hiện tiêu cực, luôn là những nỗi niềm riêng và những cán bộ quản giáo đã chạm được vào không gian ấy bằng sự chân thành, bên cạnh nghiệp vụ sắc bén, để cảm hóa được họ.

Thượng tá Võ Văn Nghệ, Phó Giám thị Trại tạm giam Công an tỉnh Quảng Nam nhận xét, công việc quản giáo rất nhiều áp lực, bởi giữ con người bao giờ cũng khó hơn giữ tài sản. Cái khó, là phải làm sao để họ hiểu được những điều đúng, sai mà cải tạo tốt. Không chỉ có vậy, các nữ quản giáo còn bộn bề công việc gia đình. Có thời gian, quản giáo nữ chỉ có 02 người nên phải trực đến 3, 4 ngày/tuần. Dù vậy, các đồng chí vẫn làm tốt công tác chuyên môn và đảm đang vai trò dâu hiền, vợ thảo, nuôi dạy con cái chăm ngoan.

Thầy thuốc mang quân phục xanh

Bên trong cánh cửa sắt, còn có những bóng hồng thầm lặng khác, cũng vất vả và tận tụy như cán bộ nữ quản giáo. Đó là đội ngũ cán bộ y tế, những người luôn túc trực 24/24 giờ để có mặt kịp thời khi có bị can, phạm nhân hay cán bộ bị ốm đau cần chữa trị. Thiếu tá, y sĩ Nguyễn Thị Kim Hữu chia sẻ, ngoài xã hội thì bệnh nhân tìm đến với thầy thuốc nhưng trong Trại, thầy thuốc phải đi tìm bệnh nhân, thậm chí năn nỉ để phạm nhân cho mình được khám chữa bệnh. Mới nghe qua như một nghịch lý, nhưng thật sự là vậy, vì không chỉ chữa bệnh mà còn chữa cả tâm hồn của phạm nhân.

Khám chữa bệnh cho phạm nhân.

 

Trước khi vào Trại, rất nhiều bị can không được chăm sóc sức khỏe tốt, nhất là những người sử dụng ma túy nên họ mang nhiều bệnh tật. Khi vào Trại, thêm phần lo lắng nên bệnh tình xấu hơn; thế nhưng nhiều người buông xuôi, không màng việc chữa trị bệnh. Có bị can, phạm nhân, chỉ vì người nhà không đến thăm là họ nhịn ăn nhiều ngày khiến cán bộ y tế phải chuyền dịch. Vậy nhưng khi chuyền dịch họ lại giật ống chuyền khiến công tác điều trị gặp khó khăn. Lại có những kẻ không đau ốm nhưng giả vờ bệnh nặng để được đưa đến bệnh. Một số bị can, phạm nhân nữ có thai, luôn đặt ra yêu sách đòi hỏi cán bộ y tế chăm sóc họ với những tiêu chuẩn ngoài quy định. Rồi nhiều trường hợp giở trò ma mãnh, quấy phá cán bộ. Không ít phen các chị phải thức trắng đêm để điều trị bệnh hoặc phân tích, khuyên nhủ những trường hợp... giả vờ bệnh.

Ngoài tâm lý bất cần, không ít trường hợp nhiễm HIV, nghiện ma túy đá có biểu hiện manh động khiến cán bộ y tế đứng trước nhiều rủi ro, nguy hiểm. Dù vậy, với việc làm tròn chức trách, nhiệm vụ của mình, trong hàng chục năm qua, những "bông hồng thép" vẫn tận tình khám chữa bệnh cho bị can, phạm nhân. Không những thế, các đồng chí còn giáo dục, động viên bệnh nhân của mình hoàn lương, làm lại cuộc đời. 

Khi được hỏi cảm nghĩ về các nữ quản giáo, nữ y sĩ Trại tạm giam, bị can N.T.B (sinh năm 1964, ở huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam) tâm sự, trước khi vào đây, không nghĩ mình sẽ được cán bộ quan tâm, chia sẻ, động viên và khám chữa bệnh chu đáo như thế này nhưng bây giờ đã cai nghiện được và sức khỏe tốt hơn trước. Bị can thật sự biết ơn cán bộ ở đây và sẽ hoàn lương để làm lại cuộc đời...

 

Phương Nam
Tìm kiếm
Tin tức - Sự kiện
Liên kết website